Trước đây, người máy thường được biết đến trong chuyện tranh Doremon. Và thấy cụ thể qua seri phim người máy biến hình (Transformers). Khi đó, chúng ta vẫn nghĩ, người máy chỉ có trong giả tưởng và những bộ phim viễn tưởng.
Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ số, các AI (trí thông minh nhân tạo) thế hệ mới xuất hiện, làm ngạc nhiên cho giới nghiên cứu và công chúng vì ích lợi mà nó đem lại. Khi chỉ trong vài phút, AI có thể vẽ một bức tranh đẹp. Trong lĩnh vực báo chí, cũng chỉ khoảng 5 phút, AI viết bài báo đáp ứng đầy đủ yêu cầu tạp chí. Và mới đây, từ cuối tháng 11/2022, sự ra đời của ChatGPT với việc có thể làm luận văn, viết thơ, trò chuyện, viết sửa lỗi cho lập trình viên, kết hợp với các AI đồ họa và âm thanh khác để tạo nên các bộ phim ngắn thú vị… ChatGPT cũng đã vượt qua cả kỳ thi MBA của trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Và trong tương lai, khi hệ thống dữ liệu được cập nhật, với sức mạnh và khả năng tiến hóa của nó, những công việc mà ChatGPT làm được có thể vượt sức tưởng tượng của con người.
Vậy, sự ra đời của các AI này có làm cho các nhà báo, nhà giáo, bác sĩ, nhân viên hành chính… mất nghề? Cuộc sống của con người sẽ thế nào, khi AI đang chiếm lĩnh và làm thay nhiều việc mà con người đã và đang làm? Khi AI ngày càng nhiều, con người sẽ làm thế nào để thích nghi với xã hội người máy, máy người?… Liệu có như dự báo của Yuval Noah Harari:“Sự hợp nhất của công nghệ sinh học và công nghệ thông tin bắt ta đối đầu với những thách thức lớn nhất mà loài người từng phải đối mặt”.
Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 làm xuất hiện nhiều hơn các AI. Về bản chất, là việc ứng dụng công nghệ để tổng hợp và xử lý dữ liệu phục vụ học tập, làm việc, cuộc sống của con người. Tài nguyên dữ liệu lớn (Bigdata), cho phép tạo nền tảng cơ bản cho sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và các hệ thống thông minh có thể phát triển và vận hành hiệu quả, đóng vai trò cách thức trong kỷ nguyên số, được thể hiện qua ba chiều kích: năng lực thu thập dữ liệu, năng lực phân tích dữ liệu, năng lực xử lý dữ liệu. Sự thông minh và năng lực xử lý thông tin của AI là ở khả năng tổng hợp dữ liệu của nó. Không có dữ liệu, không thể có kết quả đầu ra hoàn chỉnh. Ai nắm được dữ liệu người đó nắm tương lai.
Nhưng năng lực phân tích dữ liệu đó để làm gì, và phân tích dữ liệu đó để được gì thì có phải là phần việc của AI? Và liệu AI làm được hết phần việc của con người.
Các robot tình dục có thể thực hiện gần như hoàn hảo chức năng sinh lý của người vợ, người chồng nhưng sẽ không thể bổ khuyết cho sự thiếu vắng cảm xúc thăng hoa của tình yêu đôi lứa.
Trong chẩn đoán hình ảnh, AI có thể chuẩn đoán chính xác và làm thay bác sĩ tới khoảng 95% khối lượng công việc. Như vậy vẫn còn 5% giành cho bác sĩ, dù là ít, nhưng lại là cái quyết định khi kê đơn, bốc thuốc cho bệnh nhân. Bởi 5% đó là sự sáng tạo nằm trong bộ não con người và trái tim của bác sĩ, mà con AI không có và không thể có.
AI có thể đảm trách bài giảng của giảng viên với đầy đủ thông tin và dữ liệu, nhưng liệu có chạm đến trái tim và khơi dậy cảm hứng sáng tạo cho người học thay cho người thầy?
AI có thể viết hoàn chỉnh một bài báo, nhưng nội dung chỉ là sự tổng hợp các nguồn tin sẵn có. Còn sự liên kết, mục đích viết bài thì liệu nó có thể xử lý được? Đó là phần việc của nhà báo.
Máy móc có hiện đại gì đi nữa cũng chỉ là “máy móc”. Máy móc vẫn do con người làm ra và điều khiển. Xe ngựa ra đời, người phu kéo sẽ không mất việc khi họ trở thành người lái xe ngựa. Xe máy xuất hiện, nghề xe ôm ra đời. Có ứng dụng đặt xe, người xe ôm đâu có mất việc khi trở thành Graber.
Sức mạnh của con người nằm ở trái tim và óc sáng tạo. Trái tim và sự sáng tạo để truyền cảm hứng, ý chí, nghị lực và đổi mới, sáng tạo. 90 tỷ nơron thần kinh sinh học trong bộ não con người là kỳ vĩ của tạo hóa đã ban cho chúng ta để sáng tạo vô tận. Chúng ta hãy đánh thức nó để thích ứng với thời đại công nghệ số.
Do đó, bác sĩ sẽ không mất nghề, người thầy sẽ không thất nghiệp. nhà báo cũng không mất không gian sáng tạo. AI có thể thay một vài chức năng sinh lý, nhưng không thay thế được trái tim và óc sáng tạo của con người. AI có thể thay thế cho phần con, nhưng phần người vẫn là cái riêng biệt, độc đáo mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người.
Tuy nhiên, trong bối cảnh của sự phát triển công nghệ số. Với sự xuất hiện của các AI thế hệ mới ngày càng thông minh hơn, ngày càng làm được nhiều phần việc của con người hơn đang tạo ra phương thức tương tác mới trong thời đại chuyển đối số. Đó là phương thức lai ghép giữa người với máy, máy với người. Hình thành nên một hệ điều hành tư duy mới. Ở đó người làm chủ máy hay máy làm chủ người?
Con người sẽ là chủ khi nắm giữ trái tim và sự sáng tạo. Máy sẽ là chủ khi con người lệ thuộc vào nó. Người học sẽ thông minh hơn khi sử dụng ChatGPT là công cụ kiếm tìm và khai thác thông tin. Nhưng sẽ lười và thụ động hơn khi để AI làm thay bộ não của mình. ChatGPT sẽ là thầy giáo khi người thầy chỉ biết sao chép, giảng dạy theo phong cách Học – Nhớ – Làm theo. Giảng viên vẫn là THẦY khi sử dụng ChatGPT để hướng người học Học – Hiểu – Vận dụng – Sáng tạo. Thầy giáo sẽ là chủ khi chú tâm vào dạy cách học, truyền cảm hứng và đánh thức tư duy thích nghi, đổi mới, sáng tạo.
Dù gì đi chăng nữa, con người vẫn là trung tâm của sự phát triển. Không có máy móc, trí thông minh nhân tạo nào có thể thay thế được sự vĩ đại của trái tim và bộ óc sáng tạo của con người.
TS. Trương Quốc Việt
Học viện Hành chính Quốc gia
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khi-chatgpt-xuat-hien-nha-bao-nha-giao-bac-si-co-mat-nghe-a593022.html