Số liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler cho thấy, nhập khẩu dầu thô từ Nga của Ấn Độ ở mức 67.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022, một tháng trước khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.
Con số này bắt đầu tăng lên 136.000 thùng/ngày vào tháng 3/2022, sau đó vọt lên mức 1,12 triệu thùng/ngày vào tháng 6/2022.
Vào thời điểm lệnh cấm vận của EU và mức giá trần của G7 đối với dầu thô của Nga có hiệu lực vào ngày 5/12, Ấn Độ mua 1,2 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày.
Hồi tháng 5, con số này đạt mức cao nhất mọi thời đại lên 2,15 triệu thùng/ngày, tăng tới 1.500% so với hồi tháng 3/2022, khiến Ấn Độ trở thành khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Nga.
Lách luật trừng phạt?
Ngay sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, các nước châu Âu và phương Tây bắt đầu giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Moscow nhằm siết chặt nền kinh tế của nước này. Ví dụ, Đức đã đình chỉ khởi động đường ống khí đốt tự nhiên Nord Stream mới, trong khi Canada và Mỹ cấm nhập khẩu dầu thô của Nga.
Khi xung đột kéo dài, các quốc gia này đã quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga nhằm tiếp tục làm suy yếu tài chính của nước này.
Ngày 5/12/2023, nhóm 7 cường quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển (G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh) đã thực thi “giá trần” đối với dầu thô của Nga. Theo đó, các chủ hàng và công ty bảo hiểm phương Tây bị cấm tham gia vào các hoạt động buôn bán dầu của Nga nếu giá giao dịch ở mức trên 60 USD/thùng.
Các chuyên gia tin rằng việc áp đặt trần giá sẽ làm tê liệt nền kinh tế của Moscow và ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tài trợ Nga trong trận chiến với Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã phản ứng bằng cách chuyển hơn 90% lượng dầu thô xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Vào tháng 3, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết: “Nếu dầu diesel hoặc xăng mà Ấn Độ xuất khẩu vào châu Âu được sản xuất bằng dầu của Nga, đó chắc chắn là một sự lách luật trừng phạt, và các quốc gia thành viên phải đưa ra giải pháp cho vấn đề này”.
Tuy nhiên, chính quyền Ấn Độ đã bác bỏ ý kiến này, nói rằng dầu diesel mà nước này bán sang châu Âu không thể được coi là “sản phẩm của Nga”.
“Vào thời điểm được tinh chế, nó được trộn lẫn với các loại khác từ Ả Rập Xê-út, Iraq và các nước khác. Vì vậy, hoặc là không cấm, hoặc phải cấm hết tất cả dầu diesel từ Ấn Độ, bởi vì trong một nhà máy lọc dầu, không thể tách các nguồn dầu thô”, ông Viktor Katona, nhà phân tích hàng đầu về dầu thô tại Kpler cho biết.
Cơn sốt nhập khẩu từ châu Âu
Do các biện pháp trừng phạt đối với việc nhập khẩu dầu của Nga không áp dụng cho Ấn Độ, lượng nhiên liệu từ Moscow đã đạt mức cao kỷ lục, chiếm tới 45% tổng lượng nhập khẩu của nước này.
Điều này khiến Ấn Độ không chỉ dễ dàng đáp ứng nhu cầu năng lượng của riêng mình mà còn của các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia phương Tây đang phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu.
Từ tháng 12/2022 đến tháng 4/2023, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã xuất khẩu sang châu Âu trung bình khoảng 284.000 thùng dầu mỏ tinh chế mỗi ngày, tăng từ khoảng 170.000 thùng/ngày trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Vortex.
Dữ liệu của Anadolu cho thấy, Ấn Độ đã bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm dầu sang một số quốc gia châu Âu hầu như không mua gì từ nước này trước xung đột. Quốc gia này đang nhập khẩu ngày càng nhiều dầu từ Moscow và tinh chế thành nhiên liệu cung cấp cho châu Âu và Mỹ, theo Bloomberg.
Hà Lan nổi lên là một trong những khách hàng mua dầu diesel lớn nhất của Ấn Độ, với lượng nhập khẩu tăng từ 28.000 thùng/ngày hồi tháng 2/2022 lên 49.200 thùng/ngày trong tháng 5/2023. Tháng 1/2023, quốc gia này đã mua kỷ lục 76.000 thùng diesel mỗi ngày từ Ấn Độ.
Pháp cũng liên tục đẩy mạnh nhập khẩu từ 12.000 thùng/ngày vào tháng 12/2022 lên 37.000 thùng/ngày trong tháng 5/2023.
Đức, quốc gia hầu như không mua sản phẩm dầu nào từ Ấn Độ trong 3 năm trước xung đột, nhưng đã nhập khẩu 8.900 thùng/ngày vào tháng 11/2022 và tăng lên hơn 10.000 thùng/ngày.
Ý, Romania, Bỉ và Tây Ban Nha là những quốc gia châu Âu khác tăng nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ từ Ấn Độ trong 6 tháng qua, kể từ khi lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ của Nga có hiệu lực.
Nguyễn Tuyết (Theo Anadolu Agency, Indian Express)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khach-sop-cua-dau-nga-sau-cac-don-trung-phat-cua-phuong-tay-a611923.html