Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng
Theo Công an Nhân dân, mặc dù sau đại dịch, Việt Nam công bố mở cửa hoàn toàn (15/3/2022) khá sớm và tạo được cơ hội, lợi thế nhất định trong phục hồi du lịch quốc tế so với nhiều quốc gia trong khu vực nhưng năm 2022, Việt Nam chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách, đạt 73% kế hoạch. Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế, năm 2025 phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế…
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, sự phục hồi du lịch quốc tế không như kỳ vọng và điều này dẫn đến nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế nói chung, không chỉ riêng với ngành du lịch mà còn ảnh hưởng tới ngành hàng không, thị trường ăn uống, lưu trú, bất động sản.
Biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch Covid-19 từ báo cáo của Hội đồng tư vấn du lịch TAB cũng cho thấy, chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1% – đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực.
Theo phân tích của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu từ nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài, từ 8- 12 ngày, thậm chí là 15 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD cho 1 chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu ít.
Ông Trường cũng so sánh, năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế thì Thái Lan đã đón 25 triệu lượt khách. Năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu đón 35 triệu lượt khách quốc tế thì đến năm 2027, Thái Lan đã đặt mục tiêu đón 80 triệu khách quốc tế. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá cho du lịch ngay bây giờ thì sẽ chậm hơn họ rất nhiều.
Báo cáo về tình hình du lịch mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng chỉ ra khá nhiều nguyên nhân hạn chế, tồn tại của ngành du lịch, trong đó có du lịch quốc tế. Đó là các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi các thị trường này chưa mở cửa do tác động của dịch Covid-19.
Việc kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng chưa chủ động, còn chậm. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch Việt Nam ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Chính sách visa đã có nhiều đổi mới, tiến bộ song so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn. Sản phẩm du lịch chưa bắt kịp với xu thế hiện nay của thế giới, chưa phát huy được lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên văn hoá.
Việc phát triển các loại hình sản phẩm du lịch có lợi thế ở Việt Nam chưa được quan tâm, chúng ta mới tiếp cận theo cái chúng ta có mà chưa tiếp cận theo cái du khách cần, vì vậy ít nhiều ảnh hưởng đến thu hút khách.
Về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp du lịch đã rất cố gắng nhưng du lịch Việt Nam vẫn ở top thấp trong khu vực về đón khách quốc tế.
Giải pháp hút khách quốc tế
Theo VOV, theo các chuyên gia, để hút khách quốc tế cũng như kích thích nhu cầu chi tiêu, góp phần phục hồi ngành du lịch thì kinh tế đêm cần được đầu tư đa dạng và phong phú.
Việc Chính phủ Trung Quốc đã đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn đợt II (từ 15-3) được kỳ vọng phục hồi du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, để khai thác tối đa cơ hội, phát triển ngành du lịch hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, TS. Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và kinh tế quốc tế cho rằng, cần có những giải pháp để tăng chi tiêu của khách du lịch quốc tế: “Chính vì tín hiệu tốt như thế, tôi cho rằng, ngành du lịch Việt Nam đang đứng trước vận hội mới với những bước ngoặt mà mình tranh thủ phải tận dụng cơ hội, đó là làm thế nào để khách Trung Quốc nói riêng và khách quốc tế nói chung họ chi tiêu nhiều hơn, lưu trú tại Việt Nam dài ngày hơn, quảng bá mạnh hơn cho du lịch Việt Nam”.
Cũng theo các chuyên gia, để giữ chân du khách và kích thích nhu cầu chi tiêu thì kinh tế đêm cần được đầu tư đa dạng và phong phú. Theo đó, lợi thế của mô hình kinh tế đêm là thu hút khách du lịch và tạo điểm nhấn, màu sắc cho từng địa phương, vùng miền.
Tuy nhiên, những hoạt động có thể phát sinh lợi nhuận về đêm hiện nay còn ít, theo chuyên gia kinh tế Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong, thực chất mới chỉ dừng lại ở một vài khu vực với phố đi bộ là chủ yếu, có tính chất buôn bán như ban ngày: “Kinh tế ban đêm phải là nền kinh tế dịch vụ mở, nó có gắn với sản xuất nhưng đồng thời phải thu hút nhiều thành phần tham gia, bao gồm người cung cấp, người hưởng thụ dịch vụ cũng như hoạt động quản lý xung quanh đấy. Kinh tế ban đêm là nền kinh tế mở, nội hàm và hình hài sẽ phát triển theo thời gian. Nó sẽ mở rộng và đa dạng hoá hơn. Nhưng nếu chỉ có một vài phố tây, một vài quán bar cho thanh niên tụ tập cũng chưa phải kinh tế ban đêm”.
Ngoài ra, để phát triển du lịch và hút khách quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc, TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, cần hoàn thiện thêm nhiều giải pháp khác: “Tôi cho rằng sự chuẩn bị của VN phải kỹ hơn như sụ tiếp đón, tổ chức các sự kiện văn hoá, lễ hội, có tính chất mời chào, xúc tiến, tạo hình ảnh thân thiện, nồng nhiệt. và khi khách quốc tế sang theo đoàn thì phải có các yếu tố ưu đãi, khuyến mại để thu hút khách du lịch quốc tế”.
Năm nay, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 8 triệu lượt khách quốc tế. Do đó, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu này, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu lại tâm lý, xu hướng du lịch của khách quốc tế để xây dựng nhiều sản phẩm chuyên biệt, hấp dẫn hơn và tham mưu, đề xuất thay đổi chính sách visa sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, để phát triển ngành du lịch, đóng góp vào nền kinh tế cần đầu tư đa dạng, phong phú đối với kinh tế đêm.
Bàn về giải pháp tăng cường thu hút khách quốc tế, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Võ Anh Tài cho rằng, cần sớm triển khai cụ thể giải pháp, kế hoạch quảng bá tiếp thị quốc tế quy mô lớn, cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó tiêu biểu là Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030.
Ngành du lịch cần sớm có kế hoạch quảng bá tiếp thị cụ thể hàng năm cho từng thị trường, phù hợp thế mạnh du lịch Việt Nam; sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội có tính tương tác cao, tốc độ lan tỏa sâu rộng nhằm triển khai các chương trình quảng bá tiếp thị tập trung.
Tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tổ chức truyền thông quốc tế, các nhân vật nổi tiếng quốc tế trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội tham gia các chương trình famtrip, presstrip theo thị trường, theo đối tượng du khách, trực quan sinh động tại Việt Nam, đặc biệt trải nghiệm các tuyến điểm du lịch mà Việt Nam muốn tạo điểm nhấn khác biệt trong năm 2023.
Đào Vũ (T/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/khach-quoc-te-phuc-hoi-chua-nhu-ky-vong-va-giai-phap-phat-trienbenvung-a599859.html