noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThế giớiHungary ký thỏa thuận năng lượng mới với Nga

    Hungary ký thỏa thuận năng lượng mới với Nga

    Khi được yêu cầu bình luận về việc Nga đưa Hungary vào danh sách “các quốc gia không thân thiện”, Ngoại trưởng Hungary nói: “Điều này không có gì mới”.

    Hungary hôm 11/4 đã ký các thỏa thuận mới để đảm bảo nguồn cung năng lượng liên tục từ Nga, hãng thông tấn AP đưa tin.

    Theo AP, đây là một dấu hiệu cho thấy quốc gia Trung Âu đang tiếp tục quan hệ ngoại giao và thương mại với Moscow – điều khiến một số nhà lãnh đạo châu Âu bối rối trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

    Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Moscow hôm 11/4, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom đã đồng ý cho phép Hungary, nếu cần, nhập khẩu lượng khí đốt tự nhiên vượt quá số lượng đã thỏa thuận trong một hợp đồng dài hạn đã được sửa đổi vào năm ngoái.

    Ông Szijjarto cho biết giá khí đốt đến Hungary thông qua đường ống Turkstream sẽ được giới hạn ở mức 150 Euro (163 USD)/m3, một phần của thỏa thuận cho phép Hungary thanh toán tiền mua khí đốt trên cơ sở trả chậm nếu giá thị trường vượt quá mức trên.

    Chuyến đi của Ngoại trưởng Hungary tới thủ đô của Nga đi ngược lại xu hướng chung ở Liên minh Châu Âu (EU) kể từ khi xung đột quân sự bùng phát ở Ukraine. Hầu hết các thành viên của khối 27 quốc gia đều không có liên hệ gì với giới chức Nga nói chung và Tổng thống Vladimir Putin nói riêng và tìm cách “cai nghiện” nhiên liệu hóa thạch của Nga.

    Chính phủ Hungary đã vận động mạnh mẽ ở EU để được miễn trừ khỏi bất kỳ biện pháp trừng phạt nào đối với khí đốt, dầu mỏ hoặc nhiên liệu hạt nhân của Nga, đồng thời đe dọa sử dụng quyền phủ quyết.

    Ông Szijjarto là một trong những quan chức duy nhất của một quốc gia EU đã gặp gỡ các quan chức Nga ở Moscow kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu hơn một năm trước.

    Thế giới - Hungary ký thỏa thuận năng lượng mới với Nga

    Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga Rosatom Alexey Likhachev và Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto (phải) bắt tay sau khi ký kết một thỏa thuận tại Moscow, Nga, ngày 11/4/2023. Ảnh: Rosatom

    Trong khi ở Moscow, Ngoại trưởng Hungary Szijjarto đã gặp Phó Thủ tướng Nga phụ trách Năng lượng, Alexander Novak, và Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Nhà nước Nga Rosatom, Alexey Likhachev.

    Trong cuộc họp báo hôm 11/4, ông Szijjarto nhấn mạnh rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp năng lượng của Nga là rất quan trọng đối với an ninh của Hungary bất kể những cân nhắc chính trị do xung đột ở Ukraine mang lại.

    “Chừng nào vấn đề cung cấp năng lượng còn là vấn đề vật chất chứ không phải vấn đề chính trị hay ý thức hệ, dù muốn hay không, Nga và sự hợp tác với Nga sẽ vẫn rất quan trọng đối với an ninh năng lượng của Hungary”, ông Szijjarto nói.

    Khi được yêu cầu bình luận về việc Nga đưa Hungary vào danh sách “các quốc gia không thân thiện” liên quan đến việc nước này ủng hộ các biện pháp trừng phạt của EU, ông Szijjarto cho biết: “Điều này không có gì mới”.

    Nhà ngoại giao hàng đầu Hungary nhắc lại rằng chính phủ Nga đã công bố danh sách các quốc gia không thân thiện từ nhiều tháng trước và danh sách này bao gồm tất cả các thành viên EU. Tuy nhiên, điều này không cản trở sự hợp tác năng lượng giữa Hungary và Nga vốn đang “diễn ra suôn sẻ”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.

    Thế giới - Hungary ký thỏa thuận năng lượng mới với Nga (Hình 2).

    Kết nối thành công đường ống TurkStream và điểm đổ bộ. Hungary nhận khối lượng khí đốt chính thông qua đường ống TurkStream và các nhánh của nó qua Bulgaria và Serbia trên cơ sở hợp đồng dài hạn với Tập đoàn năng lượng nhà nước Nga Gazprom. Ảnh: Euronews

    Theo hãng thông tấn Nga TASS, Hungary nhận khối lượng khí đốt chính thông qua đường ống TurkStream và các nhánh của nó qua Bulgaria và Serbia trên cơ sở hợp đồng dài hạn với Gazprom. Năm ngoái, quốc gia Trung Âu nội lục đã nhận được 4,8 tỷ m3 khí đốt Nga qua tuyến đường ống này.

    Hungary cũng sử dụng đường ống dẫn khí đốt Adriatic từ các cảng biển của Croatia với các kho cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và mua khí đốt trên thị trường châu Âu.

    Budapest cũng có kế hoạch bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan vào cuối năm nay và sau đó sẽ nhận 1-2 tỷ m3 khí đốt từ quốc gia này hàng năm.

    Minh Đức (Theo AP, TASS)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU