Hiện tại, trên địa bàn huyện Như Thanh (Thanh Hóa) đang triển khai xây dựng 2 dự án giao thông gồm: Đường Vạn Thiện đi Bến En, qua huyện Như Thanh (đơn vị thi công là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Miền Trung – Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Minh Tuấn) và đường Bến En đi thị trấn Bến Sung (đơn vị thi công là Công ty Cổ phần xây dựng Tiến Đạt).
Để phục vụ nguyên vật liệu cho các dự án này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt nhiều điểm tận thu đất trên địa bàn huyện Như Thanh. Đồng thời, nhà nước cũng cho phép nâng công suất đối với mỏ đá Công ty TNHH Anh Việt Hương, xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh.
Thời gian qua, UBND huyện Như Thanh đã ra nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị thi công thực hiện đúng quy định, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kết quả không như mong muốn khi một số doanh nghiệp đã không chấp hành nghiêm túc.
Theo ghi nhận của PV, Tỉnh lộ 520, đoạn qua địa bàn xã Xuân Phúc và thị trấn Bến Sinh hàng ngày có hàng trăm lượt xe tải (Howo) vận chuyển đất đá chạy qua, gây tình trạng ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Một số xe Howo chở đất đá từ mỏ đá Công ty TNHH Anh Việt Hương (xã Xuân Phúc) và mỏ tận thu đất của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt (thị trấn Bến Sung) cơi nới thành thùng, không bịt bạt hoặc bịt sơ sài (Xe BKS: 36C-156.85, 36H-043.99, 36H-047.88, …) chạy ra đường. Đất đá từ những chiếc xe này rơi vãi xuống đường gây bụi băm, ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống người dân hai bên đường bị đảo lộn.
Nơi những chuyến xe đi qua, cây cối hai bên đường bạc trắng vì phủ bụi, những nhà dân ven đường luôn trong trạng thái cửa đóng then cài để tránh bụi.
Ngôi nhà của gia đình anh Lê Thanh Hải nằm ở ngã ba, một mặt là cửa ngõ ra vào của mỏ đá, mặt khác là đường giao thông chính của thôn Đồng Xã, xã Xuân Phúc, nơi có hàng trăm chuyến xe chở đất, đá chạy rầm rập qua mỗi ngày.
Để hạn chế bụi, anh Hải lắp vòi tưới nước thường xuyên, song cũng chẳng ngăn được bụi phủ đầy nhà, bám kín các vật dụng.
“Hơn 1 năm qua, chúng tôi ngộp thở vì bụi và tiếng ồn. Chăn màn, quần áo cứ phơi ra vài phút là phủ bụi, không dám phơi nữa. Mỗi lần ăn cơm mà xe tải chạy qua cũng cuốn bụi vào cả bát cơm”, anh Hải bức xúc.
Cùng chung cảnh ngộ, ngay cạnh đó là nhà chị Quách Thị Chính. Nhà bán ăn sáng, hàng ngày, đến 7h khi các đoàn xe chạy qua, chị Chính lại phải đóng cửa vì quá bụi bặm, khách không ngồi nổi.
“Xe đất còn có giờ nghỉ ngơi, chứ mỏ đá thì hoạt động suốt từ sáng đến đêm. Có những ngày, 4h sáng xe đã vào lấy đá. Máy nghiền đá thì liên tục từ 7 giờ sáng đến 9-10 giờ đêm mới nghỉ, lúc nào cũng đinh tai nhức óc. Thậm chí, những khi mỏ đá nổ mìn, cái nhà còn rung lên bần bật. Chúng tôi ăn, ngủ đều không yên, đến phát điên lên mất. Nhà có trẻ con, nhưng lúc nào cũng đóng cửa trong nhà vì bụi. Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh nhưng không có kết quả gì”, chị Chính bức xúc nói.
Đối diện bên kia đường là dãy cửa hàng bán trà sữa, quần áo đã đóng cửa. Chủ shop quần áo Hiền Nguyệt cho biết, gia đình anh đã mất kế sinh nhai, không buôn bán được gì vì quá bụi bặm, mở hàng ra là bụi bám không ai dám vào mua.
Chỉ vào những chuyến xe đất không bịt bạt chạy phăng phăng trên đường, vị chủ shop nói: “Đấy, ngày nào cũng hàng chục chuyến xe đất không bịt bùng như vậy, vương vãi phủ bụi khắp nơi. Nào có thấy ai xử lý gì đâu, chúng tôi nói mãi rồi”.
Ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Phúc cho biết, trong thời gian qua, do nhu cầu nguồn vật liệu lớn từ các dự án giao thông Vạn Thiện – Bến En, cao tốc Bắc Nam, trên địa bàn xã được tỉnh Thanh Hóa phê duyệt nhiều điểm tận thu đất nên hoạt động vận chuyển, đá trên địa bàn khá rầm rộ.
“Điều này không thể tránh khỏi tình trạng gây bụi bặm, ô nhiễm. Chính quyền địa phương đã nhiều lần họp, có chủ tịch huyện chủ trì với các đơn vị thi công, yêu cầu họ phải đảm bảo vệ sinh môi trường như tưới nước, bịt bạt. Thực tế là cũng đã có xe tưới nước hàng ngày nhưng không triệt để ngăn được bụi”, ông Sang nói.
Theo ông Sang, trách nhiệm và thẩm quyền xử lý những chuyến xe cơi nới thành thùng, không bịt bạt và chở quá khổ … thuộc về lực lượng Cảnh sát giao thông.
Chủ tịch xã Xuân Phúc cho hay, không có quy định khung giờ hoạt động đối với mỏ đá nên việc họ hoạt động vào giờ nào địa phương không nắm được. Ông Sang cho biết: “Chúng tôi sẽ làm việc lại với đơn vị này để nhắc nhở họ”.
Tiếp nhận phản ánh của PV, Đại úy Trần Đức Thành, Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông và Trật tự Công an huyện Như Thanh cho biết, trước khi triển khai dự án trên địa bàn, các đơn vị thi công đã ký cam kết với huyện về việc chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, môi trường …
Lực lượng cảnh sát giao thông huyện thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, yêu cầu nhà thầu và đơn vị vận tải chấp hành quy định, đảm bảo công tác môi trường. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, mỗi khi có CSGT xuất hiện, kiểm tra thì các phương tiện chấp hành nghiêm, không xảy ra vi phạm.
Từ thông tin PV cung cấp, Đại úy Thành cho hay, đơn vị sẽ làm việc với nhà thầu, đơn vị kinh doanh vận tải để kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các phương tiện vận chuyển đất đá cơi nới thành thùng, không bịt bạt … nghiêm theo quy định.
Xuân Chinh – Lương Diễn
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/howo-coi-noi-thanh-thung-khong-bit-bat-khien-dan-ngop-tho-vi-bui-a625515.html