Sau 3 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành Lâm nghiệp đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Loạt nhiệm vụ ngành lâm nghiệp
Trả lời phỏng vấn, ông Trần Quang Bảo – Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, sau 3 năm thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam, ngành lâm nghiệp với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã đạt được những thành quả nhất định, đặc biệt trong việc trồng rừng, phủ xanh, đất trống đồi trọc, nâng cao chất lượng rừng để góp phần ứng phó biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai.
Đồng thời, góp phần nguồn cung nguyên liệu đóng góp cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản, đạt những kết quả tích cực về tạo công ăn việc làm, góp phần nâng cao thu nhập, đặc biệt là đối với vùng sâu, vùng xa.
Tuy nhiên, Cục trưởng Cục lâm Nghiệp nhìn nhận, ngành gỗ đối mặt với nhiều biến động, như thị trường thay đổi do tác động của tình hình thế giới; sự ra đời của những quy định mới nhằm truy xuất nguồn gốc gỗ; ứng phó với biến đổi khí hậu. Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã có chỉ đạo để tiếp tục tháo gỡ những rào cản khó khăn và phân cấp, phân quyền để thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp, đảm bảo tiếp tục phát triển kinh tế nhưng đồng thời là góp phần bảo đảm môi trường và an ninh quốc phòng địa phương.
Từ đó, ông Bảo chia sẻ rằng, định hướng trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp tiếp tục thực hiện loạt nhiệm vụ. Thứ nhất, toàn ngành tiếp tục sửa đổi những quy định về pháp luật để đồng bộ hóa với những quy định mới của Luật Đất đai 2024. Trong đó sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp nhằm phân cấp, phân quyền về thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Thời gian tới, ngành NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ để ban hành những nghị định về hướng dẫn và để thực hiện quy định này đi vào thực tiễn sớm nhất là có thể.
Đồng thời, ban hành những chính sách về thúc đẩy phát triển kinh tế cho người dân trong công tác về giao rừng nhằm phát triển sinh kế và đảm bảo cho việc người dân sẽ tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng phát triển. Ví dụ như là phát triển du lịch sinh thái hay phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng để đảm bảo việc là người dân có thêm thu nhập ổn định, góp phần vào phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường.
Thứ ba, hiện nay việc theo dõi, thống kê số liệu đất đai cũng có sự chênh lệch nhất định giữa ngành tài nguyên môi trường và ngành nông nghiệp, để thực hiện việc này ngành lâm nghiệp đang tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch lâm nghiệp quốc gia.
Trong đó cũng xác định những chỉ tiêu rõ ràng về các loại rừng phòng hộ, rừng tận dụng và rừng sản xuất, làm cơ sở các địa phương rà soát cụ thể, đóng mốc ranh giới và thống kê, kiểm kê và đồng bộ hóa với cơ sở dữ liệu của đất đai. Tiến tới là quản lý lâm phần ổn định và góp phần huy động các nguồn lực xã hội và đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ổn định.
Đồng thời, hiện nay ngành lâm nghiệp đang xây dựng hệ thống thông tin ứng dụng chuyển đổi số, để toàn bộ hệ thống cơ sở dữ liệu với hơn một triệu chủ rừng được quản lý đến từng lô từng khoảnh và được cập nhật, theo dõi diễn biến hàng năm. Trên cơ sở đó, quản lý ổn định, phục vụ cho các mục tiêu phát triển khác.
Đồng bộ hóa quy định giao đất, giao rừng
Liên quan đến những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024, theo ông Trần Quang Bảo, Luật Lâm nghiệp đã được sửa đổi, đồng bộ hóa với Luật Đất đai 2024 đối với việc giao đất, giao rừng. Hiện nay, ngành lâm nghiệp tiếp tục ban hành, tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định để sửa đổi, để đồng bộ hóa đối tượng giao đất, giao rừng này và đơn giản hóa thủ tục hành chính để người dân có thể yên tâm về sản xuất trên các mảnh đất được giao.
“Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng vấn đề này cũng không còn nhiều. Về nhận diện đã rõ, tuy nhiên để thực thi và đảm bảo thực hiện trên thực tiễn cần phải có quá trình”, ông Bảo khẳng định.
Cụ thể là đối với ngành lâm nghiệp, Chính phủ giao trong năm 2024 và trong giai đoạn tới sẽ thực hiện tổng điều tra thiết kế rừng, trong đó xác định các hiện trạng về chất lượng rừng và các lô rừng cụ thể và gắn với các chủ rừng và trên cơ sở đó rà soát ranh giới rừng còn chồng lấn, tranh chấp chưa có chủ để tiến hành phối hợp với ngành tài nguyên môi trường để tiến hành giao đất, giao rừng để người dân có thể có mảnh đất hợp pháp và tiến hành kinh doanh hợp pháp trên mảnh đất được giao.
Về hơn 3,3 triệu ha rừng là đang chưa có chủ, ông Trần Quang Bảo thông tin, hiện nay số đất trên được tạm giao cho Ủy ban nhân dân xã, cấp xã quản lý. Trên cơ sở Luật Đất đai 2024 được ban hành, những nghị định hướng dẫn đồng bộ cũng như kết quả tổng điều tra, kiểm kê rừng toàn quốc và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sẽ tiếp tục rà soát cụ thể để diện tích này sẽ được giao cho các đối tượng, đặc biệt để người dân được nhận đất, nhận rừng và ổn định sinh kế.
“Đây là những chủ trương này đã được nhận diện rõ ràng và hiện nay là các cơ quan các cấp từ Trung ương, địa phương sẽ ban hành các chính sách và ban hành các hướng dẫn và xây dựng các chương trình để triển khai việc giao đất, giao rừng và cắm mốc ranh giới”, ông Bảo nói.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/hon-3-3-trieu-ha-rung-chua-co-chu-se-duoc-xu-ly-nhu-the-nao-a651534.html