Theo VTC News, chiều 23/6, bà Nguyễn Thúy Hằng, người sáng lập hệ thống Trường Archimedes xác nhận thông tin, một học sinh lớp 1 của trường Tiểu học Archimedes (cơ sở Cầu Giấy) bị bỏ quên trên xe đưa đón gần một tiếng đồng hồ giữa trưa nắng.
Bà cho biết, sự việc diễn ra ngày hôm qua (22/6). Trường tổ chức cho học sinh tham gia khóa sinh hoạt hè tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm (Hà Nội).
Buổi sáng, xe xuất phát chở 20 học sinh lớp 1 cùng với 5 giáo viên, nhân viên hỗ trợ đi dã ngoại. Trưa cùng ngày, sau chuyến dã ngoại, xe chở học sinh và giáo viên về trường để ăn trưa thì xảy ra sự cố trên.
Nguyên nhân do một học sinh trên xe bị nôn nên ngay khi tới điểm dừng, giáo viên chủ nhiệm nhanh chóng đưa em này xuống xe, dẫn tới bỏ quên một em khác đang ngủ trên xe.
Khi học sinh ổn định ở nhà ăn, giáo viên kiểm đếm mới phát hiện chỉ có 19/20 em có mặt. Ngay lập tức, giáo viên, nhân viên nhà trường đã chia nhau ra đi tìm và phát hiện em học sinh này đang ở trên xe.
Sau sự cố, nhà trường đã xin lỗi gia đình và thuyết phục vẫn tiếp tục cho con theo học tại trường. Nhà trường cũng hứa rà soát lại quy trình để không có bất kỳ sự cố nào xảy ra đối với bất kỳ học sinh nào khác.
Ngay sau sự cố xảy ra, người sáng lập hệ thống trường Archimedes chia sẻ: “Đây là sự việc rất đáng tiếc và cũng may mắn học sinh không bị ảnh hưởng sức khỏe. Chúng tôi nhận lỗi thuộc về phía nhà trường. Chúng tôi sẽ họp và xử lý nhân viên để xảy ra sự cố theo quy định đồng thời rà soát lại quy trình đưa đón học sinh”.
Trao đổi với VietNamNet, đại diện Trường Tiểu học Archimedes Academy cho biết sau sự việc, trường đã tổ chức họp khẩn, xử lý sai phạm cũng như cập nhật quy trình giám sát học sinh đối với xe đưa đón.
Ban Giám hiệu trường sau đó đã báo cáo sự việc với lãnh đạo Phòng GD&ĐT; lập hội đồng kỷ luật giáo viên vi phạm quy chế; họp toàn thể cán bộ quản lý học sinh, giáo viên để tăng cường kiểm soát đối với hoạt động đưa đón học sinh”, đại diện nhà trường nói.
Dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản khi chẳng may bị kẹt trên xe là điều vô cùng quan trọng
Thông tin trên Tuổi Trẻ, theo một nghiên cứu của Trường Đại học Arizona (Mỹ), nhiệt độ bên trong xe khi không hoạt động có thể lên đến 47 độ C, thậm chí lên đến hơn 75 độ C nếu trong những ngày trời nắng nóng gay gắt. Đáng chú ý, nhiệt độ này đạt được chỉ 1 giờ kể từ khi xe ngừng hoạt động. Lúc này không chỉ trẻ em mà người lớn cũng có thể gặp nguy hiểm nếu bị nhốt kín trên xe.
Theo trang USA Today, điều quan trọng nhất phụ huynh cần cho trẻ biết là việc ở lại trên xe khi đã dừng hoạt động và đóng kín là rất nguy hiểm và có thể gây chết người nhanh chóng vì ngạt khí và nhiệt độ tăng.
Trên thực tế, nhiều cha mẹ quên dạy trẻ điều căn bản này, khiến không ít bé cứ nghĩ mình có thể ở lại cả ngày trên xe mà không bị sao cả.
Chỉ khi các bé nhận thức trên xe kín và không hoạt động là nguy hiểm, các em mới tự giác bảo vệ chính mình.
Tiếp đó, cần dạy con bình tĩnh bởi trong không gian kín và oxy có hạn, việc la hét hay khóc lóc chỉ làm trẻ mất sức nhanh hơn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn.
Bước kế tiếp, dạy trẻ mở cửa xe. Trong trường hợp bị bỏ quên trên xe, trẻ cần mở thử tất cả các cửa bởi nhiều trường hợp có cửa chưa đóng hẳn.
Cửa xe tài xế cũng là nơi đáng lưu tâm. Ở nhiều loại xe, cửa xe tài xế vẫn có thể mở được từ bên trong. Ở một số loại xe khác, khi cố ý mở cửa mà không có chìa, xe tự động mở còi chống trộm, điều này cũng gây chú ý cho mọi người xung quanh.
Với những xe đời cũ có cửa sổ mở bằng tay, việc thử dùng sức mở các cửa này cũng là một cách có thể giúp trẻ thoát thân.
Trường hợp không thể mở cửa, hãy dạy trẻ tìm xem trong xe có những vật dụng có thể liên lạc với bên ngoài không, như điện thoại. Trẻ em trong thời đại công nghệ hiện nay thường biết sử dụng điện thoại từ rất sớm, do đó nếu có điện thoại trong tay, khả năng các em liên hệ được với ba mẹ, hay những số điện thoại khẩn cấp để thoát ra ngoài là rất cao.
Nếu không, hãy dạy con sử dụng bất kỳ vật dụng nào trong xe để gây chú ý. Hướng dẫn con lên ngồi trước chỗ ghế tài xế bởi nơi đó có tầm nhìn thoáng nhất, có thể dễ dàng thu hút sự chú ý. Trẻ cũng có thể thử bấm còi xe, bởi một số loại xe, còi xe vẫn hoạt động dù xe đã bị khóa.
Cuối cùng, hướng dẫn bé búa thoát hiểm và những dụng cụ có thể sử dụng để phá cửa sổ. Đây là “hạ sách” bởi sức của các bé có thể không đủ để làm việc này, tuy nhiên vẫn có thể thử khi tất cả mọi cách vẫn không thể thoát ra. Dù sao, việc đập cửa bằng búa thoát hiểm cũng gây tiếng động chú ý cho mọi người xung quanh.
Ngoài ra, cần hướng dẫn bé tìm nước và thức ăn có sẵn trên xe, để giữ cho bản thân không bị mất sức khi tìm cách thoát ra ngoài.
Trúc Chi (theo Vietnamnet, VTC News)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/hoc-sinh-lop-1-ha-noi-bi-bo-quen-tren-oto-sau-khi-di-da-ngoai-cung-lop-a613880.html