Vừa qua, Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên, Nam Định đã tổ chức hội thảo “Chương trình GDPT 2018 và Sách giáo khoa Cánh Diều” cho giáo viên đang giảng dạy khối lớp 7. Tại chương trình, các thầy cô đã được lắng nghe những chia sẻ và giải đáp của các Chủ biên bộ sách mới.
Học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức
Buổi hội thảo đã có sự phối hợp cùng với các tác giả chủ biên bộ sách Ngữ văn tổ chức tiết học mẫu để các thầy cô quan sát và nhận xét. Với chủ đề là bài thơ “Mẹ” của nhà thơ Đỗ Trung Lai, học sinh được yêu cầu đọc truyền cảm bài thơ; hoạt động nhóm tìm hiểu về thông tin tác giả, cách gieo vần, nhận diện thể thơ và phân tích bài thơ bằng những hình ảnh trực quan; liên hệ với những bài hát, bài thơ khác có chủ đề người mẹ.
Trong suốt quá trình học, giáo viên chỉ là người hướng dẫn, đánh giá cuối cùng. Học sinh phải chủ động tư duy, làm bài tập nhóm, trình bày dựa trên những kiến thức đã học. Bên cạnh là những phương pháp giảng dạy khác nhau để làm bài học trở nên sinh động như: trình chiếu hình ảnh trực quan trên màn hình TV, thảo luận nhóm theo “kỹ thuật phòng tranh”, học sinh trình bày bài làm trước lớp…
“Trong buổi dạy hôm nay, tôi muốn chia sẻ những phương pháp và kỹ thuật dạy học mới trong môn học Ngữ văn theo Chương trình GDPT năm 2018. Điều mà tôi thấy hài lòng nhất là đã hướng dẫn học sinh thảo luận để các em được chủ động trong tiết học. Qua đó, các em phát huy được những điểm mạnh, tự tin, bản lĩnh và có trách nhiệm với việc học. Qua tiết học mẫu, phần nào cũng giải đáp được những thắc mắc của thầy về vấn đề triển khai giảng dạy SGK mới”, cô Phạm Thị Lý – Trường THCS Yên Tiến, giáo viên dạy mẫu cho biết.
Em Trương Hoàng Ngọc Anh, lớp 7A, trường THCS Yên Tiến chia sẻ trong nhóm lớp học: “Tớ thấy tiết học hôm nay khá thú vị và bổ ích vì cho chúng tớ bài học về cuộc sống và phải biết trân trọng mẹ của mình. Tớ rất thích phần thảo luận nhóm, các bạn trong lớp đều rất sôi nổi, có những bức tranh đẹp và câu trả lời thú vị”.
Chủ biên sách giải đáp thắc mắc cho thầy cô
Trong buổi Hội thảo, sau phần dạy mẫu, các thầy cô dạy môn Ngữ văn lớp 7 tại huyện Ý Yên đã có những đóng góp, nhận xét để nâng cao phương pháp dạy học. Ngoài ra, chương trình được đón tiếp PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên SGK Cánh Diều môn Ngữ văn.
Nhà giáo Đỗ Ngọc Thống đã nhận xét những điểm tích cực trong bài học, những điều cần cải thiện để dạy và học được tốt hơn. Trong buổi chiều cùng ngày, thầy Chủ biên đã dành thời gian để giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn của giáo viên về giảng dạy sau kỳ học đầu tiên triển khai SGK mới trong năm học 2022-2023.
“Trước khi đến buổi Hội thảo, tôi đã nhận được khá nhiều câu hỏi của các thầy cô giáo. Các thắc mắc đều tập trung vào những vấn đề mới của chương trình như thể loại, văn bản, cách thức tổ chức dạy học và những điểm khác biệt so với chương trình cũ.
Đây là điều rất đáng mừng vì qua dạy học thực tế, các thầy cô đã nhận ra được những cái khác đấy. Mong rằng qua những buổi giải đáp trực tiếp như này, giáo viên sẽ thực hiện tốt hơn nữa việc trao truyền kiến thức cho học trò”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết.
Thầy Bùi Anh Đào – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ý Yên thông tin thêm: “Ngay từ khi triển khai dạy học SGK theo chương trình GDPT mới, chúng tôi với tư cách là những nhà quản lý đã có sự nghiên cứu, xây dựng kế hoạch để triển khai nhưng gặp một số khó khăn về cơ sở vật chất, nội dung chương trình, giáo viên chưa hiểu thấu đáo về nội dung SGK.
Để khắc phục, Phòng GD&ĐT yêu cầu thầy cô đọc kỹ SGK, cùng với đó, chúng tôi mời những tác giả là chủ biên bộ sách Cánh Diều về hỗ trợ triển khai ngay từ đầu năm học. Ngoài ra, khuyến khích các thầy cô trao đổi chuyên môn ngay trong thời gian giảng dạy. Sau một học kỳ, Phòng sẽ tiếp tục nhờ các thầy chủ biên về đánh giá, điều chỉnh và giải đáp cho giáo viên”.
Bộ sách Cánh Diều được xây dựng trên nền tảng những bộ SGK cũ, có tính kế thừa. Đây cũng là bộ sách có tính ưu việt, có nhiểu điểm tích cực, bám sát thực tiễn, với phương pháp biên soạn khoa học, gần gũi với đời sống thực tế. Bộ sách cũng bám sát khung chương trình, bởi đội ngũ Tổng chủ biên và chủ biên là các nhà giáo, các nhà khoa học giáo dục là những người xây dựng chương trình đổi mới.
Tuy nhiên, trong quá trình tiêp cận chương trình mới, với phương pháp giảng dạy có không ít những thay đổi nên việc các tác giả Chủ biên sách trực tiếp hướng dẫn, nhận xét và đồng hành cùng giáo viên là rất cần thiết. Năm học 2022-2023 đã đi được nửa chặng đường, cuộc Hội thảo được tổ chức bởi Phòng GD&ĐT huyện Ý Yên đã mang đến những hiệu quả tích cực, giúp thầy cô giáo tự tin hơn khi thực triển khai dạy học trong học kỳ II.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/hoc-sgk-moi-khi-hoc-sinh-duoc-chu-dong-trong-tiet-hoc-a589647.html