Thông tin trên Gia Đình Việt Nam, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 Tp.HCM cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam (60 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) trong tình trạng năm đầu ngón tay bên bị liệt, máu chảy đầm đìa do bị người thân dùng lưỡi lam cắt sâu.
Khai thác bệnh sử ghi nhận, bệnh nhân đột ngột liệt nửa người bên phải và khó nói. Sau khi tham khảo “thầy thuốc online”, vợ và người em của bệnh nhân nhanh chóng “cấp cứu” cho ông bằng cách lấy lưỡi lam cắt sâu vào các đầu ngón tay bên bị liệt.
Thấy máu ở các đầu ngón tay chảy nhiều nhưng bệnh nhân vẫn còn liệt nên gia đình đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức. Sau đó bệnh nhân nhanh chóng được chuyển ngay đến Bệnh viện Nhân dân 115 để kịp giờ vàng.
Tại đây, bệnh nhân đã trải qua hơn 6 tiếng đồng hồ kể từ lúc khởi phát triệu chứng. Qua thăm khám và thực hiện các chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tắc động mạch não giữa và được can thiệp ngay sau đó.
Sau đó, sức khỏe người đàn ông đã hoàn toàn ổn định và được xuất viện.
Tầm quan trọng của “giờ vàng” trong cấp cứu đột quỵ
Theo VTV, đột quỵ là một sự cố y khoa bất ngờ và để lại nhiều biến chứng, di chứng nghiêm trọng bậc nhất cho người bệnh. TTƯT.TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức – Trưởng Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi đột quỵ không may xảy ra, chỉ sau một giây, có đến 32.000 tế bào não chết đi và trong 59 giây, một cơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ sẽ giết chết khoảng 1,9 triệu tế bào não.
Tại Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới, đột quỵ là một trong 5 nguyên nhân gây tử vong cao nhất và cũng là nguyên nhân dẫn đến khuyết tật thần kinh phổ biến nhất ở người trưởng thành.
Khi đột quỵ xảy ra, việc can thiệp cấp cứu cần phải tận dụng sớm từng phút giây. Bởi việc cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng” càng sớm càng tốt để giúp người bệnh phục hồi tốt. Tuy nhiên, hiện nay có đến khoảng 70% trường hợp bị đột quỵ không được cấp cứu kịp thời trong khung “giờ vàng”. Trong đó, gần một nửa tử vong và số còn lại phải chịu nhiều di chứng nghiêm trọng.
“Cấp cứu đột quỵ càng sớm càng tốt, giúp người bệnh nâng cao khả năng năng sống sót và phục hồi hiệu quả, sớm trở lại cuộc sống bình thường”, bác sĩ Minh Đức cho biết. Theo đó, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ là nằm trong khoảng từ 3 – 4,5 giờ kể từ khi các triệu chứng đầu tiên xuất hiện. Người nhà cần ghi nhớ thời điểm này để thông tin lại cho bác sĩ. Các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ bao gồm yếu liệt chi, nói đớ, nói ngọng, khó nói, méo miệng, lệch một bên mặt, đau đầu, choáng váng…
Khi người bệnh được đưa đến cấp cứu đột quỵ trong “giờ vàng”, tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng các kỹ thuật hiệu quả, hiện đại bao gồm: dùng thuốc tiêu sợi huyết bằng đường tĩnh mạch (rTPA), can thiệp mạch lấy huyết khối, nút tắc mạch máu não bị vỡ, phẫu thuật…
Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi hay đối tượng nào. Tuy nhiên, bác sĩ Minh Đức cho biết, 80% các ca đột quỵ có thể phòng ngừa được thông qua việc chủ động tầm soát đột quỵ từ sớm và xây dựng lối sống khoa học.
Việc tầm soát đột quỵ bằng những phương pháp, kỹ thuật hiện đại như chụp MRI sọ não giúp khảo sát toàn diện các mạch máu và mô não, xét nghiệm chức năng đông máu, siêu âm mạch cảnh – đốt sống, chụp X-quang ngực thẳng, đo điện não… sẽ giúp phát hiện từ sớm các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Từ đó, người bệnh sẽ được tư vấn cách điều trị phù hợp để ngăn chặn cơn đột quỵ xảy ra.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/hoc-lom-theo-thay-thuoc-online-chua-dot-quy-nguoi-dan-ong-suyt-chet-a596181.html