noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngHiệu quả của liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần...

    Hiệu quả của liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ở Sơn La

    Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp giúp gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.

    Thông tin trên Dân Trí, kinh tế tuần hoàn với mục tiêu cốt lõi là hướng đến phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường đã và đang được nhiều cường quốc áp dụng một cách hiệu quả. Trung Quốc đã bắt đầu ban hành Luật Xúc tiến Kinh tế tuần hoàn từ năm 2008, góp phần đưa đất nước tỷ dân này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Thụy Điển là quốc gia hàng đầu về quản lý và tái chế rác thải trong nông nghiệp, thực phẩm. Trong đó, 53% nhựa tiêu dùng được tái chế, 99% rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp được tái chế thành điện năng, phấn đấu hướng tới một xã hội không rác thải.

    Tại Việt Nam, “hình bóng” của kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã xuất hiện từ đầu những năm 80. Vài năm gần đây, áp lực từ dịch bệnh, suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày một cấp bách, mô hình này được nhắc đến và áp dụng nhiều hơn.

    Thực tế, tại nước ta hiện nay đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, đó là các mô hình: Tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông – lâm kết hợp; mô hình vườn – rừng; mô hình tuần hoàn lấy phế phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác; mô hình tiết chế hóa, gắn liền với việc hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc tăng trưởng trong trồng trọt và chăn nuôi.

    Trong đó, một số mô hình cụ thể đang triển khai và mang lại hiệu quả như: mô hình vườn – ao – chuồng; mô hình lúa – tôm, lúa – cá. Mô hình trồng lúa – trồng nấm – sản xuất phân hữu cơ – trồng cây ăn quả; mô hình sản xuất phân hữu cơ từ chất thải nông nghiệp; mô hình sản xuất tổng hợp bò – trùn quế – cỏ, ngô – gia súc, gia cầm – cá; mô hình thủy sản với công nghệ tuần hoàn nước,…

    Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang mang lại nhiều giá trị cho sản xuất nông nghiệp. Phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần giúp giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là hướng đến phát triển kinh tế xanh và bền vững.

    Ghi nhận của Vietnam+ tại Sơn La, mô hình kinh tế tuần hoàn đang là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và bước đầu đã mang lại hiệu quả.

    Điển hình là hợp tác xã nông nghiệp Sơn La (huyện Mai Sơn) đã liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân trên địa bàn tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất để triển khai mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn không chất thải, chăn nuôi đại gia súc – nuôi trùn quế – sản xuất phân bón hữu cơ.

    Từ đó, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường và tạo ra các nông sản an toàn.

    Thành lập năm 2021, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La có gần 30 thành viên, chủ yếu là đội ngũ kỹ sư nông nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

    Với mục sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sạch, an toàn và phát triển theo chuỗi liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp, hợp tác xã đã đầu tư nuôi gần 900 con bò 3B thương phẩm, 300 con bò sinh sản.

    Kinh tế - Hiệu quả của liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn ở Sơn La

    Sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế của hợp tác xã nông nghiệp Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La.

    Toàn bộ chất thải từ chăn nuôi đại gia súc được khai thác, xử lý vi sinh và liên kết với các doanh nghiệp trên địa bàn thu mua vỏ cà phê, vỏ sắn để phối trộn nuôi giun trùn quế, sản xuất ra phân bón hữu cơ.

    Ông Trần Quang Trực, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Sơn La cho biết, việc liên kết tuần hoàn có lợi cho doanh nghiệp. Bởi doanh nghiệp xử lý được phụ phẩm không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng nguồn phế phẩm đó quay ngược lại để nuôi giun trùn quế.

    Tham gia liên kết sản xuất khép kín, hợp tác xã và các doanh nghiệp đều được hưởng lợi, chất thải và phế phẩm cà phê, vỏ sắn sau chế biến được xử lý, đảm bảo môi trường.

    Sản phẩm phân bón hữu cơ trùn quế dùng trong sản xuất giúp cải tạo đất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm của hợp tác xã, đáp ứng các tiêu chuẩn của đối tác.

    Chị Đặng Thị Hà, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La thông tin, trong quá trình chế biến cà phê, công ty còn thu được vỏ. Phần này, công ty ký hợp đồng liên kết với công ty phân bón Sông Lam, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La để họ thu phần vỏ và làm phân bón. Sau đó, công ty sẽ lấy lại và bón cho vườn thực nghiệm trồng cà phê.

    Hiện nay, phân bón hữu cơ của hợp tác xã nông nghiệp Sơn La đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số lưu hành, đảm bảo về các yếu tố dinh dưỡng cho cây trồng.

    Hợp tác xã nông nghiệp Sơn La hiện đang cung cấp phân bón hữu cơ cho các chuỗi trồng rau sạch tại địa bàn huyện Mộc Châu, thành phố Sơn La… và các hộ trồng, chăm sóc cây ăn quả, cây cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La. Năm 2022, doanh thu của hợp tác xã đạt 32 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho gần 30 lao động địa phương.

    Trao đổi với báo Sơn La, Phó giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Sơn La Trần Đức Miền thông tin, trong những năm tiếp theo, hợp tác xã sẽ triển khai nhân rộng mô hình.

    Mở rộng quy mô liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, bền vững, hợp tác xã nông nghiệp Sơn La đang xin cấp phép, đưa vào sử dụng lò mổ gia súc, theo công nghệ giết mổ treo bán công nghiệp hiện đại, quy mô 50 con/ngày, cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm an toàn tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Tiếp tục nhân rộng mô hình xử lý chất thải, nước thải cà phê sau sơ chế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu và ứng dụng các phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp khác, như: Bã dong riềng, bã sắn… đưa vào chuỗi sản xuất nuôi trùn quế khép kín; phát triển các sản phẩm bột trùn quế, dịch trùn quế và trùn quế tinh ứng dụng trong sản xuất, chăn nuôi nông nghiệp. Đồng thời, tiếp tục liên kết 15 hợp tác xã ở các xã vùng sâu, vùng xa khó khăn triển khai mô hình chăn nuôi đại gia súc tập trung, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng xưởng sơ chế chất thải chăn nuôi tại chỗ. Hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm gia súc thương phẩm, phân bón hữu cơ, nâng cao tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

    Theo báo Đảng Cộng sản Việt Nam, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn nhằm tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường hiệu quả, tính gắn kết tuần hoàn giữa các doanh nghiệp và ngành kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu của doanh nghiệp và chuỗi cung ứng trước các cú sốc từ bên ngoài, nhằm góp phần đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Đồng thời, góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
    Để hiện thực hóa mục tiêu trên, việc thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là điều cần thiết. Chính vì vậy, chúng ta cần triển khai các giải pháp đồng bộ và thiết thực để đẩy mạnh hơn nữa mô hình kinh tế này. Trong đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người sản xuất, doanh nghiệp,…trong phát triển kinh tế tuần hoàn, để từ đó, nhận thấy rõ được những lợi ích mà kinh tế tuần hoàn mang lại về kinh tế, về môi trường. Việc tuyên truyền cần được triển khai thường xuyên và sâu rộng nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các bên liên quan trong vấn đề này.
    Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Từ đó, nhân rộng, lan tỏa các mô hình này trong sản xuất. Đồng thời, tạo cơ hội cho việc phát triển thêm các mô hình mới trong phát triển kinh tế tuần hoàn nông nghiệp.
    Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới áp dụng trong kinh tế tuần hoàn. Vấn đề này cần tiếp tục được Nhà nước và các doanh nghiệp cùng tiếp tục quan tâm, triển khai để giúp biến các phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở nên có giá trị hơn. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp….
    Việc triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không phải là điều mới mẻ, tuy nhiên, với những giá trị mang lại cho sản xuất nông nghiệp, môi trường cho thấy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa, để từ đây, tiếp tục gia tăng chuỗi giá trị cho ngành nông nghiệp, đưa nguồn phụ phẩm nông nghiệp ngày càng trở thành nguồn nguyên liệu có giá trị và đặc biệt là hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững.

    Minh Hoa (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU