Chiều 20/5, Quốc hội tiếp tục làm việc phiên toàn thể nghe thành viên Chính phủ báo cáo về Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023 và báo cáo Thẩm tra.
Tại Báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thu ngân sách Nhà nước năm 2023 thực hiện đạt 1,754 triệu tỷ đồng, tăng 133.400 tỷ đồng (tăng 8,2% so dự toán).
Thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỷ đồng. Chi ngân sách Nhà nước năm 2023 ước đạt 2,109 triệu tỷ đồng, bằng 101,6% dự toán, tăng gần 74.000 tỷ đồng.
Công tác điều hành chi ngân sách Nhà nước được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn Nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.000 tỷ đồng.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2023 quy mô nợ công/GDP ước khoảng 37%, nợ Chính phủ/GDP ước khoảng 34% và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách Nhà nước khoảng 19%, trong phạm vi Quốc hội cho phép.
Ước vay, trả nợ Chính phủ bảo lãnh năm 2023 trong hạn mức được duyệt, tổng dư nợ bảo lãnh đến ngày 31/12/2023 ước khoảng 279.719 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,7% GDP, giảm 18.243 tỷ đồng so với năm 2022.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu ra một số hạn chế, tồn tại thực hiện trong Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2023.
Trong đó, công tác điều hành của Chính phủ, công tác triển khai và sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của cơ quan quản lý thuế, UBND các cấp với cơ quan chức năng trong việc xử lý nợ đọng tiền thuế đã tiếp tục được cải thiện.
“Tình hình nợ thuế có xu hướng tăng và ngày càng cao, tác động bất lợi đến việc xử lý thu hồi nợ thuế, đến ngày 31/12/2023, số nợ thuế là 163.591 tỷ đồng, tăng 10,7% so với 31/12/2022”, ông Mạnh nêu.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho biết, công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
Còn có tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỉ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn.
Đáng nói, công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp Nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm. Trong năm 2023, chỉ tiến hành thoái vốn Nhà nước tại 5 doanh nghiệp, thu về 24 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại 7 doanh nghiệp thu về 206,3 tỷ đồng.
“Một số doanh nghiệp, dự án có vốn đầu tư của Nhà nước thua lỗ, hoạt động không hiệu quả, chậm xử lý, khắc phục hoặc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý”, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh.
Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động, …; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.
Xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực.
Nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả, thực hành tiếp kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; điều hành hợp lý tỉ giá, lãi suất; giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong lưu thông, phân phối, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản, thị trường lao động.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/het-nam-2023-so-no-thue-dat-hon-163000-ty-dong-a664444.html