Tuyến phố Lý Thường Kiệt dự kiến sẽ được chỉnh trang trong tương lai, kết hợp hài hòa các yếu tố cũ – mới phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị riêng cho tuyến phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỉ lệ 1/500. Diện tích nghiên cứu lập đồ án thiết kế đô thị quy mô khoảng 41,16ha; diện tích khu đất lập đồ án Thiết kế đô thị khoảng 30,26ha; chiều dài tuyến khoảng 1,8km.
Theo thông tin công bố, khu đất nghiên cứu lập Thiết kế đô thị riêng tuyến phố Lý Thường Kiệt thuộc địa giới hành chính các phường: Cửa Nam, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài và Phan Chu Trinh, có điểm đầu là nút giao thông với phố Lê Duẩn (phía Tây), điểm cuối là nút giao thông với phố Lê Thánh Tông (phía Đông).
Tuyến phố này có nhiều tòa nhà công sở cũng như một số cơ quan Nhà nước.
Mục tiêu của Đồ án nhằm cụ thể hoá Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy hoạch phân khu đô thị H1-1C đã được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 1357/QĐ-UBND ngày 19/3/2021; phù hợp các quy hoạch đã được phê duyệt và bám sát, cập nhật các quy hoạch đang nghiên cứu trong khu vực.
Khách sạn Melia Hà Nội là một trong những khách sạn 5 sao đầu tiên ở Thủ đô.
Dọc tuyến phố Lý Thường Kiệt còn có rất nhiều căn biệt thự với diện tích hàng trăm mét vuông nằm ở những vị trí góc phố vô cùng đẹp mắt.
Ngôi trường THPT Việt Đức tại địa chỉ 47 phố Lý Thường Kiệt với lịch sử 68 năm cũng là một công trình có điểm nhấn trên con phố này.
Ngã tư đường phố Lý Thường Kiệt – Quán Sứ với ngôi chùa Quán Sứ nổi tiếng, đồng thời nơi đây cũng là Trụ sở của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bảo tàng Công an Hà Nội tại địa chỉ 67 Lý Thường Kiệt.
Trụ sở Tòa án nhân dân tối cao tại địa chỉ 48 Lý thường Kiệt, đây là công trình được gắn biển di tích quốc gia.
Không gian phố sách là địa chỉ quen thuộc của nhiều người, đặc biệt là dịp cuối tuần.
Dự án được đề xuất giải pháp tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hài hòa giữa khu vực xây mới và khu vực cải tạo chỉnh trang, tái thiết đô thị, không phá vỡ cấu trúc không gian kiến trúc tuyến phố Pháp cũ; kết nối hài hòa không gian kiến trúc cảnh quan xung quanh, đặc biệt tại các khu vực tiếp giáp với các nút giao thông, các khu vực có ý nghĩa quan trọng. Ngoài ra, kết hợp giữa bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử, kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường với cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị phù hợp với các đặc trưng về lịch sử, văn hóa, xã hội.