Nơi nào nhiều hộ nghèo nhất ở Hà Nội?
Theo số liệu trên Công Thương, đến cuối năm 2022 Hà Nội vẫn còn 2.134 hộ nghèo, 22.263 hộ cận nghèo. Một số địa phương số hộ cận nghèo còn cao, nhất là những nơi có nhiều xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Huyện Ba Vì và Phúc Thọ là những địa phương còn tỉ lệ hộ nghèo cao nhất của Tp.Hà Nội với cùng 0,57% so với tổng số hộ dân. Các huyện còn tỉ lệ hộ nghèo cao kế tiếp là: Sóc Sơn (0,33%), Mỹ Đức (0,33%), Chương Mỹ (0,27%), Phú Xuyên (0,24%)… 18 huyện, thị xã hiện nay vẫn còn hộ thuộc diện cận nghèo.
Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo
Để xóa đói giảm bền vững, năm 2023 Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo, tương đương giảm 642 hộ nghèo. Để làm được điều đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, phải thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách “cho không”; chú trọng phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Tp.Hà Nội, thông qua các chương trình tín dụng chính sách giải ngân trong năm 2022 đã giúp cho trên 800 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; góp phần thu hút, tạo việc làm cho trên 99.000 lao động.
Phát huy kết quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, thời gian tới, Tp.Hà Nội tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm tới các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu…
Trong năm 2023, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Tp.Hà Nội tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay; tăng trưởng dư nợ gắn với quan tâm nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ quá hạn; 100% nợ đến hạn được xử lý kịp thời theo quy trình quy định.
Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo, tạo tiệc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của thành phố năm 2023.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo, Hà Nội tiếp tục hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong đó, cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là ở các xã khó khăn.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng tại các địa phương; triển khai mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong doanh nghiệp.
Trên cơ sở kết quả rà soát, UBND Tp.Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo. Năm 2023 phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo so với kết quả rà soát cuối năm 2022.
Theo Cổng thông tin Chính Phủ, riêng trong tháng 1/2023, với gần 13.800 người được giải quyết việc làm, trong đó Thành phố cũng ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay với tổng số tiền là 219,7 tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho gần 4.200 người.
Kế hoạch giảm nghèo của Tp.Hà Nội giai đoạn 2022-2025
Trong kế hoạch giảm nghèo của Tp.Hà Nội giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu giảm từ 25 – 30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, trên địa bàn không còn hộ nghèo, hỗ trợ xây nhà ở cho hơn 1.000 hộ nghèo, đảm bảo chế độ chính sách cho hộ nghèo theo quy định và cao hơn mức chung của cả nước.
Để thực hiện mục tiêu, tạo động lực cho người nghèo vươn lên, Hà Nội đã nỗ lực triển khai linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, trong đó có thể kể đến như các chương trình tín dụng chính sách.
Đặc biệt vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách làm quen với tín dụng ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức trong sản xuất kinh doanh, sử dụng vốn có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được triển khai gắn với chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, phát triển chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm… Thông qua các hình thức này, vốn tín dụng đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Theo UBND Tp.Hà Nội, số hộ nghèo, hộ cận nghèo phê duyệt tại Quyết định này là cơ sở để thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo và an sinh xã hội của Tp.Hà Nội năm 2023 và các năm tiếp theo.
UBND Tp.Hà Nội giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo.
UBND thành phố chỉ đạo cần tập trung ưu tiên hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo không có khả năng lao động, hộ nghèo có đối tượng bảo trợ xã hội.
UBND Tp.Hà Nội cũng giao cho các sở, ban, ngành, trên cơ sở số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của Tp.Hà Nội giai đoạn 2022-2025; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế – xã hội, an sinh xã hội và giảm nghèo năm 2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tham mưu các chính sách, giải pháp nhằm giảm mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, UBND thành phố chỉ đạo cần triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, hạn chế tối đa hộ nghèo phát sinh, không để hộ tái nghèo. Chỉ đạo tổ chức rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thường xuyên, hàng năm và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định.
Chỉ đạo hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn chủ động phát hiện hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm, hướng dẫn hộ gia đình phối hợp thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định.
UBND các xã, phường cần thực hiện công khai, minh bạch trong công tác rà soát, công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình và thực hiện các chính sách giảm nghèo. Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn.
UBND Tp.Hà Nội đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam Tp.Hà Nội và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện chức năng giám sát việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo có mức sống trung bình và việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tại các địa phương đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, đúng quy định.
Thông tin trên VTV thời gian qua, Tp.Hà Nội đã nỗ lực dành hàng ngàn tỷ đồng đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng đường xá, các thiết chế văn hóa ở khu vực nông thôn để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và giúp người dân vùng này có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, thành phố dành nguồn lực cao độ để đầu tư phát triển nông thôn mới trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa tại các vùng nông thôn. Vì vậy, hiện nay Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu về xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn, hướng tới an toàn cho người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, giải quyết nhiều công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-tiep-tuc-danh-cac-nguon-luc-de-xoa-doi-giam-ngheo-ben-vung-a605007.html