10 tác phẩm tại triển lãm tranh Hàng Trống xưa và nay được tổ chức tại không gian Đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội) được làm bằng nghệ thuật họa kim sa.
Tối 26/1 tại Đình Nam Hương, UBND phường Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm, Tp.Hà Nội) tổ chức khai mạc triển lãm tranh dân gian Hàng Trống xưa và nay.
Tại triển lãm, ông Đặng Minh Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hàng Trống cho biết, từ nhiều năm nay dòng tranh dân gian Hàng Trống đã bị mai một, gần đây UBND phường cùng quận Hoàn Kiếm và Thành phố có nhiều chương trình đề án nhằm khôi phục phát huy lại loại tranh dân gian này.
“Triển lãm lần này gồm 10 tác phẩm làm bằng kỹ thuật kim sa gắn với dòng tranh dân gian Hàng Trống. Chính vì câu chuyện đấy đã đặt tên cho chuỗi sự kiện này là Hàng Trống xưa và nay”, Chủ tịch UBND phường Hàng Trống nói.
Cũng theo Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Đặng Minh Tuấn, sự kiện này cũng nằm trong đề án đang được thực hiện nhằm khôi phục phát huy lại dòng tranh dân gian Hàng Trống. Tiếp nữa là sự kiện được tổ chức trong không gian Đình Nam Hương nơi thực hành tín ngưỡng của cộng đồng gắn với tranh dân gian Hàng Trống vừa nhằm phát huy khôi phục tranh dân gian và hướng đến để đông đảo người dân biết được về tranh dân gian Hàng Trống.
Theo tìm hiểu, tranh dân gian Hàng Trống có 3 chủ đề chính là tranh thờ, miêu tả sinh hoạt và chúc tụng. Tranh dân gian Hàng Trống thường được người xưa treo chơi Tết.
Bức tranh Cô Chín có kích thước 53cm x 73cm.
Trong ảnh là 3 bức tranh Phổ Hiền bồ tát (53cm x 77 cm), Đại Thế Chí bồ tát (50cm x 143cm), Văn Thù bồ tát (53cm x 77 cm) theo thứ tự từ trái qua phải.
Bức tranh Ngũ Hổ thần tướng có kích thước 75cm x 86cm được hiện trong hơn 300 giờ thể hiện sự oai nghiêm, đường bệ, sinh động và cuốn hút với mầu sắc rực rỡ, nổi bật.
Nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên khi xem bức tranh Ngũ Hổ thần tướng. “Bức tranh Ngũ Hổ thần tướng rất đẹp, trung thành với tranh gốc cổ xưa các cụ làm. Tôi thấy vui vì nhiều năm trở lại đây, các bạn trẻ ngày càng quan tâm đến nghệ thuật truyền thống, biết khai thác các yếu tố, văn hóa và chất liệu dân gian trong sáng tạo nghệ thuật”, một người dân chia sẻ.
Trong ảnh là 3 bức tranh dân gian Hàng Trống xưa.
Bức tranh dân gian Hàng Trống Lý ngư vọng nguyệt được chuyển thể bằng nghệ thuật kim sa.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, chị Nguyễn Hoàng Anh (Hà Nội) cho biết, nghệ thuật kim sa đã thất truyền ở Việt Nam rất lâu và không có bất cứ tư liệu video hình ảnh nào. “Nghệ thuật này xuất phát từ châu Âu và các ước Ai Cập và nước Pháp, nên trong thời gian đầu tìm hiểu bộ môn nghệ thuật này gặp khá nhiều khó khăn bởi rào cản về ngôn ngữ”, chị Hoàng Anh nói.
“Tôi mất 1 năm để tìm hiểu về nghệ thuật này và khoảng 3 năm để thử nghiệm trên tất các loại nguyên liệu khác nhau. Sau 3 năm, có nhiều sản phẩm thất bại nhưng đã hoàn thiện được cơ bản quá trình làm nghệ thuật họa kim sa”, chị Hoàng Anh chia sẻ thêm.
Du khách ấn tượng với những bức tranh dân gian Hàng Trống được chuyển thể bằng chất liệu họa kim sa.
Chia sẻ thêm về cái tên họa kim sa, chị Hoàng Anh cho biết, họa là vẽ, kim là kim loại, sa là cát, tên gọi gốc là cảnh thái lan tuy nhiên đây là tên gọi chung nên rất khó phân biệt. Vậy nên họa kim sa là tên mà Họa Gấm cùng các cố vấn đặt cho bộ môn này ở việt Nam.
3 công đoạn để tạo nên bức tranh họa kim sa đầu tiên là họa, mình phải vẽ lại đã sau đó dùng dây tơ đòng để uốn lại đường nét và dùng cát để đổ màu cho bức tranh. Cát được sử dụng là cát thạch anh, do đó khi bức tranh cát khô đi sẽ để lại hiệu ứng lấp lánh.
Tại buổi triển lãm, chị Nguyễn Thị Minh Xuân tổ trưởng tổ dân phố số 1, phường Hàng Trống đánh giá cao các tác phẩm tranh dân gian Hàng Trống được chuyển thể bằng nghệ thuật họa kim sa. “Dòng tranh Hàng Trống này đã có từ xưa và đã có thời gian mai một đi, đến nay thế hệ thanh niên đã làm mới được bức tranh đẹp hơn rất nhiều với các kỹ thuật điêu luyện”, chị Xuân nói.