noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcHà Nội: Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh sẽ học...

    Hà Nội: Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh sẽ học ở đâu?

    Theo số liệu 4 năm trở lại đây, năm nay số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỉ lệ thấp nhất.

    Tỉ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục

    Thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 – 2023, dự kiến toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp THCS.

    Thực hiện công tác phân luồng sau tốt nghiệp THCS, số lượng học sinh tuyển vào trường THPT năm học 2023-2024 khoảng 102.000 em (tăng khoảng 1.000 học sinh so với năm học trước). Trong đó, số lượng tuyển vào các trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022 – 2023), chỉ chiếm tỉ lệ 55,7%. Đây là tỉ lệ thấp kỷ lục trong vài năm trở lại đây.

    Số còn lại sẽ vào học các trường THPT công lập tự chủ và tư thục, trung tâm GDNN – GDTX và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

    4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỉ lệ thấp nhất. Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn “chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa” trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.

    Cuộc cạnh tranh kiếm “một tấm vé” vào lớp 10 công lập ở Hà Nội nếu nói khốc liệt cũng không sai. Một phụ huynh ở Hà Nội phải thốt lên: “Như vậy, gần đến ngưỡng trung bình cứ 2 học sinh sẽ có 1 em phải học trường ngoài công lập”.

    Để tăng cơ hội vào trường công lập, nhiều phụ huynh ngay từ đầu lớp 9 đã tìm cho các con các lớp học thêm các môn phục vụ thi nhiều buổi tối trong tuần, thậm chí kín tuần, song chừng đó vẫn chưa thể khỏa lấp nỗi lo.

    Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào các ngày 10 và 11/6/2023. Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập không chuyên ở Hà Nội năm học 2023-2024 là thi tuyển. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT công lập với 3 bài thi độc lập, gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ.

    Đây là kỳ thi có quy mô lớn với tính cạnh tranh cao. Năm nay, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn thành phố dự kiến có hơn 129.000 học sinh tham gia xét tốt nghiệp THCS, tương đương với năm học trước.

    Giáo dục - Hà Nội: Không đỗ lớp 10 trường công, học sinh sẽ học ở đâu?

    So với năm học trước, số học sinh được tuyển vào lớp 10 trường công lập tăng 1.000 học sinh. Ảnh minh họa.

    Phu huynh như “ngồi trên đống lửa”

    Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chị Cung Kim Chi (quận Đống Đa) cho hay: “Tôi luôn động viên con cố gắng ôn tập để thi đạt kết quả tốt. Nhưng động viên con vậy thôi chứ tôi rất lo lắng. Số lượng học sinh dự thi năm nay tăng mạnh thì cơ hội vào trường công của các con sẽ không hề dễ dàng”.

    Bên cạnh đó, con gái chị Nguyễn Phương Anh (quận Ba Đình) dự kiến đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Phan Đình Phùng, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Trãi. Tuy sức học của con ở mức khá giỏi nhưng chị Phương Anh vẫn cảm thấy bất an về kỳ thi sắp tới.

    “Tôi đang phân vân không biết đặt nguyện vọng cho con thế nào để nắm chắc cơ hội đỗ vào trường công lập. Gia đình tôi đã tham khảo nhiều ý kiến của các phụ huynh có con đã thi vào lớp 10 năm trước và đang tính toán phương án dự phòng cho con vào các trường THPT ngoài công lập để trút bớt căng thẳng cho con”, chị Phương Anh nói.

    Chia sẻ với Vietnamnet, chị Nguyễn Trung Anh (quận Hà Đông) bất bình bởi tỉ lệ vào trường công lập ở Hà Nội ngày càng thấp đi như vậy.

    “Mỗi năm ở Hà Nội không biết bao nhiêu chung cư mọc lên. Trong khi mỗi toà nhà chung cư có số dân tương ứng với 1 xã, phường nhưng không có trường nào được xây dựng lên tương ứng nên cảnh mới xảy ra tình trạng này”.

    Trước áp lực trường công, nhiều phụ huynh cũng xác định cho con học trường tư. Nhưng không phải gia đình nào cũng có đủ điều kiện tài chính để đưa ra quyết định dễ dàng như vậy, dù nhận thức rằng không phải trường tư là chất lượng kém hơn công.

    “Con tôi sang năm mới thi, nhưng giờ đọc tỷ lệ vào công ngày càng giảm đã thấy “áp lực phả vào gáy” rồi”, phụ huynh Nguyễn Hồng chia sẻ.

    Trượt đầu vào lớp 10 trường công, học sinh sẽ học ở đâu?

    Sở GD&ĐT Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024 theo đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chính xác, công bằng, khách quan. 100% học sinh đã tốt nghiệp Trung học Cơ sở có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường Trung học Phổ thông, các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và cơ sở Giáo dục nghề nghiệp.

    Toàn thành phố Hà Nội được chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Riêng Trường Trung học Phổ thông Chu Văn An và Trường Trung học Phổ thông Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

    Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay, mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố phát triển rất đa dạng, có thể đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh theo nguyện vọng và năng lực.

    Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

    Theo số liệu trên báo Đại Đoàn Kết năm học 2023-2024, Hà Nội sẽ tuyển vào lớp 10 trường công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh; tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học sinh; tuyển vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hơn 17.000 học sinh…

    Sở GD&ĐT Hà Nội đặt mục tiêu tổ chức tuyển sinh chính xác, công bằng, khách quan; bảo đảm 100% học sinh đã tốt nghiệp THCS có nguyện vọng tiếp tục đi học đều được tuyển vào các trường.

    Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, các trường tư thục, trường công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển học sinh toàn thành phố, không phân biệt khu vực tuyển sinh như các trường công lập.

    Về phương thức xét tuyển, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp xét tuyển bằng học bạ cấp THCS.

    Với các trường công lập tự chủ tài chính và trường tư thục, Hội đồng tuyển sinh nhà trường xây dựng phương án tuyển sinh căn cứ vào điểm xét tuyển của học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên; kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp trung học cơ sở (ghi trong học bạ của học sinh).

    Theo kế hoạch, ngày 20/4, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố phương án tuyển sinh của các trường tư thục và trường công lập tự chủ tài chính. Đây là thông tin quan trọng mà học sinh, cha mẹ học sinh có thể tham khảo trong quá trình lựa chọn, đăng ký nguyện vọng dự tuyển lớp 10.

    Cũng theo ông Tuấn, trước băn khoăn về tình trạng quá tải trường lớp, Sở GD&ĐT Hà Nội đã và đang tham mưu với thành phố nhiều giải pháp để bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, đồng thời, thực hiện nghiêm túc kế hoạch phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS. Những năm gần đây, công tác xây dựng trường lớp trên địa bàn thành phố rất được quan tâm. Riêng ở cấp THPT, trong 5 năm gần đây đã xây mới thêm 10 trường công lập.

    Dự kiến thời gian tới, Hà Nội đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng để cải tạo và xây thêm nhiều trường học… Sở GD&ĐT Hà Nội cũng tham mưu với thành phố xây dựng quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bảo đảm từ 3 đến 5 vạn dân có 1 trường THPT.

    Lịch thi và thời gian tuyển sinh vào lớp 10

    Lịch thi vào lớp 10 năm nay: Sáng 10/6, thí sinh thi môn Ngữ văn (từ 8h – 10h); chiều 10/6, thí sinh thi môn Ngoại ngữ (từ 14h – 15h). Sáng 11/6, thí sinh thi môn Toán (từ 8h – 10h).

    Điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập được tính bằng tổng điểm bài thi môn Toán và điểm bài thi môn Ngữ văn (nhân hệ số 2) cộng điểm bài thi môn Ngoại ngữ, cộng điểm ưu tiên (nếu có).

    Bài thi môn Toán và bài thi môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, thời gian làm bài 120 phút/bài thi; bài thi môn Ngoại ngữ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút; có nhiều mã đề trong một phòng thi đảm bảo nguyên tắc 2 thí sinh liền kề không trùng mã đề.

    Đề thi gồm các câu hỏi theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng thuộc chương trình trung học cơ sở hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.

    Cách đăng ký nguyện vọng

    Theo Chính Phủ, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường Trung học Phổ thông công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3.

    Trong đó, nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định; nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.

    Nếu học sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm.

    Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.

    Khi hạ điểm chuẩn, các trường được phép nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.

    Trúc Chi (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU