Chiều 16/12, Chánh Văn phòng UBND Tp.Hà Nội Trương Việt Dũng chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế – xã hội quý IV/2022.
GRDP cả năm 2022 dự kiến tăng 8,89%
Theo đó, Hà Nội đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19; Đã thẩm định và phê duyệt hỗ trợ cho hơn 2,6 triệu lượt đối tượng với kinh phí gần 2.660 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động cho 420,28 nghìn lượt lao động trong 13,97 nghìn lượt doanh nghiệp với số tiền là 220,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết của HĐND Tp. cho 297,14 nghìn người thuộc 8 nhóm đối tượng với số tiền 315,65 tỷ đồng; Hỗ trợ kinh phí hỏa táng đối với 3.788 trường hợp tử vong dương tính với SARS-CoV-2 với kinh phí trên 17,67 tỷ đồng.
Hỗ trợ phục hồi phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Giảm thuế VAT cho 72.272 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số thuế VAT được giảm là 13.212 tỷ đồng; Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho 18.644 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh với tổng số tiền gần 11,94 nghìn tỷ đồng (Thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,97 nghìn tỷ đồng; Thuế thu nhập cá nhân là 10 tỷ đồng; Thuế VAT hơn 8,11 nghìn tỷ đồng; Tiền thuê đất là 847 tỷ đồng).
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 62.362 khách hàng với dư nợ 63.406 tỷ đồng. Miễn, giảm, hạ lãi suất cho 325.510 khách hàng với dư nợ 536.253 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay đạt 3,8 triệu tỷ đồng cho hơn 216,6 nghìn lượt khách hàng.
Cân đối thu – chi ngân sách được đảm bảo, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước 332.961 tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán, tăng 2,7% so với thực hiện năm 2021. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến 100.567,7 tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán giao đầu năm, trong đó, chi đầu tư phát triển 46.022,7 tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán; chi thường xuyên 50.883,9 tỷ đồng, đạt 95,5% dự toán giao đầu năm.
GRDP quý II, III tăng cao hơn quý trước đó, cụ thể: quý I tăng 5,91%; quý II tăng 8,22%; quý III tăng 15,3%; quý IV tăng 6,76%. Năm 2022, GRDP dự kiến tăng 8,89%, trong đó: Dịch vụ tăng 10,06%, Công nghiệp và xây dựng tăng 7,74%; Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 5,76%.
Xuất khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao: Kim ngạch xuất khẩu năm 2022 ước đạt 17,34 tỷ USD, tăng 11,9%; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 40,26 tỷ USD, tăng 15%.Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng tăng 26,5% (cùng kỳ giảm 6,3%); Ước cả năm 2022 đạt 615,96 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9%. Ngành du lịch phục hồi mạnh.
Lũy kế 11 tháng, khách trong nước đến Hà Nội đạt 1,277 triệu lượt, tăng 57%; khách quốc tế 952 nghìn lượt, tăng gần gấp 5 lần. Tổng thu từ khách du lịch 11 tháng đầu năm tăng hơn 5 lần.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 11 tháng đầu năm tăng 8,7%; ước năm 2022 IIP tăng khoảng 8%. Sản xuất nông nghiệp ổn định; cây trồng phát triển tốt, đàn lợn, trâu, bò và gia cầm đều tăng.
Vốn đầu tư thực hiện tăng mạnh, doanh nghiệp phục hồi phát triển. Ước năm 2022, vốn đầu ta phát triển đạt 468 nghìn tỷ đồng, tăng 13,8% và bằng khoảng 39% GRDP. Lũy kế 11 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội thu hút khoảng 1.540,4 triệu USD vốn FDI (tăng 11,6%).
Đảm bảo bình ổn thị trường dịp Tết
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Vũ Duy Tuấn – Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, về công tác chuẩn bị Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Tp. đã tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện tốt việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông và công tác duy trì vệ sinh môi trường.
Vận động, tuyên truyền, đấu tranh bài trừ các hoạt động lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi, tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; Kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối, làm mất trật tự trị an như: đốt pháo nổ, đua xe; bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh…
Đồng thời, tăng cường quản lý, sắp xếp, kiểm tra việc thu phí, giá dịch vụ tại các điểm trông giữ xe, nhất là tại các điểm vui chơi công cộng, địa điểm tín ngưỡng đông người trên địa bàn.
Chủ động, phối hợp sở, ban, ngành, hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động phục vụ Tết trên địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân đón Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn;
Tổ chức chu đáo chế độ trợ cấp Tết tới các đối tượng chính sách xã hội và thăm hỏi, tặng quà người có công, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc, vùng xa trung tâm và những nơi khó khăn.
Ngoài ra, chú trọng triển khai việc đảm bảo bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Thành phố, nhất là các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán; đẩy mạnh các hoạt động văn nghệ, thể thao, vui chơi lành mạnh mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc để vui xuân, đón Tết.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-giam-hon-13000-ty-dong-thue-vat-cho-doanh-nghiep-nam-2022-a586036.html