Ngày 26/4, Ban chấp hành Đảng bộ Tp. Hà Nội khai mạc hội nghị lần thứ 12 để xem xét, thảo luận nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, các đại biểu sẽ góp ý về việc đầu tư xây dựng sân bay thứ hai tại thủ đô, các Tp. trực thuộc thủ đô.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng gợi ý một số nội dung về định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065).
Trên cơ sở báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND Thành phố, ông Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận, nghiên cứu về điều chỉnh thời hạn của đồ án quy hoạch là “điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065” để thống nhất với khoản 3, điều 25 Luật Quy hoạch đô thị 2009 theo như đề nghị của hội đồng thẩm định của Bộ Xây dựng.
Cùng với đó, nghiên cứu định hướng dự báo dân số; định hướng phát triển không gian đô thị trung tâm, các Tp. phía Bắc, phía Tây của thủ đô; nghiên cứu định hướng các trục không gian của Thành phố; định hướng phát triển đô thị hai bên trục đường vành đai 4.
Các đại biểu cũng góp ý, nghiên cứu định hướng sân bay thứ 2 cho vùng thủ đô Hà Nội tại khu vực phía Nam Hà Nội…
Về Đề cương định hướng quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia đóng góp về sự phù hợp, đồng bộ của dự thảo Đề cương định hướng quy hoạch thủ đô với các chiến lược, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó cho ý kiến về sự đồng bộ với việc nghiên cứu định hướng nghiên cứu đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về nội dung cụ thể của dự thảo đề cương định hướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu thảo luận về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của thủ đô Hà Nội, đề nghị tập trung cho ý kiến về các tiềm năng, lợi thế phát triển của thủ đô, đặc biệt là phát huy yếu tố văn hiến, văn hóa thành nguồn lực mới góp phần xây dựng và phát triển thủ đô.
Theo ông Dũng, việc cần góp ý nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách tài chính – ngân sách, đất đai, đầu tư, cơ chế xử lý các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn thủ đô; cơ chế thu hút nguồn lực xã hội; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; việc quy hoạch, thu phí, cho thuê lòng đường, vỉa hè…
“Những nội dung trình hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ Tp.Hà Nội lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đến sự phát triển của thủ đô, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tới”, ông Dũng nói.
Về vị trí xây dựng sân bay thứ 2, ngoài phương án đã báo cáo đề xuất tại địa điểm các huyện Thanh Oai và Thường Tín quy mô diện tích 1.300ha, Hà Nội bổ sung thêm phương án 2 địa điểm tại huyện Ứng Hòa (có diện tích khoảng 1.700ha, liên quan 7 xã, ảnh hưởng 10.000 người).
Ưu điểm của phương án này là khu vực trục không gian phía Nam kết nối đô thị trung tâm với khu vực sân bay thứ 2, liên kết khu đô thị vệ tinh Phú Xuyên là đô thị công nghiệp, đầu mối giao thông và trung chuyển hàng hóa, tạo động lực phát triển khu vực phía Nam Thành phố.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/ha-noi-de-xuat-them-phuong-an-xay-dung-san-bay-o-ung-hoa-a605074.html