noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiGiáo dụcHành trình "cõng chữ" lên non: Giáo viên nỗ lực vận động...

    Hành trình “cõng chữ” lên non: Giáo viên nỗ lực vận động học sinh tựu trường, không để các em bỏ học (Bài 2)

    Ở vùng núi cao, cuộc sống còn khó khăn nên việc học tập chưa được chú trọng. Các giáo viên đã linh hoạt sử dụng nhiều cách thức vận động học sinh trở lại trường.

    HÀNH TRÌNH “CÕNG CHỮ” LÊN NON

    LTS: Chuẩn bị cho năm học mới, các giáo viên ở vùng núi cao xứ Nghệ đã phải vào tận bản trong rừng sâu, đến nhà giáp khu vực biên giới của những học sinh dân tộc thiểu số để vận động và gặp phụ huynh, làm công tác tuyển sinh, đưa các em đến trường.

    Kêu gọi học sinh từ miền Nam trở về chuẩn bị năm học mới

    Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên nhiều trường học ở huyện vùng cao Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An vẫn lo lắng chưa đủ học sinh, bởi trước đó nhiều em vào miền Nam thăm bố mẹ chưa trở về.

    Giáo dục - Hành trình 'cõng chữ' lên non: Giáo viên nỗ lực vận động học sinh tựu trường, không để các em bỏ học (Bài 2)

    Năm học 2023 – 2024, trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn có 358 học sinh bao gồm cả 2 bậc học tiểu học và THCS.

    Cô Lã Thị Thanh Huyền, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Dân tộc bán trú Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn cho biết, năm học 2023 – 2024, trường có 358 học sinh bao gồm cả 2 bậc học tiểu học và THCS. Đến thời điểm hiện tại, các giáo viên đã tập trung và đang tích cực lao động vệ sinh để sẵn sàng đón học sinh tựu trường theo đúng kế hoạch.

    Tuy nhiên, điều nhà trường lo lắng nhất chính là việc thời gian nghỉ Hè vừa rồi, vì muốn đoàn tụ với bố mẹ đang lao động ở miền Nam, nhiều em học sinh đã bắt xe vượt hàng nghìn cây số vào với gia đình.

    “Đến ngày 28/8, học sinh mới có lịch tựu trường theo kế hoạch nhưng với một địa bàn đặc thù như xã Tây Sơn thì chúng tôi buộc phải làm tốt công tác vận động trước. Ở đây, có rất nhiều phụ huynh đi làm ăn xa tại các tỉnh phía Nam. Hè đến, các em cũng theo xe vào với bố mẹ, nên chúng tôi phải đến tận các bản vừa tìm hiểu tình hình, vừa tìm cách liên lạc với phụ huynh để đưa các cháu trở lại trường”, cô Lã Thị Thanh Huyền chia sẻ.

    Theo Phó hiệu trưởng nhà trường, do đặc thù địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, địa bàn rải rác, bị chia cắt, ngoài ra nhiều ngày nay có mưa việc đi vào bản gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, hiện tại, nhà trường vẫn chưa thể phân công giáo viên đến các điểm bản để nắm bắt được số lượng học sinh đang có mặt tại địa phương.

    Giáo dục - Hành trình 'cõng chữ' lên non: Giáo viên nỗ lực vận động học sinh tựu trường, không để các em bỏ học (Bài 2) (Hình 2).

    Nghỉ hè, trẻ em miền núi Kỳ Sơn bắt xe vượt ngàn cây số vào Nam thăm cha mẹ. Ảnh Trung Hoa.

    Theo một số nhà trường trên địa bàn huyện Kỳ Sơn thì hiện số học sinh vào Nam thăm người thân chưa thể thống kê được, bởi các trường đều mới tập trung giáo viên.

    Một điều đáng lo lắng nữa là tình trạng nhiều học sinh vào Nam thăm bố mẹ xong sẽ ở lại để học luôn trong đó. Tình trạng này đã xảy ra vào các năm học trước làm số lượng học sinh tại các trường bị giảm xuống.

    Trước thực trạng này, huyện Kỳ Sơn đã có văn bản yêu cầu các xã, các trường học trên địa bàn huyện tổ chức rà soát số học sinh đang đi thăm bố mẹ cả nội và ngoại tỉnh, để lập kế hoạch tuyên truyền, vận động đưa các em trở về địa phương trước khi bước vào năm học mới. Khi học sinh đã trở về, lập tức làm các thủ tục tuyển sinh, nhập học để các em không bị thiệt thòi quyền lợi học tập.

    Ông Phạm Viết Phúc, Phó Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn cho hay, theo kế hoạch, năm học 2023 – 2024, toàn huyện có 73 trường và hơn 25.000 học sinh. Trước đó, số lượng học sinh vào miền Nam thăm bố mẹ là khá nhiều.

    Những năm dịch Covid-19, nhiều học sinh bị mắc kẹt lại trong đó làm ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Bởi vậy, năm học này ngành Giáo dục huyện có công văn chỉ đạo ngay từ đầu để tránh trường hợp các em không kịp tựu trường.

    Không để học sinh nghỉ học lấy chồng

    Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, ngoài việc nhiều em rời địa phương làm ăn xa, thì ngành giáo dục nơi đây cũng đang gặp một tình trạng học sinh nghỉ học lấy chồng, lấy vợ.

    Đặc biệt là bắt đầu vào học kỳ 2 năm học 2022 – 2023 vừa qua, nhiều trường học có số lượng học sinh nghỉ học tăng đột biến so với các năm trước. Dù nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, song học sinh bỏ học vẫn chưa thể chấm dứt.

    Giáo dục - Hành trình 'cõng chữ' lên non: Giáo viên nỗ lực vận động học sinh tựu trường, không để các em bỏ học (Bài 2) (Hình 3).

    Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống có nhiều học sinh nghỉ học khi bắt đầu học kỳ 2, năm học 2022 – 2023.

    Theo thống kê của phòng GD&ĐT Kỳ Sơn, sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2023, trên địa bàn hiện có 154 học sinh nghỉ học. Trong đó nhiều nhất là những trường chiếm phần lớn học sinh người Mông, như: Trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi nghỉ học 21 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống nghỉ học 20 em, Trường Phổ thông DTBT THCS Nậm Típ nghỉ học 18 em… Đây là những xã biên giới, vùng sâu vùng xa và tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

    Lý giải về việc này, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Phổ thông DTBT THCS Na Ngoi, trường có khoảng 95% học sinh là người Mông. Do tập tục tảo hôn và đặc tính di cư của người dân, nên nhiều năm nay, tình trạng học sinh bỏ học vẫn tiếp diễn. Nhà trường đã có nhiều giải pháp tuyên truyền thường xuyên trong suốt năm học nhưng vẫn chưa chấm dứt được. Trong số 21 học sinh nghỉ học thì số học sinh lấy chồng lấy vợ là 11 em, còn lại nghỉ học theo gia đình di cư hoặc đi làm.

    “Học sinh lấy chồng, lấy vợ sớm có nguyên nhân liên quan đến tâm lý lứa tuổi. Chưa kể, còn xuất phát từ phong tục, tập quán bắt vợ, bắt chồng. Bên cạnh đó, hiện nay thông tin liên lạc thuận tiện hơn. Dù nhà trường cấm học sinh sử dụng điện thoại trên lớp, trong khu bán trú nhưng các em vẫn âm thầm liên lạc với nhau. Cá biệt có em học sinh lớp 6 của trường, chỉ sau một đêm đã vượt rào khu nhà ở bán trú và  bắt vợ sang xã Mường Lống, cách Na Ngoi hơn 80km”, thầy Hùng cho hay.

    Về việc này, thầy Lô Khăm Phu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT THCS Mường Lống, huyện Kỳ Sơn cho biết thêm, đặc trưng của học sinh Mông rất chăm chỉ, chuyên cần, nhất là những em ở bán trú thì thầy cô không cần lo lắng về nền nếp và ý thức học tập.

    “Thế nhưng, chỉ có việc lấy chồng, lấy vợ rồi bỏ học là điều lo ngại nhất của nhà trường. Công tác tuyên truyền cũng phải khéo léo, cẩn trọng vì sợ học sinh… tự tử. Đã từng có trường hợp trong xã vì bị ngăn cản lấy chồng lấy vợ mà ăn lá ngón dẫn đến hậu quả đáng tiếc”, thầy Phu nói.

    Giáo dục - Hành trình 'cõng chữ' lên non: Giáo viên nỗ lực vận động học sinh tựu trường, không để các em bỏ học (Bài 2) (Hình 4).

    Huyện Kỳ Sơn triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền cho bà con đồng bào về thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

    Bà Vi Thị Quyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, qua báo cáo của các nhà trường, học sinh bỏ học chia thành các nhóm nguyên nhân gồm: Tảo hôn, bỏ học đi làm công ty, còn lại là ở nhà chưa đi đâu nhưng cũng không đi học nữa. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi học sinh khi các em đi làm mà chưa đủ tuổi lao động hoặc không có hợp đồng lao động.

    “Chúng tôi đang đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh sau THCS. Đồng thời, nâng cao nhận thức, hướng các em vào con đường đi làm sau khi đã có ít nhất một trình độ nghề nghiệp thay vì lao động mà chưa qua đào tạo. Dù chưa thể chấm dứt hoàn toàn nhưng chúng tôi mong muốn thông qua nhiều biện pháp, có thể hạn chế tối thiểu số lượng học sinh nghỉ học”, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn thông tin.

    Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn cho biết, tổng số người tảo hôn trên địa bàn huyện năm 2021, 2022 lần lượt là 147 và 171 trường hợp. Chỉ tính riêng quý I/2023, toàn huyện đã ghi nhận 150 trường hợp tảo hôn (131 trường hợp là người dân tộc Mông), vượt qua tổng số trường hợp tảo hôn của cả năm 2021. Đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14. Tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ…

    Bài 3: Hành trình “cõng chữ” lên non: Chuyện về những thầy cô tình nguyện vượt khó để “cõng chữ lên non”

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU