Kinh tế – xã hội của nước ta đã trải qua 3 tháng đầu năm 2023 đầy biến động và thách thức. Điều này thể hiện rõ nét qua những con số như tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% – là một trong những quý I thấp nhất từ 11 năm nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số thành lập mới. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm, đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm cả đăng ký và thực hiện.
Quý I/2023 là quý tăng trưởng kinh tế trong đà suy giảm bắt đầu từ quý IV năm 2022. Có hai nguyên nhân chính cho việc tăng trưởng thấp này:
Một là, đơn hàng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa đều giảm, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo… Hai là, lãi suất quá cao, vốn khó tiếp cận.
Về thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn cũng khiến cho các kênh dẫn vốn vào nền kinh tế bị ách tắc.
Trước hết về cung tiền, vốn phải bắt đầu từ tiền, cung tiền của Ngân hàng Nhà nước, nhưng tăng trưởng rất thấp so với tăng trưởng GDP danh nghĩa (GDP tính theo giá hiện hành).
Theo đó, năm 2020 tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành vào khoảng 6,0%, tăng cung tiền là 13%. Năm 2021 tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành vào khoảng 6,4%, tăng cung tiền 10%. Năm 2022 tăng trưởng kinh tế tính theo giá hiện hành vào khoảng 11%, nhưng tăng cung tiền chỉ 5,5%.
Riêng quý I/2023, cung tiền cũng chỉ tăng 0,57% so với cuối năm 2022, tức là tăng rất thấp.
Điều này cho thấy thanh khoản của nền kinh tế suy giảm thực sự, nói cách khác tiền tệ bị thắt chặt quá mức. Vì vậy, lãi suất tăng lên rất cao, đặc biệt là lãi suất thực, khiến cho doanh nghiệp vốn dĩ đã khó tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng, ngay cả khi tiếp cận được với lãi suất cao như vậy cũng không hiệu quả. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phá sản, sản xuất bị đình đốn, hoặc sản xuất cầm chừng.
Nhìn từ góc cạnh khác, các ngân hàng thương mại cũng than phiền họ có tiền nhưng không có doanh nghiệp để cho vay. Vì đại bộ phận doanh nghiệp không đủ điều kiện tiếp cận vốn như: Không có tài sản đảm bảo hoặc giá trị tài sản đảm bảo rất thấp; không có đơn hàng nên không có nhu cầu vay vốn; lãi suất quá cao vay cũng sẽ không hiệu quả.
Như vậy, ngoài cung tiền rất thấp, các kênh dẫn vốn cũng bị ách tắc. Đặc biệt là kênh tín dụng ngân hàng. Đây là kênh dẫn vốn quan trọng nhất, quyết định tăng trưởng của các khu vực kinh tế, trên cơ sở đó tạo ra thu nhập cho người lao động và các doanh nghiệp. Chính thu nhập của người lao động và các doanh nghiệp mới tạo ra dòng tiền cho các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Trong khi đó, kênh dẫn vốn khác như trái phiếu doanh nghiệp cũng đang bị đình trệ, khủng hoảng thực sự, hầu hết các nhà phát hành (ngoại trừ các ngân hàng thương mại) đều mất khả năng chi trả, nhất là khu vực doanh nghiệp bất động sản. Đây là một kênh dẫn vốn trung và dài hạn có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây.
Khủng hoảng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản, nhất là bất động sản phân khúc cao cấp mà khả năng phục hồi trong tương lai gần là khó khăn.
Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ thị trường như: Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; Nghị quyết về thị trường bất động sản…
Nhưng việc thực hiện các chính sách này cũng cần phải có thời gian và phụ thuộc rất nhiều vào trách nhiệm và kỷ luật, kỷ cương của bộ máy hành chính Nhà nước.
Một kênh dẫn vốn khác là đầu tư công, mặc dù đã có những tiến bộ nhất định trong năm 2022 và đầu năm 2023. Nhưng, tiến độ giải ngân so với kế hoạch vẫn đạt rất thấp, ách tắc chủ yếu không phải là vì không có tiền mà là vì thủ tục pháp lý và trách nhiệm công vụ.
Các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này cũng gặp khó khăn lớn về giá cả nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng. Cho nên, họ tìm cách duy trì tiến độ cầm chừng, vì càng đẩy tiến độ thì càng lỗ.
Kênh dẫn vốn cuối cùng là thị trường chứng khoán cũng bị suy giảm mạnh. Thị trường chứng khoán là nơi phản ánh thực tế các nguồn vốn và các kênh dẫn vốn khác trong điều kiện như đã nói ở trên, thì kênh dẫn vốn này cũng không thể tốt hơn.
Mặc dù, dưới con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài thì triển vọng kinh tế dài hạn của Việt Nam khá tốt. Nhưng, trong chừng mực nào đó thì kênh đầu tư gián tiếp của nước ngoài cũng chịu ảnh hưởng bởi những bối cảnh ngắn hạn của kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, một kênh đầu tư khác rất quan trọng là đầu tư trực tiếp nước ngoài, kênh đầu tư này không trực tiếp phụ thuộc vào nguồn vốn trong nước, mà phụ thuộc chủ yếu vào đầu ra của thị trường thế giới. Hiện, cũng đang gặp khó khăn.
Cho nên, đầu tư trực tiếp nước ngoài trong quý I/2023 cũng suy giảm cả về vốn đăng ký và vốn thực hiện (vốn đăng ký giảm 38,8% so với cùng kỳ, vốn thực hiện giảm 2,2% so với cùng kỳ).
Giải pháp quan trọng nhất là tăng cung tiền một cách hợp lý, trên cơ sở đó giảm đáng kể lãi suất, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh kể cả trong khu vực nông nghiệp và dịch vụ, là hai khu vực mà đầu ra ít bị ảnh hưởng từ các đơn hàng của thị trường thế giới.
Biện pháp thứ hai, tái cấu trúc lại thị trường BĐS một cách triệt để trên cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ phân khúc nhà ở giá rẻ, coi đó là phân khúc chủ đạo và quyết định mặt bằng giá của thị trường. Thay vì phân khúc nhà cao cấp và đầu cơ hiện nay đang đẩy thị trường BĐS vào tình trạng bong bóng.
Đúng như Thủ tướng đã chỉ đạo, giải quyết vấn đề phân khúc tạo ra mặt bằng giá mới hợp lý. Từ mặt bằng giá cả này sẽ tái cấu trúc lại thị trường. Đây là biện pháp duy nhất có thể tạo ra lòng tin và thanh khoản cho cả thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và từng bước khơi thông các kênh dẫn vốn. Bao gồm cả tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.
Biện pháp thứ ba là thúc đẩy nhanh đầu tư công, trên cơ sở cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trách nhiệm công vụ, các khung pháp lý về đấu thầu, giá đất, giá cả của các tài nguyên có liên quan theo nguyên tắc thị trường.
Đây là kênh có nhiều tiềm năng có thể khơi thông được và cũng là biện pháp mà nhiều Chính phủ áp dụng để tạo cầu cho nền kinh tế trong giai đoạn khủng hoảng.
Bởi mức độ lan tỏa của đầu tư công, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng vào nền kinh tế là rất lớn. Ví dụ như tạo ra công ăn việc làm, đô thị hóa, tạo ra nhu cầu về vật liệu xây dựng (xi măng, sắt, thép…). Đặc biệt, tạo ra dịch vụ gắn liền với cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, việc khơi thông kênh này cũng nằm trong tầm tay của Chính phủ.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/giai-phap-nao-de-tung-buoc-khoi-thong-cac-kenh-dan-von-a604603.html