Chiều mai (21/4), liên Bộ Tài chính – Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày một lần.
Hiện nay, dữ liệu của Bộ Công Thương chỉ cập nhật đến ngày 12/4 cho thấy giá xăng RON 95 giao dịch ở mức 103,61 USD/thùng, xăng RON 92 giao dịch mức 100,39 USD/thùng, dầu diesel giao dịch mức 98,49 USD/thùng.
Ở chu kỳ điều hành trước, bình quân giá thành phẩm xăng dầu trên thị trường Singapore là 101,64 USD/thùng với xăng RON 92; 104,67 USD/thùng với xăng RON 95 và 101,5 USD/thùng với dầu diesel.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá dầu thô gần đây tăng giảm đan xen nhưng đang có xu hướng quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, phiên sáng 20/4 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,36 USD/thùng, tương đương 0,45%, xuống 78,80 USD/thùng; Brent giảm 0,40 USD/thùng, tương đương 0,48%, xuống mức 82,72 USD/thùng.
Kết thúc phiên hôm qua, dầu thô WTI giảm 2,05% về 79,24 USD/thùng, và giá dầu thô Brent giảm 1,95% về 83,12 USD/thùng.
Như vậy, giá dầu giảm 2 phiên liên tiếp, với mức giảm mạnh nhất trong một tháng.
Hiện tin tức về đợt cắt giảm mới nhất của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), thị trường dầu không có động lực tăng nào quá rõ ràng. Trái lại, những lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất sẽ khiến cho rủi ro suy thoái ngày càng hiện hữu, và lấn át các sức ép nguồn cung.
Bên cạnh đó, dầu cũng được niêm yết và giao dịch bằng đồng USD, nên sự hồi phục của đồng bạc xanh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu toàn cầu.
Các công ty dầu đá phiến của Mỹ hiện cũng được kỳ vọng sẽ bù đắp khoảng trống mà OPEC+ để lại, vì thế đồng USD mạnh hơn sẽ khiến cho chi phí kinh doanh và nhập khẩu dầu thô đắt hơn trên toàn cầu. Chỉ số Dollar Index hồi phục nhẹ lên 101,97 điểm trong hôm qua.
Trong hôm qua, báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại Mỹ giảm 4,6 triệu thùng, mạnh hơn cả số liệu của API và ước tính trước đó của giới phân tích. Tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm khoảng 400.000 thùng, trái lại tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng.
Việc tồn kho các sản phẩm lọc dầu không giảm mạnh như dự báo, cộng với việc tổng sản phẩm được cung cấp trong tuần qua đạt 19,32 triệu thùng và vẫn ở dưới mức trung bình 4 tuần, cho thấy tình hình tiêu thụ nội địa của Mỹ có dấu hiệu suy yếu.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên 4,57 triệu thùng, cao hơn gần 70% so với tuần kết thúc ngày 7/4, phản ánh nhu cầu gia tăng đối với dầu thô của Mỹ khi mà nguồn cung từ phía OPEC+ bị gián đoạn.
Việc giá dầu thô tăng cao trong các tuần gần đây đã làm giảm lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu tại châu Á, khiến cho nhu cầu nhập khẩu của khu vực này có thể sẽ yếu hơn trong thời gian tới.
Đồng thời, việc nguồn cung dầu từ Nga vẫn ổn định ngay cả sau thông báo cắt giảm 500.000 thùng/ngày khiến các nhà đầu tư đánh giá lại và không còn quá lo ngại về đợt cắt giảm của OPEC+.
Theo Reuters, Xuất khẩu dầu từ các cảng phía Tây của Nga trong tháng 4 đạt mức cao nhất kể từ năm 2014, tương đường với 2,4 triệu thùng/ngày.
Có thể thấy thị trường dầu đang đối mặt với rất nhiều rủi ro giảm giá, sau khi mà những lo ngại về nguồn cung đã được phản ánh hết.
Diễn biến của giá xăng nhập và giá xăng dầu thế giới sẽ tác động đến kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước diễn ra vào ngày mai.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu dự báo, trong kỳ điều hành ngày 21/4, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có khả năng giảm nhẹ theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.
Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng bán lẻ trong nước vào chiều 21/4 có thể được điều chỉnh giảm từ 220-450 đồng/lít. Còn giá dầu sẽ giảm từ 100-380 đồng/lít.
Nếu dự báo trên là chính xác, giá các mặt hàng xăng trong nước vào ngày mai sẽ quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp.
Từ đầu năm tới nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 10 lần điều chỉnh, trong đó có 6 lần tăng, 3 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Hiện, dư địa quỹ bình ổn xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tiếp tục dương lớn. Trong đó, tính đến 11/4, Petrolimex dương 2.555 tỷ đồng, PVOil âm 305 tỷ đồng, Saigon Petro dương 312 tỷ đồng, Petimex dương 413 tỷ đồng…
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa yêu cầu Bộ Công Thương và Tài chính xem xét các kiến nghị của một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề nghị hoàn trả phần lợi nhuận và chi phí kinh doanh định mức cho doanh nghiệp.
Trước đó, trong văn bản gửi Thủ tướng, doanh nghiệp cho rằng Thông tư 104 quy định chi phí kinh doanh định mức là 1.050 đồng/lít và lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít. Trong phần chi phí trên, quy định đã nêu rõ là cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.
Tuy nhiên, thông tư lại không ghi rõ tỷ lệ phân chia ở khâu bán buôn và khâu bán lẻ nên doanh nghiệp đầu mối đã lợi dụng kẽ hở này một cách triệt để hưởng gần như phần chi phí này.
Theo đó, các doanh nghiệp đề xuất liên bộ Tài Chính – Công Thương thành lập hội đồng để phân chia lại giá trị của 1.350 đồng chi phí định mức và lợi nhuận định mức. Từ đó làm cơ sở cho việc phân chia chi phí cơ bản này trong nghị định mới.
T.M (tổng hợp)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-xang-trong-nuoc-ngay-mai-co-kha-nang-quay-dau-giam-a603984.html