Một số tập đoàn công nghiệp lớn nhất nước Đức đã bắt đầu thực hiện các bước cắt giảm sâu và lâu dài đối với mọi loại chi phí, thừa nhận rằng những “cơn gió ngược” dai dẳng như giá năng lượng cao hơn và tăng trưởng kinh tế chậm chạp hiện đòi hỏi họ phải thay đổi cơ cấu.
“Chúng tôi không chỉ đơn giản là trì hoãn đầu tư”, ông Martin Brudermüller, CEO của BASF SE, cho biết hồi cuối tháng trước khi ông công bố kế hoạch cắt giảm đầu tư gần 15% trong 4 năm tới. “Chúng tôi đang giảm số lượng dự án và sẽ thực hiện các biện pháp thay thế nhằm giảm chi phí vốn”.
Các gã khổng lồ công nghiệp Đức, từ BASF đến Volkswagen AG, đang phải đối mặt với một thực tế mới sau nhiều thập kỷ thu lợi từ khí đốt Nga, nhu cầu cao đến mức vô lý của người tiêu dùng Trung Quốc đối với hàng hóa của họ, và lãi suất thấp.
Chính nguồn năng lượng giá rẻ của gã khổng lồ Á-Âu đã mang lại 2 thập kỷ thành công kinh tế vượt trội cho Đức. Trong nhiều năm, quốc gia Tây Âu đã được mệnh danh là “nhà vô địch” xuất khẩu của thế giới và các sản phẩm “sản xuất tại Đức” đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu về chất lượng.
Nhưng những thách thức được hình thành trong nhiều năm đã không còn được coi là vấn đề tạm thời nữa.
Những “cơn gió ngược”
Không còn khí đốt Nga giá rẻ đến từ đường ống, ngành công nghiệp Đức giờ đây phải dựa vào nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đắt tiền hơn, khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ trong khi đơn hàng trì trệ. Kết quả là người lao động đang bắt đầu cảm nhận được một cách thực sự những hệ lụy.
“Việc thiếu đơn đặt hàng mới tiếp tục có tác động tiêu cực”, ông Klaus Wohlrabe, người đứng đầu bộ phận dự khảo sát tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Ifo, cho biết. “Đặc biệt, các lĩnh vực thâm dụng năng lượng đang lên kế hoạch cắt giảm nhân viên”.
Nhà sản xuất thép Kloeckner & Co SE của Đức cho biết hồi cuối tháng trước rằng họ đang cắt giảm nhân sự sau khi hạ thấp triển vọng năm 2023. Công ty hóa chất Lanxess AG đang cắt giảm 7% lực lượng lao động do giá năng lượng tăng cao và nhu cầu toàn cầu sụt giảm.
Theo một cuộc khảo sát gần đây của Viện Ifo, ý định làm việc trong ngành công nghiệp ở Đức đang ở mức thấp nhất kể từ những tháng đầu của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, các công ty đang phải đối mặt với sự suy giảm nhu cầu toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, nơi đã thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các ngành trong những năm gần đây. Xu hướng đó là đòn giáng đối với các nhà sản xuất hàng xuất khẩu lớn nhất của Đức, như ngành công nghiệp ô tô.
Cổ phiếu của Mercedes-Benz Group AG đã sụt giảm vào tuần trước sau khi hãng xe hơi hàng đầu nước Đức báo cáo tỉ suất lợi nhuận giảm và lạm phát làm tăng chi phí của mọi thứ, từ phụ tùng đến nhân công. Gã khổng lồ xe hơi Volkswagen cũng cho biết họ đang nỗ lực tiết kiệm gấp đôi chi phí.
Tổng sản lượng kinh tế của Đức đã giảm trong quý III/2023, theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis). Điều này làm tăng nguy cơ nền kinh tế lớn nhất châu Âu bị chìm sâu hơn vào suy thoái. Đức cũng là nền kinh tế lớn duy nhất trong số các nước G7 mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo sẽ suy thoái trong năm nay.
Triển vọng không chắc chắn
BASF, khi công bố kết quả kinh doanh quý III hồi cuối tháng 10, cho biết doanh số bán hàng của họ giảm trên tất cả các khu vực địa lý, đặc biệt là ở Đức. Gã khổng lồ hóa chất cho biết, họ hiện dự kiến doanh số bán hàng sẽ ở mức thấp hơn trong phạm vi dự kiến từ 73-76 tỷ euro trong năm nay. BASF có kế hoạch giảm tổng mức đầu tư trong 4 năm tới xuống còn 24,8 tỷ euro so với con số ban đầu là 28,8 tỷ euro.
BASF cũng tăng quy mô của kế hoạch tiết kiệm chi phí tại các khu vực hậu cần. Hiện tại, tổng chi phí tiết kiệm hàng năm sẽ là 1,1 tỷ euro vào năm 2026 trên các lĩnh vực sản xuất và quản lý, tăng so với mức 500 triệu euro mà công ty đã công bố hồi tháng 2 năm nay.
Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Đức (VCI) dự kiến sản lượng ngành sẽ giảm 11% vào năm 2023, không bao gồm dược phẩm. Trong khi đó, Hội đồng Công nghiệp Hóa chất châu Âu (CEFIC) dự đoán mức giảm 8% trên toàn ngành trong năm nay và dự kiến nhu cầu sẽ không phục hồi.
“Các công ty thâm dụng năng lượng của ngành này sẽ không thể tiếp tục tồn tại trong thời gian dài với chi phí năng lượng cao đe dọa sự tồn tại của họ ở chính thị trường Đức” Chủ tịch VCI Markus Steilemann cho biết hồi đầu tháng trước trong lời kêu gọi sự trợ giúp từ Chính phủ Liên bang để ứng phó với tình trạng chi phí năng lượng cao như hiện nay.
Tương tự, Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cũng đã liên tục cảnh báo rằng các doanh nghiệp thâm dụng năng lượng có thể bị buộc phải di dời ra nước ngoài nếu không có gì thay đổi.
“Nếu không còn ngành công nghiệp hóa chất ở Đức, sẽ là ảo tưởng khi cho rằng quá trình chuyển đổi các nhà máy hóa chất sẽ tiếp tục diễn ra ở Đức”, ông Siegfrid Russwurm, Chủ tịch BDI, cho biết.
Ông Jürgen Kerner, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kim khí Đức (IG Metall), cho biết thêm rằng các công ty gia đình quy mô vừa hiện đang “không có triển vọng tiếp tục kinh doanh”.
Theo ông, việc các nhà máy luyện nhôm ngừng sản xuất, các xưởng đúc và rèn đang mất đơn đặt hàng, tạo ra sự không chắc chắn. Các chi nhánh của IG Metall ngày càng ghi nhận nhiều công ty mất khả năng thanh toán và phải lên kế hoạch sa thải nhân viên và đóng cửa doanh nghiệp.
Minh Đức (Theo Bloomberg, DW)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-tu-khi-dot-gia-re-cua-nga-duc-doi-mat-thuc-te-moi-a634222.html