noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiDân sinhGia tăng bệnh tay chân miệng, ngành y tế Tp.HCM đảm bảo...

    Gia tăng bệnh tay chân miệng, ngành y tế Tp.HCM đảm bảo thuốc điều trị

    Trước tình hình bệnh tay chân miệng tại Tp.HCM tăng cao, đồng thời xuất hiện nhiều ca nặng, ngành y tế địa phương khẩn trương đảm bảo thuốc điều trị.

    Huy động nhiều nguồn cung dược

    Ngày 8/6, trả lời câu hỏi của Người Đưa Tin tại Họp báo Thường kỳ của Tp.HCM, ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng, Sở Y tế Tp.HCM cho biết, theo báo cáo của các đơn vị trên địa bàn, hiện tại nguồn cung ứng một số thuốc đặc trị cho các trường hợp bệnh tay chân miệng phân độ nặng như Immunoglobulin, Phenobarbital tiêm truyền đang gặp khó khăn.

    “Số lượng thuốc dự trữ hiện tại của các bệnh viện đủ sử dụng trong giai đoạn hiện nay, nhưng sẽ gặp khó khăn nếu tình hình dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới”, ông Nam nhận định.

    Sau khi ghi nhận khó khăn từ các đơn vị, Sở Y tế Tp.HCM đã có công văn báo Cục Quản lý dược đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung ứng và nhận được hướng dẫn về nguồn cung ứng thuốc Immunoglobulin, Phenobarbital.

    Đối với thuốc chứa Immunoglobulin, thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250ml và 215 hộp loại 50ml. Dự kiến giữa tháng 8/2023, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml. Thuốc Immunoglobulin người 5% do Công ty TNHH Thương mại Dược phẩm Duy Anh nhập khẩu, dự kiến cuối tháng 7/2023 nhà sản xuất sẽ cung ứng cho Việt Nam 5.000 – 6.000 lọ.

    Hiện nay, số lượng Immunoglobulin còn tồn kho tại các bệnh viện ở Tp.HCM là 1.371 lọ.

    Đối với thuốc Phenobarbital, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty CP Dược phẩm trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit là thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Công ty sẽ có 21.000 ống thuốc (Phenobarbital 200mg/ml) về Việt Nam vào đầu tháng 7/2023.

    Dân sinh - Gia tăng bệnh tay chân miệng, ngành y tế Tp.HCM đảm bảo thuốc điều trị

    Ông Nguyễn Hải Nam, Phó Chánh Văn phòng, Sở Y tế Tp.HCM tại họp báo chiều 8/6.

    Theo số liệu giám sát dịch bệnh của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC), số trường hợp trẻ em mắc bệnh tay chân miệng tại Thành phố này có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây. Cụ thể, số ca tay chân miệng bắt đầu tăng từ tuần 19 (8/5 đến 14/5) đến tuần 22 (29/5 đến 4/6), trong đó, số ca mắc trong tuần 22 cao gấp hơn 2 lần số ca mắc ở tuần 19.

    Đặc biệt, kết quả giải trình tự gen của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford cho thấy 6 mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng có triệu chứng nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đều có kết quả dương tính với Enterovirus 71 (EV71) và đều có kiểu gene B5.

    B5 cũng là kiểu gene của EV71 gây bệnh nặng ở trẻ em vừa được phát hiện trở lại qua các trường hợp nặng tại 3 bệnh viện nhi đồng của Thành phố. Kiểu gene B5 của EV71 lần đầu tiên được tìm thấy ở Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007 và xuất hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, 2018.

    Cần đánh giá đúng tình hình dịch bệnh

    Số ca mắc tay chân miệng nặng tăng cao nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng thiếu thuốc điều trị. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Bác sĩ CKI Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – thần kinh, cho hay trong ngày 3/6, khoa điều trị 2 ca mắc tay chân miệng độ nặng ở tỉnh chuyển đến, đồng thời cho 1 ca về phòng lưu trú sau thời gian điều trị phân độ nặng đến nay đã ổn định.

    Từ lâu bệnh viện này không còn thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, chỉ còn thuốc Gamma Globulin và thuốc IVIG. Trước tình hình này, bệnh viện đã dùng thuốc Phenobarbital dạng uống thay thế dạng truyền tĩnh mạch, dù hiệu quả điều trị của thuốc dạng truyền tĩnh mạch cao hơn dạng uống.

    Dân sinh - Gia tăng bệnh tay chân miệng, ngành y tế Tp.HCM đảm bảo thuốc điều trị (Hình 2).

    Các bệnh viện chuyên khoa Nhi tại Tp.HCM ghi nhận số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng cao, một số trường hợp diễn biến nặng.

    Trong khi đó, Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Tp.HCM cho biết số ca mắc tay chân miệng điều trị nội trú và ngoại trú tại bệnh viện này đều gia tăng, trong đó có nhiều trẻ ở tỉnh chuyển đến.

    Cụ thể, hiện khoa nhiễm của bệnh viện đang điều trị 5 trẻ mắc tay chân miệng (3 ca ở tỉnh gồm An Giang, Long An, Tiền Giang và 2 ca tại Tp.HCM), trong đó có 3/5 trẻ đang thở máy, nguy kịch. Còn số ca trẻ điều trị ngoại trú đã tăng gấp đôi so với tuần trước, với 10 – 20 ca/ngày, trong khi trung bình những ngày trước là 5 – 10 ca/ngày.

    Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho hay, hiện vẫn còn đủ thuốc để điều trị nhưng cần thêm để dự trù nếu số ca tay chân miệng tăng nhanh trong thời gian tới. Cụ thể, hiện bệnh viện còn khoảng 200 lọ thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch. Theo đó với mỗi bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng độ nặng (dưới 3 tuổi) sẽ dùng khoảng 4-8 lọ thuốc Gamma Globulin. Như vậy, số lọ thuốc trên dùng cho khoảng 25 – 50 bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng trong thời gian tới.

    Với thuốc Phenobarbital thì đã hết loại truyền tĩnh mạch từ lâu, chỉ còn một ít thuốc dạng uống. Do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên bác sĩ dùng thuốc an thần khác để thay thế.

    “Bệnh viện cần thêm thuốc dự trữ, tuy nhiên phải tính toán số lượng thuốc hợp lý, tránh tình trạng lãng phí khi nhập thuốc về nhưng không sử dụng hết, đặc biệt đây là thuốc nhập khẩu, đắt tiền với 3-4 triệu đồng/lọ thuốc Gamma Globulin”, bác sĩ Tiến băn khoăn.

    Do đó, các bác sĩ cho rằng quan trọng hơn công tác điều trị là đơn vị kiểm soát dịch cần dự báo, đánh giá tình hình dịch bệnh tay chân miệng đúng và phụ huynh phát hiện sớm các dấu hiệu nặng để kịp thời đưa trẻ nhập viện điều trị.

    Ngành y tế Tp.HCM đưa ra khuyến cáo rằng rửa tay là biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn.

    Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng…) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn nhiều, giật mình, run chân…) để thăm khám và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU