noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểmGiá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập mỗi...

    Giá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập mỗi năm của hộ gia đình

    Theo các đại biểu Quốc hội, nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động, nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc.

    Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 29/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, nhiệm kỳ khoá XV xem xét, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

    Quan tâm tới thủ tục hành chính, đại biểu đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cho biết, trang web chuyên thống kê về chỉ mức sống trên thế giới cho thấy, năm 2023, tỉ lệ giá nhà trên thu nhập của Việt Nam đứng thứ 14 trong tổng số 107 quốc gia được khảo sát, đứng thứ 11 trong tổng số 38 quốc gia khu vực châu Á.

    Theo đó, tính bình quân, giá nhà ở Việt Nam gấp 23,5 lần thu nhập một năm của hộ gia đình. Trong khi đó, chỉ số này sẽ lý tưởng ở mức từ 5-7 lần.

    “Thủ tục đầu tư là một trong các nguyên nhân cơ bản làm tăng chi phí, dẫn đến giá nhà tăng cao, nhất là ở khu vực đô thị, khu công nghiệp, dẫn đến nhà ở khu vực này vượt khỏi tầm với của đa số người dân”, ông Nghĩa nói.

    Đối thoại - Giá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập mỗi năm của hộ gia đình

    Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn).

    Vị đại biểu nhận thấy, dự thảo Luật đã cắt giảm, rút ngắn một số thủ tục so với luật hiện hành. Tuy nhiên, vẫn còn một số thủ tục hành chính có thể tiếp tục được cắt giảm.

    Theo đó, khoản 4 Điều 37 quy định về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà ở của cơ quan quản lý nhà ở ở trung ương hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của Chính phủ. Đại biểu chỉ rõ, đây là thủ tục hành chính mới chưa có trong Luật hiện hành và có nhiều điểm trùng với thủ tục quy định về văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu theo Luật Xây dựng.

    Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 35 quy định, đối với dự án thuộc trường hợp chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.

    Ông Nghĩa cho rằng, nếu có nhiều nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án xây dựng nhà ở thì sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư.

    Như vậy, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận các nhà đầu tư thì các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện một bước nữa mới trở thành chủ đầu tư.

    Đối thoại - Giá nhà ở Việt Nam đang gấp 23,5 lần thu nhập mỗi năm của hộ gia đình (Hình 2).

    Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang).

    Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn Tiền Giang) nhắc lại câu “an cư lạc nghiệp” để nói lên ý nghĩa đặc biệt quan trọng của nhà ở hay chỗ ở đối với mỗi người dân. Điều này cũng được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

    Tuy nhiên, ông Cầm cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về quyền có chỗ ở và quyền sở hữu nhà ở của công dân, đặc biệt chưa có những quy định cụ thể về vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo mọi công dân đều có quyền chỗ ở hợp pháp.

    Do vậy, đại biểu đề nghị tại Điều 4 về chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở và tại Điều 5 yêu cầu chung về phát triển quản lý sử dụng nhà ở bổ sung vai trò trách nhiệm của nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công dân được thực hiện quyền này.

    Còn đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Bắc Giang) bày tỏ, vấn đề nhà ở kéo theo một loạt các vấn đề xã hội khác, gây ảnh hưởng đến an ninh, an toàn, bảo vệ môi trường sống, chăm sóc trẻ em, bảo đảm sức khỏe…

    “Nhà ở vẫn là mong ước của rất nhiều người lao động. Nếu giải quyết tốt, sẽ tạo an tâm cho người lao động để họ gắn bó hơn với công việc”, ông Tuấn nói.

    Đại biểu nhấn mạnh, trong điều kiện cần huy động nguồn lực cho lĩnh vực này, không nên bỏ qua một chủ thể như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

    “Việc để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội sẽ giúp đa dạng hóa, thu hút nhiều chủ thể, nhiều nguồn lực, để giải quyết vấn đề cấp bách này, cùng chăm lo cho đời sống của người lao động”, đại biểu đoàn Bắc Giang nói thêm.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU