Việt Nam chi 3,4 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi
Báo Công Thương dẫn số liệu từ Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 8,2 triệu tấn thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (tương đương 3,4 tỷ USD), giảm 3,3% về khối lượng và 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính: ngô hạt 3,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); khô dầu các loại 2,3 triệu tấn (tương đương 1,1 tỷ USD); lúa mì và lúa mạch 978 nghìn tấn (tương đương 321 triệu USD); DDGS (bã rượu khô) 450 nghìn tấn (tương đương 166 triệu USD); cám các loại 285 nghìn tấn (tương đương 70 triệu USD); gạo, tấm 237 nghìn tấn (tương đương 79 triệu USD); thức ăn bổ sung 190 nghìn tấn (tương đương 232 triệu USD)…
Số lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm là do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng, do đó các doanh nghiệp đã tìm kiếm các nguồn thức ăn trong nước thay thế. Trung Quốc siết chặt nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam trong đó có cám gạo, sắn, do đó các nguyên liệu này được sử dụng trong nước tăng lên.
Theo Kinh tế & Đô thị, về giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá ngô hạt giảm nhiều nhất (5,7%), giá DDGS giảm 3,8%; tuy nhiên, giá cám gạo chiết ly vẫn duy trì ở mức cao so với 2022 (tăng 4,7%), giá DDGS tương đương so với cùng kỳ năm 2022.
Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã giảm từ 1,2-3,2% so với thời điểm đầu năm 2023, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức cao so với thời điểm trước dịch Covid-19 và so với cùng kỳ năm 2022. Dự kiến giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi thành phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng giảm từ nay tới cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Không còn nhiều dư địa để mua thêm
Việt Nam là một trong hai quốc gia có khối lượng nhập khẩu ngô tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á và cũng nhà nhập khẩu ngô lớn nhất trong khu vực kể từ niên vụ 2018/19. Từ năm 2012, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu ngô lớn thứ 19 lên vị trí thứ 5 thế giới.
Thông tin trên báo Chính Phủ, trên thị trường nội địa, lượng hàng từ tháng 7,8,9 đã đủ cho 70% nhu cầu, các nhà máy không còn nhiều dư địa để mua thêm. Đối với hàng giao cuối năm nay và đầu năm sau, tại cảng Cái Lân, giá chào ngô Nam Mỹ hiện đã giảm xuống trong khoảng 6.300-6.500 đồng/kg.
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Trung tâm tin tức hàng hóa Việt Nam cho biết: “Các doanh nghiệp sản xuất đang kỳ vọng giá nông sản thế giới sẽ giảm thêm trong bối cảnh nhu cầu thế giới suy yếu, vụ gieo trồng Mỹ vẫn thuận lợi. Ngoài ra, thị trường cũng chờ đợi nguồn cung từ Ấn Độ cập cảng nhiều hơn cũng sẽ tạo áp lực tới giá ngô nội địa”.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Brazil là thị trường chủ đạo cung cấp ngô cho Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023, chiếm trên 48,2% trong tổng lượng nhập khẩu ngô của cả nước. Thị trường lớn thứ hai là Argentina, trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 682.552 tấn, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thay vì nhập khẩu ngô từ Nam Mỹ như trước đây, Ấn Độ đang là lựa chọn thay thế với mức giá rẻ hơn. Tính trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 584.847 tấn ngô Ấn, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ hội cho ngành chăn nuôi
Theo báo Chính Phủ, bên cạnh chi phí sản xuất cao, giá thịt lợn thấp và dịch bệnh cũng là các mối đe dọa đã cản trở ngành chăn nuôi tăng trưởng trong nửa đầu năm 2023. Thời gian gần đây, thị trường lợn hơi đang sôi động trở lại và dự báo cho triển vọng khả quan cho đầu ra của các doanh nghiệp chăn nuôi. Trong những ngày cuối tháng 5, giá lợn hơi có thời điểm đã vượt mốc 60.000 đồng/kg, tăng 17% so với hồi đầu năm.
Hai năm liền chi phí thức ăn tăng cao, giá lợn giảm kéo theo nhiều hộ chăn nuôi chịu lỗ và phải ngừng hoạt động tái đàn, doanh nghiệp lớn chưa có kế hoạch mở rộng quy mô đàn lợn. Nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại giúp giá lợn hơi đang dần hồi phục.
“Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thị trường thế giới đang hạ nhiệt, trong khi phí vận chuyển về Việt Nam cũng đang giảm xuống do giá dầu thô cũng giảm mạnh trong thời gian gần đây. Cùng với đó, giá thành các sản phẩm đầu ra cũng có dấu hiệu gia tăng sẽ là những tín hiệu khả quan cho ngành chăn nuôi trong nửa cuối năm 2023, sau 2 năm trải qua giai đoạn khó khăn”, ông Phạm Quang Anh đánh giá.
Nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được hơn 40% nhu cầu đối với các loại nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Điều này cũng dẫn tới sự phụ thuộc của ngành chăn nuôi với thị trường nông sản thế giới.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu trung bình 20 – 22 triệu tấn nguyên liệu. Trong đó, ngô chiếm khoảng 50% và lúa mì chiếm khoảng 10% khối lượng các lô hàng trên.
M.H (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-nguyen-lieu-thuc-an-chan-nuoi-du-bao-tiep-tuc-xu-huong-giam-a616472.html