Tin vui giá gạo xuất khẩu tiếp đà tăng
Theo số liệu trên TTXVN, giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuần qua tiếp tục duy trì đà tăng. Cùng với đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 640 – 645 USD/tấn so với mức từ 625 – 630 USD/tấn trong tuần trước.
Đáng chú ý, nhu cầu cao của Indonesia được cho là đã làm tăng giá gạo của Việt Nam.
Cụ thể, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá nhiều loại lúa đều tăng khá so với tuần trước như: Đài thơm 8 từ 8.800 – 9.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá từ 8.800 – 9.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; OM 5451 từ 8.700 – 8.900 đồng/kg, IR 50404 từ 8.600 – 8.800 đồng/kg đều tăng từ 400 – 600 đồng/kg; OM 18 ở mức từ 8.700 – 8.800 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; riêng lúa Nhật vẫn ổn định từ 7.800 – 8.000 đồng/kg;
Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức từ 9.500 – 9.800 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.400 – 9.600 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Bên cạnh đó, với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 12.000 – 14.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 16.000 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…
Trong khi đó tại Đồng Tháp, giá lúa chất lượng cao được thương lái mua tại ruộng với giá 8.800 đồng/kg, có nơi 9.000 đồng/kg, cao hơn so cùng kỳ năm 2022 từ 2.000 – 2.500 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, vụ lúa Thu Đông ở Đồng Tháp lãi hơn 30 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so cùng kỳ năm 2022.
Đa số diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông được bà con nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao để sản xuất như: giống lúa Đài thơm 8, OM 18, OM 4900, OM 5451 chiếm hơn 70% diện tích.
Vụ lúa Thu Đông năm 2023, tỉnh Đồng Tháp xuống giống được 121.968 ha/116.000 ha, đạt 105,1% so với kế hoạch, lúa thu hoạch gần dứt điểm, năng suất bình quân 60,8 tạ/ha.
Cùng với giá lúa trong nước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên từ 640 – 645 USD/tấn so với mức từ 625 – 630 USD/tấn trong tuần trước.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với báo Quân Đội Nhân Dân, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 9 tháng, cả nước đã thu hoạch 33,6 triệu tấn lúa, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL gieo cấy 625,7 nghìn ha lúa Thu Đông, tăng 8,8%. Hiện nay, một số diện tích lúa Thu Đông đã cho thu hoạch trong bối cảnh “được mùa được giá”, nông dân thu lợi nhuận tốt.
Đặc biệt, riêng khu vực ĐBSCL, năm 2023 diện tích trồng lúa ước đạt trên 3,8 triệu ha, tăng hơn 13 nghìn ha; năng suất ước đạt 62,81 tạ/ha, tăng 0,88 tạ/ha và sản lượng ước đạt gần 24 triệu tấn, tăng 416 nghìn tấn so với năm 2022.
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, vụ lúa Đông Xuân năm 2023-2024, ĐBSCL sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha. Để tránh hạn mặn ở một số vùng ven biển, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ và do giá lúa đang ở mức cao, Cục Trồng trọt khuyến cáo nông dân bắt đầu xuống giống từ ngày 10/10/2023. Như vậy, với kế hoạch gieo sạ vụ lúa Đông Xuân sớm trong tháng 10 thì đến tháng 1/2024, Việt Nam sẽ tiếp tục có gạo vụ mới bán. Đây là điều kiện thuận lợi đối với các doanh nghiệp trong vấn đề tìm đối tác, thị trường để xuất khẩu gạo.
Trao đổi với báo Công Thương, ông Nguyễn Văn Đôn – Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, lịch sử xuất khẩu gạo 34 năm qua ghi nhận 3 con số kỷ lục về sản lượng, giá trị và giá xuất khẩu bình quân vào năm 2011 lần lượt là 7,1 triệu tấn; 3,65 tỉ USD và 495 USD/tấn. Việc này phản ánh đúng với tình hình và thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Năm nay, mặc dù sản lượng gạo xuất khẩu không nhiều hơn nhưng do giá gạo xuất khẩu tăng cao, kéo giá trị xuất khẩu gạo tăng cao kỷ lục.
Năm ngoái, chúng ta xuất khẩu được khoảng hơn 7 triệu tấn, dự kiến năm nay xuất khẩu tối đa được khoảng 7,8 – 7,9 triệu tấn do diện tích trồng không tăng lên nhiều. Với giá xuất khẩu khoảng 580 – 600 USD/tấn, xuất khẩu gạo dự kiến sẽ mang về khoảng 5 tỷ USD. Con số này cao hơn so với những năm khác khá nhiều.
Tình hình thế giới: “Vựa lúa” hàng đầu châu Á này gần đây đã gia hạn thuế xuất khẩu
Thời gian qua, giá gạo đồ xuất khẩu của Ấn Độ cũng đã giảm tuần thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh “vựa lúa” hàng đầu châu Á này gần đây đã gia hạn thuế xuất khẩu đối với gạo đồ đến tháng 3/2024, làm giảm nhu cầu.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống còn từ 495 – 505 USD/tấn từ mức 510 – 520 USD/tấn trong tuần trước. Ngày 13/10, Ấn Độ đã gia hạn thuế 20% đối với gạo đồ xuất khẩu cho đến tháng 3/2024.
Ngoài ra, một nhà xuất khẩu tại New Delhi cho biết giá gạo đang giảm do nguồn cung từ vụ mùa mới. Điều này cho phép các nhà xuất khẩu giảm giá bán gạo. Các nguồn tin chính phủ và ngành cho biết New Delhi dự kiến sẽ giảm giá sàn ấn định cho xuất khẩu gạo basmati sau khi nông dân và nhà xuất khẩu phàn nàn rằng điều này gây tổn hại đến thương mại.
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago, các mặt hàng nông sản giao dịch ngược chiều nhau, trong đó giá ngô và đậu tương tăng, còn lúa mỳ giảm.
Việt Nam xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, trong nước vẫn không lo thiếu
Trước đó ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) chia sẻ với báo Thanh Niên xung quanh vấn đề xuất khẩu gạo Việt Nam.
Theo ông Cường, kế hoạch năm nay, cả nước gieo cấy 7,1 triệu ha, sản lượng dự kiến đạt trên 43 triệu tấn lúa. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được khi theo tính toán hiện nay, sản lượng lúa có thể đạt 43,1 – 43,2 triệu tấn, thậm chí có những kịch bản còn cao hơn.
Để tận dụng, nắm bắt thời cơ xuất khẩu gạo, Cục Trồng trọt đã bố trí nâng diện tích trồng lúa trong vụ thu đông ở ĐBSCL lên 700.000 ha, trong khi theo kế hoạch từ đầu năm là khoảng 650.000 ha.
Ông Cường cũng nhấn mạnh năm 2022, Việt Nam có sản lượng lúa trên 42 triệu tấn thì xuất khẩu được 7,13 triệu tấn gạo. Còn năm nay, dự kiến sản xuất được trên 43 triệu tấn lúa (thậm chí có kịch bản còn nhiều hơn) thì đương nhiên có thể xuất khẩu gạo vượt kỷ lục của năm 2022. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo. Hiện nay, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo nhưng sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực trong nước.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-gao-xuat-khau-tiep-da-tang-nhung-con-so-an-tuong-va-du-bao-a633377.html