noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngKinh tế vĩ môGiá gạo biến động, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam...

    Giá gạo biến động, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục mới

    8 tháng qua, các nước ở châu Á, Trung Đông, Tây Phi đổ xô mua gần 6 triệu tấn gạo Việt dù giá cao.

    Giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua vẫn duy trì ở mức cao

    Theo TTXVN, giá lúa gạo khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tuy có giảm ở một số địa phương nhưng nhìn chung vẫn duy trì ở mức cao do nguồn cung lúa Hè Thu cạn dần, lúa Thu Đông thu hoạch chưa nhiều. 

    Cụ thể, tại An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, giá các loại lúa như: OM 18 từ 7.800 – 8.200 đồng/kg, Đài thơm 8 ổn định ở mức từ 7.800 – 8.200 đồng/kg; OM 5451 từ 7.700 – 8.100 đồng/kg; nàng Hoa 9 giá 8.200 – 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.700 – 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg.

    Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 – 9.450 đồng/kg.

    Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ, gạo thường có giá từ 13.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 15.500 – 17.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 16.000 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 19.000 đồng/kg…

    Trong khi đó, trong tuần qua, giá lúa ở thị trường tỉnh Trà Vinh giảm bình quân từ 500 – 800 đồng/kg, tùy theo chất lượng và giống lúa. Cụ thể, các giống lúa phẩm chất gạo ngon, đạt chuẩn xuất khẩu, như: OM 5451, OM 4900, Đài thơm 8… được thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng từ 7.600 – 7.800 đồng/kg; các giống lúa không đạt chuẩn xuất khẩu siêu Hàm Trâu, Ma Lâm 202 được thu mua từ 7.300 – 7.500 đồng/kg.

    Vụ lúa Hè Thu năm 2023, toàn tỉnh Trà Vinh gieo sạ hơn 68.000 ha. Hiện nông dân đã thu hoạch xong hơn 40.000 ha, năng suất đạt bình quân 5,3 tấn/ha, Tuy giá lúa trong những ngày gần đây giảm, nhưng bình quân nông dân trồng lúa vẫn có lợi nhuận từ 2.500 – 3.000 đồng/kg lúa thương phẩm.

    Tại tỉnh Đồng Tháp, vụ lúa Thu Đông 2023 xuống giống 121.189 ha, tăng khoảng 11.000 ha so với vụ Thu Đông 2022. Do thị trường tiêu thụ lúa ổn định, giá bán ở mức khá cao nên nhiều diện tích không chuyển đổi sang trồng hoa màu và một số ô bao không thực hiện xả lũ vụ Thu Đông 2023 để tiếp tục xuống giống. Năng suất vụ Thu Đông ước đạt bình quân 67 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 3,33 triệu tấn (tăng 27.887 tấn so với cùng kỳ năm 2022).

    Bên cạnh đó, vụ lúa Đông Xuân 2023 – 2024 ở Đồng bằng sông Cửu Long được bắt đầu sớm, từ ngày 10/10 xuống giống và bước vào tháng 1/2024 sẽ thu hoạch. Trong khi đó, vụ Thu Đông 2023 đã bắt đầu thu hoạch kéo dài đến tháng 12/2023. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ thị trường xuất khẩu gạo.

    Kinh tế vĩ mô - Giá gạo biến động, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt kỷ lục mới

    Ảnh minh họa.

    Giá gạo gần đây giảm nhưng vẫn cao hơn cách đây 2 tháng khoảng 100 USD/tấn

    Trong 8 tháng qua, các nước ở châu Á, Trung Đông, Tây Phi đổ xô mua gần 6 triệu tấn gạo Việt dù giá cao. Số liệu sơ bộ mới nhất từ Hải quan cho thấy, tháng 8, Việt Nam đã xuất bán 921.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 546 triệu USD, tăng 40% về lượng và 51% về giá trị so với tháng 7.

    Đặc biệt, lũy kế 8 tháng, nước ta xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 35% về giá.

    Theo Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá xuất khẩu gạo bình quân trong tháng 8/2023 cao hơn cùng kỳ năm ngoái đến 23,3%; khối lượng xuất khẩu tăng 22%.

    Trước tình hình giá lúa gạo trên thế giới còn ngiều biến động, Bộ Công Thương dự báo 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới.

    Mặc dù những ngày qua, giá gạo xuất khẩu trên thế giới có sự giảm nhẹ, nhưng trong bối cảnh chung về tình hình lương thực và xu hướng hạn chế xuất khẩu gạo của một số quốc gia thì thị trường gạo thế giới sẽ còn biến động theo hướng tăng trở lại.

    Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, nhu cầu của thị trường thế giới đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.

    Thời gian gần đây, các nhà nhập khẩu gạo trên thế giới mua hàng chậm lại khiến giá gạo xuất khẩu đi xuống, nhưng vẫn cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với thời điểm 2 tháng trước.

    Báo Người Lao Động dẫn nguồn Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu chốt phiên giao dịch cuối tuần này là 613 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 598 USD/tấn đối với gạo 25% tấm, cùng giảm đến 30 USD/tấn so với mức giá đỉnh được xác lập ngày 31/8.

    Không chỉ gạo Việt Nam mà gạo xuất khẩu của Thái Lan, Pakistan cũng giảm về mức 611 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 608 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

    Thị trường thế giới đang có nhiều thông tin tích cực đối với người bán. Cụ thể như, Philippines bỏ chính sách áp giá trần, Indonesia mở thầu 300.000 tấn gạo, Việt Nam chưa đến vụ thu hoạch chính… Vậy, vì sao giá gạo xuất khẩu lại giảm?

    Chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo quốc tế, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến giá gạo xuất khẩu sụt giảm mạnh là do cầu giảm.

    Đáng chú ý Philippines – thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam đang mua hàng chậm lại vì thương nhân đang chờ chính phủ chốt phương án giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 35% xuống 10% như đề xuất. Mức giảm thuế suất khá mạnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của thương nhân. Trong khi đó, tạm thời thương nhân vẫn còn hàng để cung cấp ra thị trường nên chưa vội mua vào.

    Thị trường châu Phi và Trung Quốc vẫn còn tồn kho nên cũng nhập khẩu ở mức hạn chế trong bối cảnh giá lúa gạo bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua.

    “Giá gạo tuy có giảm so với giá đỉnh nhưng vẫn ở mức cao. Ví dụ, gạo 5% tấm hiện nay có giá cao hơn so với trước ngày 20-7, thời điểm Ấn Độ cấm xuất khẩu. Đây vẫn là mức giá rất tốt. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao”, bà Hương nhận định.

    Trong khi đó, một lãnh đạo VFA cho hay thị trường đang gián đoạn trong thời gian ngắn để khớp giá. Thực tế, dù cần hàng nhưng khi giá bị đẩy quá cao, các nhà nhập khẩu cũng không dễ dàng chấp nhận. Xu thế chung là giá gạo trong thời gian tới vẫn ở mức cao khi nhiều nước bị mất mùa, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ dự kiến còn kéo dài đến năm 2024.

    Theo các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo của nước ta năm nay được dự báo sẽ đạt kỷ lục mới khi vừa tăng về sản lượng, vừa tăng về giá trị xuất khẩu. Nhận định thị trường lúa gạo sẽ tiếp tục nóng từ nay đến cuối năm và sang đầu năm tới. Chính vì thế, sản xuất vụ Đông Xuân vụ lúa lớn nhất trong năm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang được kỳ vọng sẽ tiếp tục thắng lợi cho người dân, doanh nghiệp.

    Gạo là mặt hàng lương thực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hàng năm mang về khoảng 3,5-4 tỷ USD, đóng góp lớn vào GDP ngành nông nghiệp.

    Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, cả nước gieo trồng được 7,1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 6,07 tấn/ha, sản lượng đạt trên 43,1 triệu tấn, tăng 452.000 tấn so với năm 2022. Với sản lượng lúa dự kiến như trên, ngoài bảo đảm an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023, theo báo Chính Phủ.

    Trúc Chi (t/h)

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU