Giá cao chưa từng thấy
Cuối tháng 1/2024, giá cà phê tại thị trường trong nước tiếp tục xu hướng điều chỉnh tăng đồng loạt. Theo ghi nhận, mức giá cao nhất hiện tại là 77.400 đồng/kg khi các địa phương đang thu mua cà phê với giá trong khoảng 76.500 – 77.400 đồng/kg.
Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá thấp nhất là 76.500 đồng/kg – tăng 400 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai và với giá 77.000 đồng/kg – tăng 500 đồng/kg.
Song song đó, tỉnh Đắk Lắk có giá là 77.100 đồng/kg và tỉnh Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch là 77.400 đồng/kg – cao nhất trong các địa phương. Có thể thấy, 2 địa phương này cùng tăng 500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Hữu Lân (ngụ huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm nay dù mất mùa nhưng giá cà phê đạt đỉnh cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây khiến không ít người nông dân như ông phấn chấn, dốc toàn lực thu lãi để chuẩn bị cho vụ mùa sau.
Với diện tích 1ha cà phê, vụ mùa này, ông Lân đã thu được 3 tấn thành phẩm. Tuy không được mùa như mọi năm nhưng ông Lân may mắn bán được cà phê giá lên tới 71 triệu đồng/tấn, cao nhất từ khi bắt đầu trồng loại nông sản này, mức giá này cao gần gấp đôi cùng kỳ vụ mùa năm ngoái.
Theo Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, với diện tích khoảng 210.000ha, hàng năm tỉnh thu hoạch hơn 520.000 tấn cà phê, chiếm trên hơn 30% sản lượng cà phê toàn quốc.
Còn ông Lê Huy Quang (ngụ thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) cho hay, nhà ông trồng 1ha cà phê Robusta, thu hoạch tháng 11-2023 với hơn 3 tấn, giá 60.000 đồng/kg. Gần đây, thương lái tăng giá thu mua lên đến 70.000 đồng/kg.
Theo ông Quang, với giá cà phê 70.000 đồng/kg, nhà vườn lãi 130 – 140 triệu đồng/ha – mức lãi cao chưa từng thấy. Do đó, làn sóng xen canh các loại cây ăn trái như: sầu riêng, bơ, chanh leo… trong vườn cà phê cũng giảm. Nhiều nông dân tiếp tục mở rộng vườn trồng cà phê bởi kỳ vọng thắng tiếp ở những năm sau.
Tại tỉnh Kon Tum, bà Lê Thị Hạnh cho biết vừa bán 12 tấn cà phê với giá 73.000 đồng/kg. Vụ trước, bà Hạnh thu hoạch được 15 tấn cà phê nhưng chỉ bán với giá 45.000 đồng/kg. Năm nay, sản lượng sụt giảm nhưng giá cao bù lại nên tính ra, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.
Số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cà phê năm 2023 đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2022; nhưng kim ngạch đạt mức cao kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD, tăng 4,6%. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong năm 2023 đạt 2.614 USD/tấn, tăng 14,5% so với năm 2022.
Không dừng lại ở đó, các chuyên gia tin rằng, xuất khẩu cà phê sẽ tiếp tục thiết lập kỷ lục mới trong năm nay, khi mặt hàng này còn nhiều dư địa để duy trì mức giá cao.
Trong đó, giá cà phê Robusta trên thị trường thế giới được dự báo sẽ không giảm cho đến khoảng hết nửa đầu năm 2024 do lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng căng thẳng trên biển Đỏ; giá cà phê Arabica cũng chưa thể giảm do tồn kho đạt chuẩn vẫn đang rất thấp.
Doanh nghiệp xoay xở theo thị trường
Tại Việt Nam, Hiệp hội Cà phê, Ca cao ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2023/2024 cũng sẽ giảm thêm 10% so với vụ trước. Vì vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp xuất khẩu cần cân đối các đơn hàng để bảo đảm hợp đồng.
Thuộc top đầu cả nước về xuất khẩu cà phê, đại diện Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (tỉnh Gia Lai) cho biết, doanh nghiệp đã đánh giá tình hình thiếu hụt và mất mùa từ nông dân và lập kế hoạch sản xuất kinh doanh theo sản lượng niên vụ này.
Đồng thời, giữ chặt mối liên hệ hợp tác xã – nông dân liên kết để bảo đảm nguồn cung cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu đối tác cho thị trường.
Còn ông Nguyễn Trọng Ngọc, chủ doanh nghiệp kinh doanh cà phê lâu năm ở huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, năm ngoái, thời điểm tháng 1, doanh nghiệp của ông đã thu mua gần 600 tấn cà phê nhân, tổng tiền vốn huy động khoảng 24 tỷ đồng.
Niên vụ năm 2023 – 2024 này, dù cà phê trong dân rất nhiều, tiền vốn không thiếu, nhưng doanh nghiệp mới chỉ thu mua rất ít.
Theo ông Ngọc, một phần nguyên nhân là người dân có tâm lý găm hàng chờ giá tăng, phần khác là giá cà phê biến động với biên độ lớn, doanh nghiệp cảm nhận được nhiều rủi ro. Cụ thể, từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 12/2023, cà phê có những mạch tăng giá 7 ngày liên tiếp, nhưng cũng có mạch giảm giá 1 tháng liên tiếp, có ngày giảm đột ngột tới 7 triệu đồng/1 tấn.
Trong tháng 12/2023 vừa qua, giá cà phê cơ bản giữ mức tăng, có lúc lên gần 70 triệu đồng/tấn, nhưng đầu tháng 1/2024 lại trong xu thế giảm và hiện cuối tháng 1/2024 lại đang tăng. Ông Ngọc cho rằng, trong lúc thị trường lên xuống thất thường như hiện nay, doanh nghiệp bằng lòng với trạng thái mua bán cầm chừng.
“Cà phê rất nhạy cảm và rủi ro, có thể giá xuống bất chợt doanh nghiệp sẽ lỗ. Nếu theo giá thị trường giữ doanh nghiệp sẽ lãi một chút không sẽ hòa vốn. Nói chung kinh doanh cà phê theo từng giai đoạn thị trường và theo cảm nhận của mỗi doanh nghiệp, mua trước bán sau nên tuân theo quy luật thị trường”, ông Ngọc chia sẻ.
Định hướng của Bộ NN&PTNT đối với cà phê là mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê Việt Nam.
Để làm được điều này, ngành cà phê cần được quan tâm đồng bộ với giải pháp tổng thể, trong đó, đẩy mạnh sản lượng và chất lượng vùng cà phê nguyên liệu, đồng thời, gia tăng tỷ lệ chế biến sâu. Đặc biệt, các địa phương cần quy hoạch vùng cà phê trọng điểm; đẩy mạnh tái canh, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững mới đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu gắt gao của các thị trường hiện nay.
Thực tế, nhiều vùng trồng cà phê của Việt Nam đang chủ động tái canh, đưa các giống cà phê chất lượng, năng suất tốt vào chế biến. Bộ NN&PTNT đang cùng các địa phương có diện tích trồng cà phê lớn tiến hành khảo sát, quy hoạch vùng gắn với định danh vùng trồng, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu từ quá trình gieo trồng.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, cả nước sẽ tái canh 75.000ha, ghép cải tạo 32.000ha cà phê, trong đó cà phê Arabica chiếm khoảng 20% tổng diện tích. Ngoài ra, hầu hết diện tích cà phê tái canh được trồng bằng giống mới có năng suất cao và chất lượng vượt trội.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-ca-phe-tang-nong-dan-phan-khoi-doanh-nghiep-vua-mung-vua-lo-a647853.html