Tin vui giá cà phê tăng giá
Số liệu trên VTV cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà phê 4 tháng đầu năm đã đạt 1,7 tỷ USD, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cà phê xuất khẩu cũng có xu hướng tăng, bình quân đạt hơn 2.250 USD/tấn.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 4/2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 163,6 nghìn tấn, trị giá 398,76 triệu USD, giảm 22,2% về lượng và giảm 17,3% về trị giá so với tháng 3/2023, so với tháng 4/2022 tăng 6,3% về lượng và tăng 3,9% về trị giá. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt 716,58 nghìn tấn, trị giá 1,627 tỷ USD, giảm 5,5% về lượng và giảm 4,0% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 2.437 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 3/2023 và tăng 5,9% so với tháng 4/2022. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt mức 2.271 USD/tấn, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia nhận định, xuất khẩu cà phê Việt Nam đang nhận được hỗ trợ tốt từ việc giá giao dịch và nội địa duy trì ở mức cao kỷ lục để hướng tới mục tiêu duy trì kim ngạch năm 2023 ở mức 4 tỷ USD.
Theo Công Thương, giá cà phê tại tỉnh Gia Lai, tỉnh Kon Tum đứng ở mức giá 59.900 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông, cà phê được thu mua với giá cao kỷ lục 60.000 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Giá cà phê thời gian gần đây tại tỉnh Đắk Lắk tăng 300 đồng/kg, tại huyện Cư M’gar giá cà phê hiện ở mức 59.900 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H’leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 60.000 đồng/kg.
Tước đó trao đổi với Thanh Niên, chị Nguyễn Thị Trang, chủ vườn cà phê tại Krông Nô cho biết, năm nay may mắn giá cao ngay đầu vụ nên nông dân thu hoạch cà phê bán có lãi. Tuy nhiên, so với các năm trước năm nay thời tiết thất thường đặc biệt là mưa trái mùa nhiều đúng vài giai đoạn trổ bông nên năng suất giảm khoảng 500 – 700 kg/ha, chỉ còn khoảng 3,5 – 3,7 tấn/ha.
Nguyên nhân giá cà phê tăng chóng mặt là gì?
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá và sản lượng xuất khẩu cà phê gần đây tăng do thiếu nguồn cung. Thời gian qua, Việt Nam đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Robusta. Nhu cầu về cà phê Robusta những năm gần đây liên tục tăng, trong khi sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam đang giảm khoảng 10-15% khiến nguồn cung thiếu hụt.
Ngoài ra, tình hình lạm phát thời gian qua làm cho giá nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, nhất là giá vật tư nông nghiệp tăng từ 2-3 lần làm giá thành sản xuất, chế biến cà phê tăng cao dẫn đến giá bán tăng.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này trên TTXVN, ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), đơn vị xuất khẩu gần 101.000 tấn cà phê nhân năm 2022 cho biết, Simexco Đắk Lắk dự đoán giá cà phê tăng trong mức kỷ lục của 15 năm qua là 56.000 đồng/kg cà phê nhân, tăng đến mức giá như hiện nay là không lường trước được.
Thời điểm này, hầu như cà phê trong dân không còn, doanh nghiệp do chịu áp lực tài chính nên mua đến đâu bán đến đó, ít doanh nghiệp còn trữ hàng để bán. Đặc biệt, một số doanh nghiệp còn hàng trong kho thì hầu như đã chốt đơn hàng, chốt giá, chỉ còn khâu giao hàng. Do đó, một số nhà xuất khẩu đối mặt với tình trạng thiếu hàng, không đủ hàng để giao trong những tháng cuối năm.
Lý giải về sản lượng cà phê Robusta của Việt Nam giảm 10-15%, theo ông Lê Đức Huy, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân đầu tư tái canh hạn chế nên sản lượng cà phê giảm. Bên cạnh đó, do cơn sốt đất ở Tây Nguyên năm 2021-2022, giá đất nông nghiệp tăng quá cao, tâm lý làm nông không còn quan trọng dẫn đến nông dân đầu tư chăm sóc kém vườn cà phê. Không chỉ vậy, những năm qua, giá cà phê không cao, nhu cầu về quả sầu riêng năm 2022 tăng mạnh dẫn đến nhiều hộ dân chuyển diện tích trồng cà phê sang trồng sầu riêng.
Trong khi đó, đánh giá về việc giá cà phê tăng cao, ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Công bằng Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), cho biết giá tăng kéo theo vốn sản xuất của hợp tác xã tăng 20-30%. Song giá cà phê tăng cao, về lâu dài, người nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Quan trọng nhất là giá cà phê tăng, người dân không chuyển sang trồng sầu riêng nữa, cố gắng chăm sóc vườn cây, đầu tư tốt hơn sẽ cho năng suất tốt.
Với 43/49 thành viên là hộ dân tộc thiểu số, hợp tác xã tiếp tục khuyến cáo thành viên và nông dân trồng giống mới, kháng bệnh, chất lượng tốt, năng suất cao và chuyển dần sang cà phê hữu cơ.
“Khi nông dân chung tay cùng hợp tác xã sản xuất cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản thì hợp tác xã luôn thu mua giá cao cho nông dân, không lo giá cả thị trường biến động. Khi chất lượng tốt, người bán quyết định giá bán cà phê, không phải người mua quyết định giá”, ông Trần Đình Trọng nhấn mạnh.
Cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam
Trong những năm qua, cà phê là một trong những sản phẩm nông sản xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sản xuất cà phê cũng phát thải lượng carbon lớn, bởi phương thức canh tác kém bền vững, lạm dụng vật tư đầu vào. Theo đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, đồng thời nâng giá trị cà phê xuất khẩu, tại nhiều vùng trồng ở Tây Nguyên, nhiều phương thức canh tác mới đã được áp dụng để sản xuất bền vững hơn, mang lại giá trị cao hơn cho nông dân.
Những vườn cà phê trồng xen canh hồ tiêu và sầu riêng đã trở nên quen thuộc với bà con nông dân Xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk. Những khu vườn đa tầng, đa giá trị, hạn chế tình trạng bốc thoát hơi nước, nhờ vậy cà phê phát triển xanh tốt mà không cần tốn nhiều công chăm sóc.
Cà phê cảnh quan là phương thức canh tác đã được triển khai từ năm 2018 ở Tây Nguyên, góp phần giảm 14% lượng phân bón, giảm 16% lượng nước tưới, giảm 11% chi phí sản xuất và giảm 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Giá trị sản phẩm sau thu hoạch từ đó cũng tăng lên tới 20%.
Cà phê sau thu hoạch sẽ được phơi trong hệ thống nhà màng để tránh tối đa tác động của thời tiết, ẩm mốc. Chính vì vậy, mùa vụ của bà con nơi đây có thể kết thúc muộn hơn, quy trình sơ chế cầu kì tốn công sức hơn, nhưng nông dân luôn yên tâm về chất lượng cũng như đầu ra cho sản phẩm.
Thông tin thêm trên VTV, diện tích trồng cà phê của Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 710.000 ha, trong đó có 50% là cà phê có tín chỉ, cho giá trị xuất khẩu cao.
Để tiếp tục giữ vững giá trị xuất khẩu cà phê, nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu trong bối cảnh thị trường ngày một đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. “Để tiếp tục nâng cao chất lượng cà phê, chúng ta phải tiếp tục cải thiện được hệ thống phơi sấy của các hộ nông dân và hệ thống chế biến của các doanh nghiệp để chuỗi sản xuất về giống, canh tác, sơ chế, bảo quản, chế biến… có các yếu tố kỹ thuật tốt nhất, nâng cao chất lượng cà phê thời gian tới”, ông Lê Văn Đức,Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Thông tin bên lề, lũy kế xuất khẩu cà phê kể từ đầu năm đến ngày 15/5 tại Việt Nam ở mức 778.986 tấn, thấp hơn so với 795.814 tấn của cùng kỳ năm 2022, phản ánh tình trạng hạn chế bán hàng ra thị trường của nông dân.
Bên cạnh đó, sản lượng Robusta trong niên vụ 2023-2024 tại Brazil và Indonesia đều được dự báo giảm, khiến nông dân thận trọng trong việc đẩy mạnh nguồn cung ra thị trường. Cụ thể, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ chính phủ Brazil (CONAB) ước tính sản lượng niên vụ 2023/24 ở mức 16,81 triệu bao, giảm 7,6% so với năm 2022. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng ước tính sản lượng cà phê tại Indonesia chỉ 9,7 triệu bao, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011/12.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US nối dài đà giảm giảm từ tháng 02/2023 về mức thấp nhất trong hơn 5 tháng, cùng tiến độ bán hàng niên vụ mới thấp hơn 2% so với mức trung bình lịch sử, làm gia tăng lo ngại tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Trúc Chi (t/h)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/gia-ca-phe-tang-cao-ky-luc-va-bai-toan-phat-trien-ben-vung-a609309.html