Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3 – HoSE: PGV) vừa thông báo chốt quyền trả cổ tức đợt 2 năm 2022 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 7/9/2023.
Tỉ lệ thực hiện là 14.5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ. được nhận 1,450 đồng. Với hơn 1,12 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính EVNGENCO3 cần chi hơn 1.629 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến vào ngày 5/10/2023. Nhờ việc nắm giữ tới 99,2% vốn tương ứng hơn 1,1 tỷ cổ phiếu PGV, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự kiến sẽ nhận về hơn 1.600 tỷ đồng tiền cổ tức đợt này.
Trước đó, vào tháng 2/2023, tổng công ty đã trả cổ tức đợt 1 bằng tiền với tỉ lệ 5,5%, tổng chi gần 618 tỷ đồng. Như vậy, ước tính PGV cần chi khoảng 2,247 tỷ đồng cho 2 đợt trả cổ tức năm 2022, tổng tỉ lệ 20%.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/8, giá cổ phiếu PGV đạt 28.200 đồng/cổ phiếu, tăng 56% so với đầu năm 2023, với khối lượng giao dịch trung bình gần 24.000 cổ phiếu/phiên.
Về kết quả kinh doanh, quý II/2023, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.354 tỷ đồng – là mức doanh thu cao nhất tính theo quý kể từ khi doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Công ty lãi sau thuế đạt 1.104 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong vòng 12 quý kể từ quý II/2020.
Quý II/2023 là thời điểm thủy văn kém thuận lợi, nhiều hồ thủy điện cạn nước, gây ra tình trạng thiếu điện, qua đó làm tăng huy động đối với nhiệt điện. Là doanh nghiệp mạnh về nhiệt điện, sản lượng điện trong quý của PGV cũng nhờ đó tăng cao hơn so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, EVNGENCO3 ghi nhận doanh thu thuần đạt 26.803 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.725 tỷ đồng, lần lượt tăng 18% và 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
EVNGENCO3 sở hữu đa dạng loại hình phát điện gồm nhiệt điện khí, nhiệt điện than, thủy điện và điện mặt trời với tổng công suất xấp xỉ 6.559 MW.
Trong đó, Nhiệt điện Phú Mỹ là đơn vị có công suất lớn nhất (2.540 MW), bao gồm 4 nhà máy nhiệt điện khí là Nhiệt điện Phú Mỹ 1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1, Nhiệt điện Phú Mỹ 2.1 mở rộng và Nhiệt điện Phú Mỹ 4. Các nhà máy nhiệt điện than gồm Nhiệt điện Vĩnh Tân (1.244 MW), Nhiệt điện Mông Dương 1 (1.080 MW).
Cùng đó, EVNGENCO3 còn có Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý và vận hành 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 586 MW trên lưu vực sông Srêpốk; nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Tân 2 (42,65 MW) và các công ty con, công ty liên kết sở hữu nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện công suất lớn.
Doanh nghiệp này đang sở hữu 2 công ty con với tỉ lệ trên 50% đều đang niêm yết cổ phiếu trên sàn gồm Nhiệt điện Bà Rịa (79,56%) và Nhiệt điện Ninh Bình (54,76%). Ngoài ra, EVNGENCO3 cũng nắm giữ trên 30% vốn tại 3 công ty liên kết gồm Thuỷ điện Thác Bà, Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh và Đầu tư và Phát triển Điện Sê San 3A.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/evn-sap-nhan-hon-1600-ty-dong-co-tuc-tu-cong-ty-con-a622330.html