Chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 21/6 đã nhất trí về một gói trừng phạt tiếp theo đối với Nga, chủ yếu nhằm ngăn chặn các nước và bên thứ ba giúp Moscow “lách” những hạn chế thương mại hiện có của EU.
“Hôm nay (21/6), các Đại sứ EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga. Gói này bao gồm các biện pháp nhằm chống lại hành vi lách lệnh trừng phạt và danh sách các cá nhân bị trừng phạt”, Thụy Điển – Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU cho biết trên Twitter.
Sau 10 gói trừng phạt kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái, Brussels hiện đã thiết kế một cơ chế mới: Nếu các nước thứ ba, chẳng hạn ở Trung Á, không tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc không thể giải thích lý do giao thương các loại hàng hóa bị cấm tăng đột ngột, họ có thể phải đối mặt với sự trừng phạt của EU.
Các nước EU đã tranh cãi về gói này kể từ giữa tháng 5 và cuộc tranh cãi có nguy cơ làm lu mờ Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo vào tuần tới.
Một số quốc gia, bao gồm cả Đức, đã lo ngại rằng một cơ chế như vậy sẽ làm tổn hại đến quan hệ ngoại giao, thậm chí đẩy các quốc gia vào vòng tay của Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa vào nhiều biện pháp bảo vệ hơn, giúp trấn an Berlin và các thủ đô khác thuộc EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận chính trị này, nói rằng gói này sẽ giáng một đòn nữa vào nỗ lực chiến tranh của Nga với các hạn chế xuất khẩu được thắt chặt, nhắm vào các thực thể ủng hộ Điện Kremlin.
Cụ thể, gói trừng phạt thứ 11 cấm quá cảnh qua Nga các loại hàng hóa và công nghệ có thể được sử dụng bởi quân đội Nga hoặc giúp ích cho lĩnh vực quốc phòng và an ninh của nước này.
Nó cũng cho phép áp đặt các hạn chế đối với việc bán hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng nhạy cảm cho các quốc gia có thể bán lại chúng cho Nga và mở rộng danh sách hàng hóa bị hạn chế có thể phục vụ quân đội và lĩnh vực quốc phòng của Nga.
Gói này mở rộng việc đình chỉ giấy phép phát sóng tại EU của 5 cơ quan truyền thông Nga do nhà nước Nga kiểm soát.
Để hạn chế hoạt động của các tàu chở dầu thô hoặc sản phẩm dầu mỏ của Nga trên biển để né tránh lệnh cấm của EU, gói này cấm việc tiếp cận các cảng EU đối với các tàu tham gia vận chuyển hàng theo hình thức từ tàu này sang tàu khác nếu có lý do hợp lý để nghi ngờ hàng hóa được chất lên tàu có nguồn gốc từ Nga.
Gói này cũng bổ sung thêm 71 cá nhân và 33 tổ chức bị phong tỏa tài sản ở EU do sự dính líu của họ vào việc trục xuất bất hợp pháp trẻ em Ukraine sang Nga – một cáo buộc mà Moscow đã cực lực bác bỏ.
Minh Đức (Theo Reuters, Politico)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/eu-quyet-khong-de-nga-lach-lenh-trung-phat-a613582.html