Thì, phim “Em và Trịnh”, như ứng mệnh, cũng là hiện thể của tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tôi gọi là mắc kẹt. Mắc kẹt giữa mong muốn của các nhà làm phim trẻ, là làm một phim nghệ thuật, với mục tiêu của người kinh doanh điện ảnh, là làm một phim giải trí nhẹ nhàng, hút khách, tạo được mãi lực phòng vé tốt.
Chưa hết, nó còn là sự mắc kẹt giữa phim tiểu sử và phim ca nhạc. Nếu là phim tiểu sử thì con người (trong phim) của Trịnh Công Sơn quá nông, chẳng có tư tưởng gì ngoài cái tư tưởng luyến ái vơ vẩn các bóng hồng ngẫu nhiên sượt qua đời mình. Nếu là phim ca nhạc thì đây là phim ca nhạc hạng bét – mẫu mực của phim musical, hãy xem “Mamma mia” (Meryl Streep đóng), và “Moulin rouge” (Nicole Kidman đóng) – vì yếu tố ca nhạc thường xuyên không liên quan mấy đến câu chuyện phim đang vận hành.
Mà có vẻ như, thật sự là phim “Em và Trịnh” chẳng định kể lại một câu chuyện xuyên suốt nào hết. Đó chỉ là những mẩu mảnh cuộc đời tình ái của người nhạc sỹ, được đưa vào phim như là những cái cớ để các bài hát của ông được vang lên mà thôi. Nghĩa là, về kịch bản – cái gốc của một tác phẩm điện ảnh phim truyện – thì phim “Em và Trịnh” rất lởm khởm.
Tôi thấy lởm khởm, người khác lại thấy hay. Thì cũng bình thường thôi. Với lại, tôi chẳng quan tâm mấy chuyện đút sữa tươi, câu “anh thó của ông Văn Cao à?” trong phim, cũng như những ỉ ôi của bà Khánh Ly ở ngoài đời, dù rằng bà cự tuyệt việc xem phim này. Nghệ thuật cần phải là ánh trăng lừa dối. Và làm gì có luật nào bắt người ta phải chạy quanh, hỏi hết người thân này đến người nhà kia xem các chi tiết a b c về nhân vật trong phim có đúng thật như thế không? Cứ bịa đi, và lờ họ thẳng cánh. Nhưng phải bịa cho hay. Thế thôi.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/em-va-trinh-mot-tien-thoai-luong-nan-cua-cac-nha-lam-phim-tre-a558480.html