Trong buổi tọa đàm “Thích ứng với đại dịch nhìn về tương lai” do Người Đưa Tin tổ chức. Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế; Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh; Dược sĩ, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã cùng ngồi lại đánh giá về đợt dịch vừa qua và đưa ra những giải pháp để thích ứng với đại dịch.
Các chuyên gia cho rằng, đại dịch xảy ra cũng là cơ hội để tổng kết, nhìn nhận lại mọi vấn đề từ quản lý, kỹ năng chuyên môn của ngành y tế. Ngoài những hạn chế, thì vẫn có những hình ảnh đẹp của người dân Việt Nam, thấy rõ được sự hy sinh, vất vả của đội ngũ bác sĩ tuyến đầu.
Suốt thời gian này, cuộc chiến chống đại dịch của Việt Nam cũng đã đạt được sự ghi nhận của bạn bè quốc tế.
Trong buổi toạ đàm, ông Vũ Mạnh Cường đã nhìn lại những đợt dịch trong 2 năm qua: “Đợt dịch thứ nhất, diễn ra vào tháng 1/2020, giai đoạn này thế giới không có vắc-xin và phương pháp điều trị. Tuy nhiên, chúng ta đã kịp thời áp dụng kinh nghiệm phòng chống dịch SARC vào trong việc chữa trị đợt dịch đầu tiên.
Giai đoạn đó mặc dù hệ thống y tế đã được đầu tư nhưng cũng chỉ có thể đáp ứng những tình huống y tế bình thường, cho nên có những cái lúng túng trước dịch bệnh mới. Sau đó, chúng ta đã đưa ra chiến lược chống dịch phù hợp trong giai đoạn đó như là 5K”.
Giai đoạn 2 bùng nổ ở Đà Nẵng, bùng phát từ các bệnh viện. Đến đây công tác điều trị được chú trọng hơn, chúng ta đưa đội ngũ tinh nhuệ đến các tỉnh miền Trung để chữa trị. Tổ Covid cộng đồng hỗ trợ đắc lực để khoanh vùng dập dịch. Và nhờ có sự nỗ lực nên chúng ta đã dập được dịch. Vì đợt dịch này, tấn công vào các khu bệnh viện với các bệnh nhân có bệnh nền nặng nên đã có 35 người tử vong trong giai đoạn này.
Đợt dịch thứ 3 diễn ra vào đầu năm nay, Covid-19 tấn công vào các khu công nghiệp. Chúng ta kết hợp thực hiện 5K, phát huy vai trò của tổ Covid trong cộng đồng và chữa trị. Tuy có gần 1.000 bệnh nhân nhưng không ghi nhận ca tử vong nào.
Cuối tháng 4/2021, Việt Nam phải đối mặt với đợt dịch thứ 4 bùng nổ ở các khu công nghiệp và nơi có dân cư cao.
Đợt dịch này xuất hiện biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh hơn; nồng độ virus trong dịch đường hô hấp gấp 1.000 lần so với chủng cũ; chỉ trong 2-3 ngày đã có thêm một vòng lây nhiễm mới (các chủng cũ 5-7 ngày); khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất nhẹ; lây nhiễm xảy ra trước khi bệnh nhân có xuất hiện triệu chứng gây khó khăn cho việc phát hiện. Tỉ lệ lây nhiễm ở mức cao, 1 người nhiễm lây cho 9-10 người, đã xuất hiện các trường hợp lây nhiễm kéo dài (nhiều hơn 14 ngày).
Lần đầu tiên, Việt Nam thí điểm mô hình chữa trị tháp 3 tầng, với tầng đầu là khám chữa bệnh cho người nghi nhiễm đang chờ xét nghiệm khẳng định và người nhiễm không có triệu chứng và người bệnh mức độ nhẹ. Tầng 2 tiếp nhận và điều trị các ca bệnh mức độ vừa và nặng; còn tầng 3 tiếp nhận và điều trị các ca bệnh mức độ nặng và nguy kịch.
Cùng với đó là áp dụng linh hoạt các yếu tố điều trị, xét nghiệm diện rộng chúng ta thu hẹp được nguy cơ, chống dịch.
“Tuy nhiên, khi dịch bùng phát ở khu vực miền Nam đã gây nên làn sóng dịch với 800 nghìn ca nhiễm, 20 nghìn ca tử vong”, ông Cường cho biết.
Chúng ta đã rất linh hoạt trong phương pháp điều trị, để giảm quá tải ở những cơ sở thu dung chúng ta đã cho phép cách ly tại nhà và đề xuất chăm sóc F0 tại nhà thông qua các gói thuốc an sinh.
Thiết lập hệ thống cho dịch vụ y tế đang bị cách ly, trạm y tế lưu động để có thể cấp cứu những bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng.
Thiết lập 5 trung tâm hồi sức tích cực lớn đã triển khai làm nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân nặng và nguy kịch và hướng dẫn cho các bệnh viện tuyến dưới để nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu. Đến tháng 10/2021 chúng ta đã cơ bản khống chế được dịch ở khu vực phía Nam.
Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh đã bày tỏ những cảm xúc của mình: “Trong cuộc đời tôi có 2 lần chứng kiến những sự kiện khủng khiếp. Đó là những năm tháng chiến tranh và giờ đây là đại dịch Covid-19. Có lẽ chưa bao giờ nền kinh tế lại đình trệ, các chuỗi cung ứng đứt đoạn, giao thông bị hạn chế, các chốt chặn hàng rào dựng lên không khác rào làng chiến đấu ngày xưa. Con người không được giao tiếp, đi lại một cách bình thường”.
Nhân loại không có chiến tranh vậy mà như chiến tranh đang xảy ra. Covid-19 như một kẻ thù vô hình, khiến cho con người phải thay đổi về nhận thức. Thay đổi mối quan hệ giữa con người và con người, thay đổi cách chữa bệnh.
Từ sau đại dịch ông Minh đánh giá: “Chúng ta thấy được tình yêu thương “bầu ơi thương lấy bí cùng” của đồng bào. Làn sóng người dân đi về các tỉnh, dọc đường được bà con tiếp nước, tiếp lương thực và tiền để giúp đỡ là những hành động đẹp không thể quên.
Lực lượng đội ngũ y bác sĩ cùng đi vào miền Nam chống dịch là những người vất vả và hy sinh nhất. Họ đã bộ lộ được tinh thần trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc. Những hình ảnh này khiến chúng ta vẫn có thể hy vọng vào cuộc sống bình thường mới”.
Các chuyên gia cho rằng ở đợt dịch lần thứ 4, những thiếu sót, khuyết điểm mà trước đây như ở trong túi gấm chúng ta không nhìn thấy được và giờ đây nó được bộc lộ rõ.
Dược sĩ, nhà văn Trần Thanh Cảnh chia sẻ: “Ngay khi dịch xảy ra ở Vũ Hán, chúng tôi đã là những người báo động đầu tiên về việc dịch bệnh chắc chắn sẽ xảy ra ở Việt Nam. Và qua quá trình quan sát, theo tôi những người làm chính sách vẫn còn nhiều vấn đề, đặc biệt ở đợt dịch thứ 4.
Trong các tạp chí y khoa trên thế giới, đã công bố hiệu quả của việc điều trị bằng thuốc dexamethasone và có thể tránh được “bão cytokine”, ở Việt Nam thuốc này bán rất nhiều và giá rất rẻ. Nhưng khi dịch bùng phát ở Tp. Hồ Chí Minh lại không áp dụng phương pháp này từ sớm để dẫn đến quá tải tại các hệ thống y tế cơ sở, không chăm sóc hết được cho các bệnh nhân. Thực tế, đã có một số quận ở Tp. Hồ Chí Minh đã “vượt rào” để phát thuốc cho người dân và đem lại hiệu quả.
Thế giới chuyển từ “zero Covid-19” sang sống chung với Covid-19 từ rất lâu, và chỉ giãn cách xã hội, cách nhau 2m chứ không dựng rào tất cả các khu vực. Nhưng đến nay sau 4 đợt dịch, chúng ta mới quyết định sống “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bên cạnh đó, việc tập trung đông người để xét nghiệm cũng là những bất cập, khiến cho việc lây lan nhanh hơn”.
Vẫn có nhiều chính sách gây lãng phí, “Tổ chức WHO đã kết luận vi-rút không tồn tại ở ngoài đường phố, khuyến cáo không phun khử khuẩn ngoài môi trường, nhưng ở giai đoạn đầu chúng ta vẫn thực hiện”, ông Cảnh bày tỏ.
Chuyên gia chỉ ra đa phần dịch bùng phát ở các khu đông dân cư, không thông thoáng nên gây ra lây nhiễm diện rộng, nhưng lại khoanh vùng chốt chặn ở những khu vực đó, khiến tốc độ lây lan càng nhanh chóng.
Dược sĩ, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng: “Chúng ta không điều chỉnh kịp thời các phương án chống dịch đối với Tp. Hồ Chí Minh. Sau đợt dịch thứ 3, các cơ quan chuyên môn cũng chưa có những sự chuẩn bị vắc-xin, không đặt trước nguồn vắc-xin. Về năng lực điều trị y tế trong việc đào tạo hồi sức cấp cứu cũng không có những phương án phù hợp”.
Về đội ngũ cố vấn tham mưu, ông Sương Nguyệt Minh bày tỏ: “ Tp. Hồ Chí Minh thành lập tổ tư vấn 7 người nhưng chỉ có 1 người bác sĩ, thì không thể tham vấn được cho lãnh đạo”.
Thông tin về vấn đề này Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và thi đua khen thưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ: “Việt Nam đã sớm liên kết với các đối tác cung cấp vắc-xin trên toàn cầu. Nhưng ở những giai đoạn đầu, họ đều đang trong giai đoạn thử nghiệm, và phải đặt cọc trước một khoản tiền để đầu tư nghiên cứu. Hiện nay, chúng ta chưa có nền tảng pháp lý để làm việc này”.
Theo lịch đầu năm 2021 là thời gian chuyển giao, nhưng thời điểm này vắc-xin là món hàng khan hiếm, và nhiều nước dùng rất nhiều biện pháp để giữ lại vắc-xin và Việt Nam không thuộc diện ưu tiên.
Về vấn đề điều trị, “Trong suốt 4 đợt dịch chúng ta đã thay đổi 7 phác đồ điều trị với những loại thuốc khác nhau. Những loại thuốc đặc trị chữa bệnh phải được hướng dẫn và theo dõi điều trị của các bác sĩ, nên phải hết sức cân nhắc khi triển khai. Chúng ta cũng đã cử hơn 30 cán bộ thuộc cục, vụ, viện trực thuộc Bộ Y tế đến từng địa phương để trực tiếp tham mưu và mang lại hiệu quả tích cực”, ông Vũ Mạnh Cường thông tin.
Trong tương lai, ngoài đại dịch Covid-19 chúng ta sẽ phải đối mặt với rất nhiều đại dịch khác. Hơn nữa, vi-rút sẽ biến chủng không ngừng nên cần phải có những phương án dài hạn.
Dược sĩ, nhà văn Trần Thanh Cảnh cho rằng cần chú trọng đến sức khỏe tự thân giúp miễn dịch với vi-rút: “Theo thống kê của thế giới, trong số những người nhiễm Covid-19 có 80% người không có triệu chứng và có thể tự khỏi, 15% người có triệu chứng nhẹ, số người có triệu chứng nặng rất ít và phần lớn là người có bệnh lý nền. Mặc dù có vắc-xin nhưng đây chỉ nhằm làm giảm các triệu chứng và hạn chế tử vong và cần phải nghiên cứu thêm. Từ đây có thể thấy, việc tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể có vai trò rất quan trọng để chống chọi với dịch bệnh”.
Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh đưa ra những giải pháp về xây dựng hệ thống y tế: “Trước đây, chúng ta đánh giá hệ thống y tế của chúng ta là rất tốt, tuy nhiên sau đợt dịch lần này mới nhiều hạn chế. Khi đối mặt với đại dịch vẫn còn lúng túng cả về mặt quản lý và y tế.
Ngành y tế cần mời chuyên gia về chuyên môn y tế và quản lý để cấu trúc lại nền y tế. Những cái trước đây chưa hình dung ra được thì phải đặt ra vấn đề để cùng nhau giải quyết. Theo tôi nên có chiến lược bảo vệ sức khỏe. Trước hết xem xét hệ thống y tế ở tuyến cơ sở, chăm lo đến nguồn lực”.
Các vấn đề như đào tạo lại đội ngũ y tế mới có những bác sĩ giỏi, cân đối lại công tác dự phòng, tổ chức y tế tuyến cơ sở, kỹ năng hồi sức tích cực… . cần rà soát lại. Từ đó, tổng kết, tìm ra nguyên nhân, và đưa ra những giải pháp phù hợp để trong tương lai có những đại dịch tương tự thì chúng ta sẽ chủ động.
Bên cạnh đó các chuyên gia đề nghị rằng mô hình bác sĩ gia đình cũng cần được chú trọng. Có thể lượng bác sĩ không đủ nhưng có thể thay thế bằng các điều dưỡng, nhân viên y tế có thể theo dõi, nắm thông tin sức khỏe của từng gia đình. Từ đây chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Hoạt động bình thường mới đang dần trở lại để nhanh chóng khôi phục sản xuất, phát triển lại kinh tế. Trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam cần một thời gian dài mới có thể quay lại mức phát triển như trước khi đại dịch diễn ra. Việc kiểm soát dịch bệnh cần sự tham gia của nhiều bên, từ phía cơ quan quản lý cũng như ý thức người dân thì mới có thể đem lại hiệu quả. Giúp thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/e-2-nam-4-dot-dich-da-co-luc-chung-ta-ngu-quen-tren-chien-thang-a531999.html