Hai trăm năm sau ngày cụ Nguyễn viết câu Kiều đó, thật không ai ngờ nó lại đang mang đầy tính thời sự nóng hổi như mấy hôm nay.
Chuyện là thế này. Mới đây, ngành giao thông Hà Nội và đơn vị tư vấn là trường Đại học Giao thông Vận tải vừa hoàn tất Đề án thu phí phương tiện vào nội đô, dự kiến trình UBND Thành phố vào cuối tháng 10.
Đề án nêu dự kiến 68 vị trí với 87 trạm thu phí đặt bên trong ranh giới Vành đai 3, nằm trên các trục đường hướng tâm vào trung tâm Thành phố.
Mặc dù theo như lộ trình thực hiện thì từ năm 2025-2030 mới tổ chức thí điểm việc thu phí, nhưng ngay từ mấy hôm nay, thông tin về Đề án thu phí xe vào nội đô Hà Nội đã vấp phải không chỉ làn sóng phản đối trên mạng xã hội, mà ngay cả báo chí cũng đã đăng tải nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về tính khả thi của Đề án này.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương thu phí ôtô, cấm xe máy là các giải pháp giảm phương tiện cá nhân đã được Hà Nội dự kiến từ nhiều năm. Tuy nhiên, ông nhìn nhận để triển khai chủ trương này, chính quyền Thủ đô sẽ phải đối mặt với hàng loạt bài toán khó.
Trước hết, để giảm được xe cá nhân thì Thành phố phải có một tỉ lệ lớn phương tiện công cộng, giải quyết trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. “Hiện nay, phương tiện công cộng mới đáp ứng được 20% nhu cầu đi lại, do vậy việc thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ”, ông Quyền nói.
Nhận định đề án thu phí xe vào nội đô thiếu tính khả thi, TS. Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông, Đại học Việt Nhật) nêu quan điểm, lâu nay dân số tập trung chủ yếu trong nội đô và phương tiện đi lại bên trong khu vực trung tâm đã đủ gây ùn tắc. Tới đây, nếu Hà Nội chỉ thu phí ở khu vực Vành đai 3, người dân từ ngoài vào trong vành đai không nhiều thì mất phí, còn người dân ở trong không mất phí, vậy đề án này có hiệu quả và công bằng hay không?
TS. Phan Lê Bình cũng phân tích rằng, người đi ô tô cá nhân thường có thu nhập cao, nên nếu mức phí thấp thì họ vẫn chấp nhận trả phí, mục đích giảm xe cá nhân không đạt được. “Mức thu thế nào để thay đổi hành vi của người dân cũng là bài toán khó. Tôi cho rằng, chỉ một vài phần trăm người dân chấp nhận chuyển đổi phương tiện nếu có thu phí vào nội đô, chúng ta không nên kỳ vọng cao về giải pháp này có thể giảm được xe cá nhân”, ông Bình nói.
Tôi luôn thông cảm với lãnh đạo Thành phố và ngành giao thông Hà Nội trong nỗi lo lắng cho nạn tắc đường, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn của ngân sách Nhà nước trong những tháng năm sắp tới sau ảnh hưởng của nạn dịch Covid-19, nên tôi hiểu việc phải lập trạm thu phí vào nội đô như là một chuyện chẳng đặng đừng của chính quyền và ngành giao thông Hà Nội.
Nhưng, ngoài việc ủng hộ các ý kiến phản biện của các chuyên gia kinh tế và giao thông mà tôi đã trích dẫn ở trên, cá nhân tôi, với tư cách là một người đã sống ở Thủ đô hơn nửa thế kỷ, từ thời đi bộ, đi xe đạp, tàu điện, xe máy rồi ô tô cá nhân, tôi thấy có một băn khoăn và khó hiểu như sau:
Theo quy hoạch vùng Thủ đô cho tương lai đến 2030-2045, thì ngoài việc Hà Nội đã sáp nhập cả tỉnh Hà Tây cũ, một số xã của tỉnh Hoà Bình, một vài xã của tỉnh Vĩnh Phúc, thì địa bàn Hà Nội sẽ còn mở rộng không ngừng.
Vậy thì lúc ấy, đường Vành đai 3 mà bản Đề án đang bàn tới cho năm 2025-2030 liệu có còn là ranh giới của nội thành Hà Nội nữa hay không? Hay lúc ấy các đường Vành đai 4, 5, 6 và có thể rộng hơn thế nữa mới là ranh giới nội đô của Hà Nội ?
Khi ấy, viết như một nhà báo mà tôi đọc được hôm qua, thì đường Vành đai 3 mà Đề án lấy làm mốc để thu phí xe vào nội đô có khác gì một “vòng phấn nhốt kiến”? Rồi khi ấy, ngành giao thông và chính quyền Tp.Hà Nội sẽ lại dịch chuyển 87 trạm thu phí ra xa trung tâm hơn nữa cho đúng với ranh giới nội đô. Mà có khi các vị chưa kịp xây xong hết các trạm thu phí thì đã lại lo đi dỡ trạm chuyển chỗ, nhà báo đó viết.
Biết bao nhiêu công sức, tiền bạc của Nhà nước và nhân dân sẽ trở thành những đống xà bần khi đập bỏ đi cả gần trăm trạm thu phí đó. Lãng phí lắm, thưa các quý vị!
Cho nên, theo tôi, chính quyền Thành phố và ngành giao thông Hà Nội hãy hết sức bình tĩnh lắng nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, và đương nhiên là cả ý kiến lo ngại về tính khả thi của Đề án này trong dân chúng, đặc biệt là những người sử dụng xe cá nhân.
Các vị lãnh đạo Thành phố, ngành giao thông Hà Nội đừng để nhân dân Thủ đô và cả nước lại phải tiếp tục chịu đựng thêm một thứ phí vô lý, để rồi dân chúng sẽ lẩy Kiều không chỉ bằng câu “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”.
Câu Kiều ấy chưa nặng nề lắm đâu, nó chỉ như một câu than thở của những người điều khiển phương tiện giao thông vào trung tâm Hà Nội. Mong sao các vị sẽ lắng nghe các góp ý, các phản biện, để không bao giờ phải nghe thấy trong nhiệm kỳ công tác của mình những câu Kiều đau xót mà tôi lẩy lại trong bài viết này…
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/duong-xa-nghi-noi-sau-nay-ma-kinh-a532113.html