noel giáng sinh vui vẻ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểm“Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

    “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

    Thật đáng tiếc, khi phải dùng thành ngữ này, trước những sai phạm xảy ra tại Bộ GD&ĐT và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

    Căn cứ kết quả thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo giai đoạn 2014 – 2018, Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin về hai vấn đề sau sang Bộ Công an xem xét, xử lý: Nội dung hướng dẫn sử dụng sách bài tập, sách tham khảo có dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN).

    Việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa (SGK) của NXBGDVN có nhiều dấu hiệu bất thường, chưa đảm bảo công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

    Bản thân tôi không bất ngờ trước kết luận này vì đã không ít lần lên tiếng về một số vấn đề liên quan đến SGK, sách tham khảo của NXBGDVN và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kết luận này chắc cũng không làm nhiều người ngạc nhiên, khi mà NXBGDVN là đơn vị độc quyền trong lĩnh vực SGK và là doanh nghiệp trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Vì “một mình một chợ” cho nên NXBGDVN đã tự ý lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy trái với Luật Đấu thầu; trong đó có nhà thầu thường xuyên chiếm 83,1% số lượng giấy của NXB với giá bán bình quân gấp khoảng 1,7 lần giá giấy công ty nhập khẩu. NXBGDVN còn sử dụng giấy in định lượng thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia; đồng thời dồn nhiều khoản bất hợp lý vào giá thành SGK, thậm chí tự ý tăng giá SGK lên 16,9% từ năm học 2019-2020.

    Đáng ngạc nhiên là những sai phạm rõ ràng như vậy trong suốt thời gian dài không được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục – đào tạo, đồng thời là cơ quan chủ quản của NXBGDVN phát hiện, xử lý kịp thời. Thậm chí, Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra dấu hiệu “lợi ích nhóm” giữa Bộ và doanh nghiệp trực thuộc này.

    Để chấm dứt tình trạng độc quyền, tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh, Nghị quyết 88 ngày 28/11/2014 của Quốc hội đã quy định xã hội hóa việc biên soạn SGK và trao quyền lựa chọn SGK cho các trường. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều giáo viên và cán bộ quản lý, tôi được biết, trên thực tế, các trường không được lựa chọn SGK phù hợp như quy định.

    Thậm chí, chỉ sau một năm triển khai chương trình, SGK mới, quyền lựa chọn trên danh nghĩa này của các trường cũng bị Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thu lại để trao cho các hội đồng lựa chọn SGK của tỉnh vẻn vẹn 15 người mà chưa có gì đảm bảo rằng những thành viên này được lựa chọn theo quan điểm của mình. Bản thân tôi đã một vài lần đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi Thông tư 25 và cũng đã được lãnh đạo Bộ hứa hẹn nhưng cho đến nay vẫn chưa có chuyển động gì.

    Quan điểm - “Đừng để mất bò mới lo làm chuồng”

    Trong thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục, đào tạo từ ngày 1/1/2014 đến ngày 31/12/2018 của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều những sai phạm của Bộ GD&ĐT trong công tác quản lý Nhà nước liên quan đến sách giáo khoa (SGK).

    Trong thời gian qua, tôi cũng đã chuyển đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chất vấn về việc xử lý những sai sót nghiêm trọng của một số SGK của NXBGDVN. Bộ trưởng trả lời là đã cho sửa chữa, thu hồi hàng trăm nghìn quyển sách. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 33 ngày 22/12/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì quy trình chỉnh sửa SGK được thực hiện như quy trình biên soạn SGK, nghĩa là phải có hội đồng thẩm định sách, hồ sơ thẩm định sách và sách chỉnh sửa phải được bộ trưởng phê duyệt. Cho đến nay, Bộ không cung cấp được cho tôi bất cứ bằng chứng nào về việc thực hiện quy trình này.

    Cũng như nhiều cử tri, tôi hoan nghênh kết luận của Thanh tra Chính phủ. Nhưng đó là kết luận về công việc liên quan đến SGK cũ. Từ khi triển khai Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông, cử tri và đại biểu Quôc hội đã nêu ra không ít vấn đề. Mong rằng các cơ quan chức năng tiếp tục giám sát, thanh tra để không tái diễn những sai phạm cũ, tránh những thiệt hại về tiền của và con người.

    ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý – Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU