Giữa tháng 8/2023, 28 hộ dân làng chài tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa được nhà nước đưa lên bờ ổn định cuộc sống. Họ được chính quyền cấp đất ở tại mặt bằng quy hoạch tái định cư thuộc thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ; được MTTQ, các mạnh thường quân và Tòa giám mục, Caritas Giáo phận Thanh Hóa hỗ trợ tiền xây nhà.
Từ đây, họ chấm dứt cảnh hàng chục năm, thậm chỉ nhiều đời phải lênh đênh sông nước. Con cháu họ có điều kiện được chăm sóc y tế, có điều kiện học hành tốt hơn. Tất cả họ đều vui mừng, phấn khởi, cảm động, biết ơn Đảng, Nhà nước, MTTQ, các mạnh thường quân …
Tuy nhiên, dù đã an cư, nhưng phần lớn họ vẫn còn trăn trở, lo lắng khi thời gian tới phải giải bản tàu thuyền, bỏ nghề đánh cá lên bờ thì sẽ làm gì để mưu sinh. Xóm vạn chài đã được an cư, nhưng phải làm gì để lạc nghiệp? Vì, tất cả họ không có đất sản xuất, không có tay nghề gì ngoài nghề đánh tôm cá, phần lớn không biết chữ.
Hơn mười ngày sống trong ngôi nhà mới khang trang tại thôn Lam Đạt, nhưng bà Nguyễn Thị Phượng (70 tuổi) vẫn chưa tin đây là sự thật. Đêm ngủ, bà Phượng vẫn mường tượng âm thanh sóng vỗ mạn thuyền, vẫn giật mình với hình ảnh chiếc thuyền chông chênh trước gió bão.
Bà Phượng cho hay, gia đình bà 4 đời làm nghề đánh cá, sống lênh đênh sông nước. Càng ngày, cá tôm ít dần, dân vạn chài chèo thuyền ngược xuôi dòng sông Chu, nhưng vẫn chịu cảnh “bữa đói bữa no”. Nhiều đời làm nghề đánh cá, nhưng bà Phượng và các hộ dân xóm vạn chài không nghĩ và không dám mơ mình đủ tiền lên bờ mua đất ở, xây nhà.
Cùng tâm trạng với bà Phượng, bà Nguyễn Thị Thơm (52 tuổi), trú tại thôn Lam Đạt chia sẻ, bà sinh ra trong gia đình làm nghề chài lưới tại sông Chu. Ngày xưa, bố mẹ sinh ra bà ở dưới thuyền, 19 tuổi, bà Thơm lấy chồng và theo chồng làm nghề sông nước. Cuộc sống của họ bám lấy con thuyền, lênh đênh sông nước, những đứa con của họ cũng được sinh ra và lớn lên trên thuyền.
Khi được nhà nước cấp đất, hỗ trợ xây nhà, bà Thơm rất cảm động. Kể từ nay, ngày mưa bão, gia đình bà không phải chịu cảnh hiểm nguy rình rập.
Dù đã lên bờ, nhưng chồng bà vẫn ở dưới sông tiếp tục làm nghề đánh cá mưu sinh nuôi gia đình. Hàng ngày, 2 – 3 lượt, bà Thơm lại chạy xuống sông mang tôm cá chồng đánh được đi bán mua gạo và nhu yếu phẩm cho gia đình. Ngoài đánh cá, hiện tại vợ chồng bà Thơm không biết làm nghề gì khác.
Chị Nguyễn Thị Hòa (38 tuổi) vui vẻ dẫn chúng tôi về thăm ngôi nhà mới của gia đình tại khu tái định cư thôn Lam Đạt. Vốn sinh ra trong gia đình làm nghề chài lưới tại phường Đông Thọ, TP.Thanh Hóa. Từ Thiệu Hóa, anh Nguyễn Văn Trọng (chồng chị Hòa) trong một lần xuôi thuyền dọc sông Chu tìm tôm cá thì họ gặp nhau. Cái duyên và nghiệp sông nước khiến tình yêu họ nảy nở, kết duyên, sinh con đẻ cái và mưu sinh trên sông nước gần 20 năm nay.
Được nhà nước cấp đất ở, chính quyền hỗ trợ, vợ chồng chị Hòa bỏ ra 80 triệu đồng tích góp hàng chục năm trời để xây nhà. Dù ngôi nhà thuộc loại “đơn sơ” nhất xóm, nhưng chị Hòa vẫn chưa tin một ngày vợ chồng họ lại có khối tài sản lớn như vậy.
Dù đã lên bờ, nhưng chồng chị Hòa vẫn bám thuyền đánh cá để nuôi gia đình. Dứt câu chuyện với PV, người phụ nữ ấy khóa cửa, chạy xuống sông với chồng. Không đánh cá thì giờ vợ chồng chị Hòa cũng không biết làm gì có tiền để nuôi con ăn học.
Theo quan sát, vị trí xây dựng khu tái định cư ở thôn Lam Đạt là khu đất đẹp, bằng phẳng, cách không xa UBND xã Thiệu Vũ. Đường bê tông đã chạy tới cửa nhà, điện đường thắp sáng thâu đêm. Các dãy nhà được thiết kế, xây dựng kiên cố, rất đẹp mắt. Nó được coi là một khu dân cư kiểu mẫu ở vùng nông thôn này.
Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Vũ cho biết, 28 hộ dân được cấp đất, hỗ trợ xây nhà tại khu tái định cư thôn Lam Đạt là đồng bào công giáo. Theo thống kê, địa phương có hơn 140 hộ dân vạn chài sống dọc sông Chu, năm 2008, địa phương đã vận động đưa 35 hộ lên bờ và nay thêm 28 hộ.
Ông Vũ chia sẻ, phần lớn họ không biết chữ, có hàng chục năm thậm chí nhiều đời làm nghề đánh cá, gắn với sông nước nên quá trình vận động, đưa lên bờ gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ, 28 hộ dân được nhà nước cấp đất ở, được hỗ trợ tiền xây nhà, nhưng không có đất sản xuất. Hiện tại, phần lớn các hộ vẫn làm nghề đánh cá, nhưng về lâu dài khi đã lên bờ họ phải giải bản tàu thuyền (bán, hoặc hủy bỏ thuyền) chấm dứt nghề đánh cá). Làm sao để các hộ dân đã “an cư”, được “lạc nghiệp” là trăn trở và mục tiêu lâu dài của cấp ủy chính quyền địa phương.
Bước đầu, địa phương đã hỗ trợ các hộ dân lên bờ thay đổi tập quản sản xuất, chuyển đổi việc làm bằng cách mời các doanh nghiệp về giới thiệu việc làm, đào tạo nghề …
Ông Nguyễn Văn Vũ thừa nhận, với đối tượng thanh niên thì việc chuyển đổi nghề nghiệp không khó, nhưng với người trung cao tuổi, không biết chữ thì bỏ nghề đánh cá, tìm việc làm mới gặp nhiều khó khăn.
Tại lễ bàn giao nhà cho bà con, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, các địa phương có đồng bào sinh sống trên sông khẩn trương hoàn thành việc cấp đất, hỗ trợ kinh phí và xây dựng nhà ở để nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Ông Hưng đề nghị bà con sau khi lên bờ, ổn định cuộc sống, cần nhanh chóng giải bản tàu bè, tích cực tham gia sản xuất, chăm lo cuộc sống gia đình, nhất là việc học hành của con em, tích cực tham gia các phong trào tại địa phương.
Chính quyền địa phương, các cấp, các ngành cần nghiên cứu tạo sinh kế lâu dài cho bà con, rà soát, phân loại đối tượng trong độ tuổi lao động để tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dua-lang-chai-o-thanh-hoa-len-bo-da-an-cu-can-lac-nghiep-a623490.html