Sau năm 2025, thử nghiệm thi tốt nghiệp THPT trên máy tính
Mới đây, trao đổi về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, PGS.TS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho hay có 3 điểm mới quan trọng trong dự thảo.
Thứ nhất, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực phù hợp chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Thứ hai, Bộ GD&ĐT muốn nhấn mạnh đến việc định hướng nghề nghiệp qua các môn thi tự chọn từ các môn học chọn của học sinh. Điều này giúp sớm định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích cho các em. Thứ ba, theo lộ trình từ năm 2025-2030, từng bước, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để tổ chức kỳ thi trên máy tính.
Chia sẻ xoay quanh việc lịch sử dự kiến sẽ là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng cho hay trước khi quyết định đưa môn này là 1 trong 4 môn thi bắt buộc, bộ đã cân nhắc rất kỹ và xin ý kiến đa chiều. “Bộ GD&ĐT đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giảng dạy và học sinh trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề. Những ý kiến góp ý này, bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp, tiếp thu và phân tích đa chiều”, PGS Huỳnh Văn Chương cho biết.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Bộ GD&ĐT đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh/thành phố, chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Để đáp ứng tính đồng bộ, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ban hành quy chế thi, ra đề thi, thanh tra, kiểm tra; còn các công việc khác, địa phương hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện quy định, quy chế và thực hiện thanh tra, kiểm tra ở cả cấp bộ và cấp địa phương để kết quả kỳ thi được an toàn, khách quan, minh bạch nhất.
Các năm 2025, 2026, 2027, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trên giấy. Song song đó, Bộ GD&ĐT sẽ thử nghiệm diện hẹp thi trên máy tính tại một số địa phương đủ điều kiện. Sau khi thử nghiệm đồng bộ, có đánh giá tác động, các điều kiện đều đáp ứng cho mỗi địa phương, Bộ GD&ĐT sẽ tính toán triển khai đồng loạt.
Dự kiến Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi
Xung quanh việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nhiều năm gần đây không ít ý kiến đề nghị nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn nữa; cụ thể, nên trao quyền tối đa cho các sở GD&ĐT từ việc tổ chức thi đến ra đề thi. Tuy nhiên, theo dự thảo phương án thi từ năm 2025, Bộ GD&ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi.
Giải thích về việc này, ông Huỳnh Văn Chương cho rằng, hiện nay Bộ GD&ĐT đã phân cấp khá mạnh và rõ cho các địa phương trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các địa phương, cụ thể là UBND các tỉnh, TP chịu trách nhiệm chính về tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Bộ GD&ĐT thực hiện công tác ban hành quy chế, xây dựng đề thi và thanh tra, kiểm tra, giám sát. Những kỳ thi gần đây, đặc biệt các năm 2020, 2021, 2022, mô hình này ghi nhận nhiều ưu điểm, sự phân cấp ngày một cụ thể và rõ trách nhiệm.
Dự kiến Lịch sử là môn thi bắt buộc
Theo dự thảo phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến góp ý của xã hội, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ tổ chức thi theo môn. Trong đó, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Ông Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT đã xin ý kiến đa chiều trước khi quyết định đưa môn lịch sử là môn thi bắt buộc sau năm 2025.
Hiện bộ đang nhận được khá nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt từ các thầy cô giáo giảng dạy và học sinh trong trường phổ thông. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến khác nhau, nhất là ủng hộ việc thi môn lịch sử nhưng cần thay đổi nhiều hơn cách ra đề cho môn học này.
“Những ý kiến góp ý này, bộ sẽ tiếp tục cầu thị, lắng nghe, tổng hợp tiếp thu và phân tích đa chiều”, ông Chương cho biết.
Theo ông Chương, với kỳ thi tốt nghiệp THPT sau năm 2025, đề thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Cụ thể sẽ chú trọng đánh giá năng lực, có sự phân hóa phù hợp để bảo đảm vừa để xét công nhận tốt nghiệp và kết hợp đạt nhiều mục tiêu khác nhau.
Trúc Chi (theo Người Lao Động, Tuổi Trẻ, Thanh Niên)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/du-kien-sau-nam-2025-thu-nghiem-thi-tot-nghiep-thpt-tren-may-tinh-a600694.html