noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủĐời sống - Xã hộiQuan điểmĐóng góp của báo chí giúp Thái Nguyên phát triển bền vững...

    Đóng góp của báo chí giúp Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện

    Ông Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao vai trò của báo chí Trung ương và địa phương giúp tỉnh Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

    Lá cờ đầu” trong thu hút đầu tư FDI

    Người Đưa Tin (NĐT): Trong năm qua, nhờ sự nỗ lực quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Xin ông điểm lại một số nét nổi bật trong bức tranh phát triển chung của tỉnh và những định hướng lớn trong những năm tới?

    Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình bối cảnh quốc tế và trong nước biến động nhanh, phức tạp và có không ít khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Thái Nguyên đã bứt phá vươn mình trở thành tỉnh có bước phát triển nhanh, mạnh mẽ và có vị thế quan trọng trong khu vực và cả nước.

    Trong đó, chỉ số tăng trưởng kinh tế (GRDP) giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 6,65%/năm; tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,03%.

    Từ năm 2023, tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 18 tỉnh tự cân đối thu chi và có điều tiết ngân sách về Trung ương. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 đạt 20.196 tỷ đồng, đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô xuất khẩu năm 2023 đạt 26 tỷ USD, duy trì thuộc nhóm 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu trong nhiều năm.

    Còn tính từ năm 2021 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được 129 dự án FDI với tổng số vốn 2,7 tỷ USD; 122 dự án trong nước với tổng số vốn 48.700 tỷ đồng.

    Đối thoại - Đóng góp của báo chí giúp Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện

    Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.

    Trên cơ sở kết quả đã đạt được thời gian qua và yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược đã được xác định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng gắn với tình hình thực tiễn của địa phương, tập trung vào 5 định hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; 6 đột phá phát triển tỉnh theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    Cụ thể, một là tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh; ưu tiên đầu tư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

    Hai là đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

    Ba là chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

    Bốn là nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tập trung nâng cao kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là đạo đức công vụ.

    Năm là quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát huy các lợi thế, thành quả, cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư gắn với tiềm năng, thế mạnh của các trường đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, y tế trên địa bàn tỉnh.

    Sáu là quan tâm, triển khai thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số; phát triển tiềm năng về du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn tỉnh.

    NĐT: Chưa bao giờ “cuộc đua” phấn đấu, khát vọng phát triển của các tỉnh, thành phố lại quyết liệt, mạnh mẽ như hiện nay. Thái Nguyên sẽ làm gì để tiếp tục giữ vững vị trí top những “lá cờ đầu” trong thu hút đầu tư, nhất là dòng vốn FDI, địa chỉ tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước?

    Ông Nguyễn Thanh Bình: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh thu hút được 129 dự án FDI với tổng số vốn 2,7 tỷ USD. Trong đó có những dự án quy mô lớn, công nghệ cao như dự án sản xuất lưới bóng chip bán dẫn của Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam với quy mô 1,2 tỷ USD; các dự án sản xuất pin năng lượng mặt trời của Tập đoàn Trina Solar với 2 lần tăng vốn 275 triệu USD vào năm 2022 và 454 triệu USD vào đầu năm 2024, nâng tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp này tại Thái Nguyên lên 932 triệu USD.

    Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 219 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đạt 11,25 tỷ USD.

    Đối thoại - Đóng góp của báo chí giúp Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện (Hình 2).

    Thái Nguyên là một trong những điểm sáng thu hút FDI.

    Để không ngừng gia tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, xứng đáng là địa chỉ tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục chủ trương “cơ sở hạ tầng đi trước một bước”; tập trung đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng điện lực.

    Trong năm 2024, tỉnh Thái Nguyên dự kiến hoàn thành 2 tuyến đường quy mô lớn, mang tính liên vùng là Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên – Bắc Giang – Vĩnh Phúc và Đường vành đai V đoạn qua khu vực tỉnh Thái Nguyên (đoạn từ huyện Phú Bình nối với tỉnh Bắc Giang). Khi hoàn thành, các tuyến đường này sẽ mở ra nhiều không gian phát triển cho các dự án Khu công nghiệp, thương mại dịch vụ.

    Theo Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Thái Nguyên sẽ phát triển và mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích là 4.245ha, trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động; 41 cụm công nghiệp với diện tích 2.067ha, có 11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động…

    UBND tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư các dự án trạm biến áp 500kV, 220KV và đường dây truyền tải, đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển trong tương lai. Đây là tiền đề rất vững chắc để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghiệp đến với tỉnh Thái Nguyên.

    Tiếp tục nâng cao chất lượng thực thi trong hỗ trợ nhà đầu tư thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, quy định kinh doanh; định kỳ tổ chức các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp với chính quyền các cấp 1 lần/tháng để kịp thời nắm bắt tình hình doanh nghiệp; chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

    Bên cạnh việc thực hiện đầy đủ các cơ chế ưu đãi theo quy định của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên hỗ trợ đầu tư công trình ngoài hàng rào một số lĩnh vực dự án. Trường hợp đặc biệt, chính quyền tỉnh sẽ phối hợp với Nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ cho áp dụng các chính sách ưu đãi đặc thù.

    Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức và tham dự các chương trình xúc tiến đầu tư tại các quốc gia phát triển, có công nghệ lõi, công nghệ nguồn để quảng bá, giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh, các lĩnh vực mà tỉnh đang ưu tiên thu hút đầu tư; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về thị trường và chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn của tỉnh. Đây sẽ là cơ sở rất tốt để các nhà đầu tư đưa ra những quyết định đầu tư mới vào tỉnh Thái Nguyên trong tương lai.

    Báo chí đóng góp vào công cuộc đổi mới của Thái Nguyên

    NĐT: Với sức nóng trên bản đồ phát triển, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành chủ đề thông tin thường xuyên của các cơ quan báo chí. Ông đánh giá như thế nào về vai trò và những đóng góp của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh đối với những bước tiến của Thái Nguyên?

    Ông Nguyễn Thanh Bình: Trong những năm qua, các cơ quan báo chí Trung ương, báo ngành cũng như các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh đóng góp vai trò quan trọng vào công cuộc đổi mới của tỉnh Thái Nguyên.

    Các cơ quan báo chí đã thông tin kịp thời về các chính sách, dự án và kế hoạch phát triển của tỉnh, giúp người dân và doanh nghiệp nắm bắt cơ hội; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, thông tin kịp thời, có hiệu quả các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, giới thiệu những nhân tố mới, người tốt việc tốt, đấu tranh, phê phán các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng của tỉnh, của đất nước, những vấn đề xã hội quan tâm, góp phần đẩy mạnh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh, cổ vũ, động viên, đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

    Đối thoại - Đóng góp của báo chí giúp Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện (Hình 3).

    Tạp chí điện tử Người Đưa Tin đạt giải A tại giải thưởng báo chí Huỳnh Thúc Kháng với tác phẩm “Chính sách thúc đẩy để Thái Nguyên phát triển bền vững” do tỉnh UBND Thái Nguyên tổ chức.

    Đơn cử năm 2023, Tạp chí điện tử Người Đưa Tin đã phát hành một chuyên đề với nhiều bài báo nhằm quảng bá tiềm năng, thế mạnh, mảnh đất và con người Thái Nguyên với đông đảo độc giả trong nước và quốc tế. Những đóng góp của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương giúp Thái Nguyên phát triển bền vững và toàn diện trong suốt thời gian từ đầu nhiệm kỳ đến nay.

    NĐT: Trên bước đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của cả nước, Thái Nguyên mong muốn báo chí sẽ tiếp tục đồng hành như thế nào trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh? Nhân kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, ông muốn nhắn nhủ điều gì tới những người làm báo?

    Ông Nguyễn Thanh Bình: Trên bước đường hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm kinh tế công nghiệp lớn, hiện đại của cả nước các cơ quan báo chí Trung ương đã luôn đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trong thời gian qua.

    Theo Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên xác định đến năm 2025 trở thành trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng Trung du miền núi Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội.

    Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

    Để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên luôn mong muốn các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trên cả nước sẽ tiếp tục đồng hành, quan tâm, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu hình ảnh của tỉnh Thái Nguyên với bạn bè trong nước và quốc tế.

    Giới thiệu tiềm năng thế mạnh trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội, an ninh quốc phòng; cơ chế chính sách ưu đãi và thu hút đầu tư của tỉnh; giới thiệu hình ảnh vùng đất, con người, lịch sử; các thành tựu của tỉnh trên các lĩnh vực, những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc tỉnh Thái Nguyên.

    Nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt và tri ân sâu sắc đến tất cả các nhà báo, phóng viên và cơ quan báo chí luôn giữ vững ngòi bút sắc bén, tinh thần trách nhiệm cao, không ngừng sáng tạo và đổi mới để tiếp tục đồng hành cùng Thái Nguyên trên con đường phát triển.

    NĐT: Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ!.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU