Bộ Thương mại và Cục Hải quan Trung Quốc hôm 3/7 cho biết, các công ty xuất khẩu gali và germani, 2 khoáng chất được sử dụng trong sản xuất chip, sẽ phải xin giấy phép từ Bộ này hoặc thậm chí Hội đồng Nhà nước nếu họ muốn bắt đầu hoặc tiếp tục vận chuyển chúng ra khỏi Trung Quốc.
Quyết định của Trung Quốc cho thấy nước này có quyền lực để trả đũa các động thái của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu nhằm cắt đứt Bắc Kinh khỏi công nghệ tiên tiến.
Thông báo được đưa ra chỉ vài ngày trước khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thăm Bắc Kinh dường như nhằm mục đích tạo đòn bẩy cho Trung Quốc trong việc yêu cầu Nhà Trắng dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có nguy cơ cản trở sự phát triển của quốc gia châu Á.
Động thái này cũng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan mà Chủ tịch Tập Cận Bình phải đối mặt trước những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận những con chip cần thiết để thống trị công nghệ như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử.
Tuy nhiên, biện pháp này là con dao hai lưỡi, và có thể tạo động lực mới cho các nhà sản xuất nước ngoài chuyển sản xuất ra khỏi nước này, thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, theo các nhà nghiên cứu của công ty tư vấn Eurasia có trụ sở tại New York, Mỹ.
“Có thể có một số cú sốc ban đầu đối với thị trường và các công ty, nhưng theo thời gian, nếu những hạn chế này tiếp tục tồn tại, thị trường và các công ty sẽ điều chỉnh”, phó giáo sư khoa học chính trị Ja Ian Chong tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Trước đây, Trung Quốc từng hạn chế việc xuất khẩu đất hiếm, nhưng điều đó chỉ khơi mào cho một cuộc chạy đua tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế, khiến quốc gia này bị mất đi vị trí thống trị trên thị trường.
Sản lượng đất hiếm tại Úc và Mỹ sau đó tăng lên, đẩy tỉ trọng sản lượng khai thác của Trung Quốc xuống 70% nguồn cung toàn cầu vào năm 2022 từ mức cao nhất 98% vào năm 2010, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ.
Trung Quốc hiện chiếm khoảng 94% sản lượng gali của thế giới, theo Trung tâm Thông tin Khoáng sản Quan trọng của Vương quốc Anh. Tuy nhiên, các kim loại này không phải loại hiếm có khó tìm, dù chi phí khai thác tương đối cao.
Trung Quốc cho biết, các yêu cầu cấp phép mới đối với việc xuất khẩu gali và gecmani, cùng với các hợp chất hóa học của chúng, là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Đây cũng là lý do mà Mỹ và các đồng minh đưa ra cho việc kiểm soát xuất khẩu của họ.
Tuy nhiên, Trung Quốc được cho là có nhiều thứ để mất hơn Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với những thách thức kinh tế ngày càng gia tăng.
Công cụ hiệu quả nhất mà Bắc Kinh có thể áp dụng để trừng phạt các nước khác là cắt đứt khả năng tiếp cận thị trường khổng lồ này, hoặc hạn chế xuất khẩu hàng hóa quan trọng chiến lược, nhưng điều này càng thúc đẩy việc tách rời khỏi Trung Quốc.
Đây không phải là điều Bắc Kinh mong muốn, vì nó sẽ làm suy yếu mục tiêu trở thành quốc gia chiếm ưu thế trong các công nghệ mới và thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, “ngay bây giờ, an ninh quốc gia, công nghệ và lãnh đạo kinh tế đang được ưu tiên hơn toàn cầu hóa. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thiên về cạnh tranh hơn là hợp tác”, ông Morris Chang, người sáng lập “gã khổng lồ” bán dẫn TSMC có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) cho biết tại một sự kiện ở Đài Bắc hôm 4/7.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, SCMP)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/don-tra-dua-cua-trung-quoc-doi-voi-my-co-nguy-co-phan-tac-dung-a615697.html