Chúng tôi có mặt tại Trại giam Xuân Hà (thuộc Bộ Công an, đóng tại xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh) trong một ngày cuối năm. Không khí chuẩn bị đón Tết của các cán bộ quản giáo cũng như phạm nhân ở đây cũng không kém phần nhộn nhịp so với bên ngoài.
Với các cán bộ quản giáo, đây là thời gian bận rộn hơn trong năm. Bởi, ngoài công việc quản lý phạm nhân, họ còn chung tay chuẩn bị mọi thứ để cùng mọi người đón Tết. Còn với các phạm nhân, đây là thời điểm mà họ “đếm ngược” thời gian để mong muốn được trở về với gia đình, người thân, với cuộc sống tự do mà họ từng cố tình “đánh mất”.
Nỗi niềm phạm nhân khi Xuân về
Hỏi chuyện phạm nhân Trần Văn Long (sinh năm 1954, quê ở tỉnh Nghệ An), người này cho biết đây đã là mùa xuân thứ 10 đón Tết ở trong trại giam để trả giá cho hành vi buôn bán trái phép chất ma túy với mức án tù 20 năm.
“Tuổi của tôi đã lớn. Khát vọng lớn nhất ở tuổi xế chiều là được về với gia đình, với xã hội làm người lương thiện. Đến đến xuân về ai cũng mong cả, tôi không dám mong muốn gì lớn lao, chỉ mong có đủ sức khỏe để cải tạo cho tốt, được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, sớm được trở về. Dù quỹ thời gian không còn nhiều nhưng tôi hy vọng có cơ hội được trở lại để làm người tử tế”, phạm nhân Trần Văn Long cho biết.
Phạm nhân này cũng chia sẻ tết đến là quãng thời gian mong mỏi, đau đáu, nhiều tâm tư nhất của những người đang chấp hánh án tù.
“Gần 10 năm ăn Tết ở đây, cứ mỗi lần đến Tết tâm trạng bồi hồi lắm đặc biệt là khát khao tự do luôn sẵn trong mỗi người. Cũng nhờ được các cán bộ động viên, an ủi và tặng quà Tết, dù ít hay nhiều đó là niềm khích lệ rất lớn đối với những Phạm nhân như chúng tôi, làm chúng tôi có thêm niềm tin để cải tạo. Trong trại sẽ gói bánh từ ngày 22 tháng Chạp trở đi và phát dần cho phạm nhân đến ngày 29 Tết. Khoảng ngày 29, 30, trại sẽ tổ chức Tết”, ông nói.
Từng là người lính nhập ngũ chiến đấu cho Tổ quốc thế mà giờ lại vướng vòng lao lý, phạm nhân nhắc mãi về niềm day dứt và hối hận của bản thân về những điều sai trái đã làm.
Cũng mang nhiều nỗi niềm khi Tết về, phạm nhân Hồ Quang Diệu đượm buồn kể: “Chủ nhật vừa rồi em được gặp lại người thân, đặc biệt là được gặp vợ và hai con nhỏ, em hạnh phúc lắm. Lúc ấy, em ao ước giá như mình được làm lại từ đầu thì sẽ không bao giờ chọn con đường để đi vào… trại giam.
Bây giờ thì em đã hiểu thế nào là giá trị của sự tự do, của cuộc sống gia đình, ở đó có bố mẹ, vợ con, có anh chị em. Nhất là những ngày này, trong em lại càng trào dâng niềm hối tiếc vì những sai lầm mà mình phạm phải. Chỉ tự hứa với lòng rằng, sẽ cải tạo thật tốt để sớm được trở về nhà. Và khi được trở về, em sẽ làm lại từ đầu bằng chính sức lao động mà mình bỏ ra, để rồi khi lớn lên, những đứa con của em sẽ không phải mặc cảm khi có một người cha phạm sai lầm nhưng không biết sửa đổi”.
Kể về quá khứ lầm lỗi của mình, Diệu nghẹn ngào: Trước đây em cũng có công việc ổn định, thu nhập dù không cao nhưng cũng đủ lo cho gia đình nhỏ của mình. Vậy mà chỉ trong một phút lầm lỡ, em đã đánh mất tất cả khi phải chịu án phạt 20 năm tù vì tội cưỡng đoạt tài sản. Thời gian gần 9 năm chấp hành án, nhờ sự giáo dục, cảm hóa của cán bộ quản giáo, em đã kịp hiểu rằng, những gì không do mồ hôi, công sức của mình bỏ ra để có được thì sẽ không bao giờ có kết thúc tốt đẹp cả.
“Tết đến gần, tôi mong mùa xuân qua nhanh để sớm được về nhà. Nghĩ tới bố mẹ già, vợ con ở nhà lại thấy giận mình và càng thấy day dứt nhớ nhà hơn. Vì phút sai lầm mà tôi phải ân hận suốt đời, bố mẹ nay đã già, con đã lớn. Tôi không được ở nhà để chăm nom, phụng dưỡng đó là điều day dứt mãi ”, phạm nhân Nguyễn Lương Bằng tâm sự. Chần chừ một lát, rồi phạm nhân này xin phép đọc cho chúng tôi nghe bài thơ vừa sáng tác – bài thơ “Nợ chưa trả hết Tết đã về”.
“Mùa xuân về qua nụ biếc, chồi xanh
Ta bỗng thấy nhìn cái gì cũng đẹp
Ngoách lại đằng sau bao điều nuối tiếc
Hận trách mình chưa làm được gì hơn
Bao bão giông sóng gió với đời thường
Nghiệm thấy mình là người mắc nhiều lỗi
Những toan tính, mưu cầu và sống vội
Ta được gì! Qua chung cuộc thiệt hơn”.
Ở trại nhiều phận đời, kể sao cho hết. Trẻ có, già có, cù bất cù bơ có mà học thức địa vị cũng có, người án ít người án nhiều nhưng ngoài cái sự chung là quần áo kẻ sọc trắng đen thì họ đều chung nhau nói về gia đình, về nỗi nhớ vợ con, cha mẹ, về khát vọng về với đời thường, được hít thở cái không khí tự do mà tưởng như tự nhiên ai cũng có.
Tạo không khí đón Tết đầm ấm cho phạm nhân
Thượng tá Lê Phi Huân – Phó Giám thị Trại giam Xuân Hà cho biết, mỗi năm, cứ vào dịp Tết đến xuân về, không khí ở Trại rộn rã hẳn lên. Không chỉ phạm nhân mà Ban giám thị và cán bộ quản giáo cũng ăn Tết luôn trong trại. Tết về, phạm nhân thường day dứt, nhớ nhà, chỉ cần một câu nói bâng quơ cũng dễ phát sinh mâu thuẫn.
Vì thế, vào những ngày Tết, cán bộ quản giáo phải đảm bảo trực 100% quân số. Năm nào cũng vậy, vào thời khắc đón giao thừa, Ban giám thị lại chia nhau đến các phân trại, rà soát các phòng, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các phạm nhân để tìm cách khuyên giải, động viên họ yên tâm cải tạo.
“Chúng tôi tạo không khí vui vẻ, đầm ấm để người phạm tội vừa xóa đi mặc cảm tội lỗi, lại vừa giúp họ không có những ý nghĩ tiêu cực”, Thượng tá Lê Phi Huân tâm sự.
Nói về chế độ của các phạm nhân trong những ngày Tết, Phó Giám Thị Trại giam Xuân Hà cho hay: “Trong những ngày Tết, tất cả các phạm nhân đều được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, Ban giám thị có quà riêng cho các phạm nhân vô gia cư, những người không có ai thăm nuôi, chia sẻ. Những phạm nhân này sẽ được Ban giám thị gặp trước để động viên, chúc Tết, tặng thêm mỗi người ít bánh kẹo, gói trà”.
Ngoài chuẩn bị những điều kiện về vật chất, tinh thần cho phạm nhân, Ban Giám thị Trại giam Xuân Hà cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an ninh, an toàn khu vực trại giam dịp Tết. Nhất là thực hiện quyết liệt đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, an toàn công tác giam giữ trước, trong và sau Tết.
Lãnh đạo đơn vị đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, các phân trại thực hiện đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; đi sâu, nắm chắc tình hình, đối tượng quản lý. Xử lý triệt để những thông tin liên quan đến vi phạm của phạm nhân, đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Chủ động thực hiện công tác kiểm tra chặt chẽ tại cơ sở giam giữ, nhằm phòng chống việc phạm nhân lợi dụng đưa vật cấm vào trại giam. Bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát, trong đó kiểm soát chặt chẽ người ra vào và tổ chức tốt công tác thăm, gặp thân nhân, gia đình của phạm nhân. Phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương, cụm an ninh an toàn trên địa bàn để đảm bảo an ninh trong suốt dịp Tết.
Thượng tá Lê Phi Huân cũng cho biết, đơn vị quan tâm, chăm lo, đảm bảo đời sống cho cán bộ, chiến sĩ trong những ngày Tết, đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.
Bên cạnh đó, bố trí đảm bảo đủ lực lượng, quân số trong các đợt trực Tết và thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo hàng ngày.
“Quán triệt, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm điều lệnh Công an nhân dân, lễ tiết tác phong trong công tác tiếp dân, thực hiện nghiêm Luật ATGT, đảm bảo 100% cán bộ, chiến sĩ không vi phạm”, Thượng tá Lê Phi Huân nói.
Đối với hầu hết mọi người, Tết là dịp để được sum họp, vui vầy. Tuy nhiên, có một số người khác, Tết lại là những ngày trăn trở, thao thức với nỗi niềm nhớ thương, mong mỏi, nuối tiếc…
Vì vậy, những lời động viên của người thân và sự quan tâm của cộng đồng xã hội mới làm ấm lòng những con người đã từng một thời lầm lỗi. Đó cũng là động lực để họ quyết tâm cải tạo tốt và sớm được trở về sum họp cùng gia đình.
Phạm Tùng – Mạnh Quốc
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/don-tet-trong-trai-giam-a590813.html