Đề nghị công khai chỉ số môi trường của công ty
Chiều 21/7, các cơ quan chức năng tiến hành đối thoại với người dân xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An để giải quyết các kiến nghị liên quan vấn đề tái định cư, bảo vệ môi trường. Đây cũng là lý do mà người dân tiếp tục chặn xe hàng của Công ty CP Xi măng Sông Lam những ngày gần đây.
Tại buổi đối thoại ghi nhận 10 ý kiến, kiến nghị của người dân địa phương. Một số người dân xóm Hải Thịnh tiếp tục thể hiện những bức xúc của mình liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Cái (76 tuổi, người dân xóm Hải Thịnh) cho biết: “Không phải tự nhiên mà người dân địa phương kéo nhau ra chặn xe chở hàng vào cảng biển. Điều người dân lo lắng là việc ô nhiễm môi trường sẽ gây nhiều bệnh tật, khiến cho cá chết hàng loạt…”.
“Chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ báo cáo đánh giá tác động môi trường, ảnh hưởng của dự án đến khu dân cư thế nào để người dân nắm rõ”, ông Cái nói.
Ông Nguyễn Văn Chúc, xóm trưởng xóm Hải Thịnh còn đề nghị doanh nghiệp cần xem lại mối quan hệ với người dân địa phương, tránh tình trạng “quan liêu” khi tiếp nhận và trả lời các ý kiến phản ánh của người dân địa phương. Trong đó, yêu cầu chính quyền cũng như phía công ty cần phải giải quyết dứt điểm những kiến nghị, nhất là những kiến nghị từ các cuộc đối thoại trước. Tránh tình trạng để kéo dài, ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền đối với người dân.
Ngoài ra, người dân còn đề nghị phía công ty và chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường, bố trí tái định cư. Cần làm rõ việc công ty có sử dụng các bồn chứa nước để chứa nước thải; có được phép tập kết gỗ dăm, bột đá hay không? Vấn đề đảm bảo an toàn giao thông cho người dân khi lưu thông trên tuyến đường thường xuyên có nhiều xe tải trọng lớn ra vào…
Doanh nghiệp cam kết sẽ xử lý dứt điểm những vướng mắc
Trả lời các ý kiến, kiến nghị của người dân, ông Lê Tiến Trị, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho biết, việc đầu tư xây dựng và triển khai 2 dự án Trạm nghiền xi măng và Cảng biển Vissai đều được thực hiện dựa trên cơ sở pháp lý đầy đủ, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư và được các cơ quan chức năng cấp phép đầu tư, xây dựng…
Trong đó, quy hoạch dự án Trạm nghiền xi măng có diện tích trên 69ha, diện tích trạm nghiền trên 67ha, còn lại là diện tích hạ tầng giao thông và cơ sở vật chất. Đối với Cảng biển Vissai có diện tích quy hoạch hơn 400ha, trong đó diện tích mặt nước rộng hơn 397ha và diện tích đất tự nhiên ven biển rộng khoảng 10ha…
Riêng các hạng mục tập kết gỗ dăm, bột đá cũng được thể hiện trong giấy phép kinh doanh, và đã được thể hiện trong báo cáo tác động môi trường của doanh nghiệp.
Việc xây dựng bến neo đậu tàu thuyền, xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân nằm trong khu vực dự án cũng đã được đưa vào quy hoạch. Trong đó, việc xây dựng khu tái định cư đã được UBND tỉnh giao cho huyện Nghi Lộc thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc cần phải báo cáo kịp thời để có phương án xử lý kịp thời. Phấn đấu trong năm 2023 sẽ khởi công xây dựng và đến tháng 1/2024 sẽ hoàn thành và bàn giao cho người dân.
Tuy nhiên, ông Lê Tiến Trị cũng đề nghị phía Công ty CP Xi măng Sông Lam cần làm tốt công tác dân vận với người dân địa phương, nhất là khi họ đã hy sinh, chấp nhận di dời, nhường mặt bằng cho dự án đầu tư. Đề nghị công ty khảo sát, bố trí tạo việc làm cho người dân địa phương. Phối hợp với các cơ quan chức năng xác định lại diện tích giải phóng mặt bằng…
“Về gỗ dăm, bộ đá, quặng là hàng rời được cấp phép ở cảng. Chúng tôi đề nghị công ty có quan trắc tự động cần chuyển về xã, về xóm các thông số để người dân hiểu, giám sát các chỉ số trong phạm vi cho phép về đánh giá tác động môi trường”, ông Trị nói.
Ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi măng Sông Lam thành thật xin lỗi chính quyền và người dân địa phương khi đã để xảy ra tình trạng bức xúc cho người dân trong thời gian vừa qua.
Bản thân Công ty CP Xi măng Sông Lam cũng có mối quan hệ chặt chẽ với người dân trong suốt nhiều năm qua, từ khi bắt đầu đặt những nền móng đầu tiên để thực hiện dự án. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty cũng gặp nhiều khó khăn.
Ông Oánh cũng khẳng định doanh nghiệp không lấn ra khỏi phạm vi quy hoạch của dự án; trạm nghiền xi măng không có nước thải độc hại, việc chở các bồn nước về là nhằm để làm mát các thiết bị, kết cấu máy móc trong bối cảnh nắng nóng kéo dài. Bên cạnh đó, các kết quả quan trắc môi trường luôn được kiểm soát và chuyển số liệu về cơ quan có thẩm quyền để theo dõi, quản lý. Trong thời gian tới, công ty sẽ in các kết quả quan trắc gửi đến tận người dân địa phương…
Ông Nguyễn Ngọc Oánh cũng thay mặt phía công ty, hứa trước nhân dân xóm Hải Thịnh thời gian tới sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với nhân dân địa phương; sẽ giao cho 1 cán bộ phụ trách trong việc đón tiếp, trả lời các ý kiến, kiến nghị của nhân dân một cách kịp thời và đầy đủ nhất…
Kết luận buổi đối thoại, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho hay những kiến nghị của người dân sẽ được tỉnh, huyện tiếp thu, cam kết giải quyết theo lộ trình.
“Mong muốn của người dân là chính đáng nhưng hành động chặn xe là vi phạm pháp luật”, ông Dũng nói. Vì vậy, Chủ tịch UBND huyện đề nghị người dân quay về nhà, để hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bình thường trở lại.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doi-thoai-voi-nguoi-dan-giai-quyet-viec-chan-xe-hang-vao-cang-bien-a618423.html