Ngày 22/12, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định – Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả đã chủ trì Phiên họp thứ Nhất Ban Chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, đề án được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong đó có yêu cầu đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả, tức là tập trung đổi mới quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 10/2/2023, Đảng đoàn Quốc hội đã có Kế hoạch số 1392 triển khai toàn diện các nhiệm vụ. Ngày 23/10/2023 Đảng đoàn Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ biên tập đề án.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, từ khi có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác xây dựng pháp luật trong những năm qua đã có một bước tiến rất dài, năm sau tốt hơn năm trước và cơ bản hoàn chỉnh.
Song, giai đoạn hiện nay đang bước vào hoàn thiện ở tầm cao, gắn với việc tổ chức thi hành pháp luật, phải chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả hơn nữa.
Do đó, cần phải đánh giá thực trạng trong thời gian vừa qua để từ đó đề xuất, kiến nghị các nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Đề xuất phương hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, từ luật đến các văn bản của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thực hiện pháp luật, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế, yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Báo cáo tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành – Thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ biên tập xây dựng đề án cho biết, dự kiến đề án sẽ tập trung đánh giá thực trạng quy trình xây dựng pháp luật, trong đó bao gồm:
Một số vấn đề lý luận về quy trình xây dựng pháp luật và kinh nghiệm một số nước về quy trình xây dựng pháp luật; thực trạng hệ thống các hình thức văn bản quy phạm pháp luật và thẩm quyền ban hành;
Thực trạng quy trình và kết quả thực hiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các bài học kinh nghiệm rút ra sau khi đánh giá thực trạng.
Đề án cũng đề xuất các nội dung đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả; xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan để thực hiện các giải pháp đổi mới.
Bên cạnh báo cáo đánh giá thực trạng và kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, ông Ngô Trung Thành cho biết, để đảm bảo việc xây dựng đề án được khách quan, toàn diện, có cơ sở chính trị, lý luận, khoa học chặt chẽ, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã dự kiến danh sách 16 chuyên đề cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.
Cơ bản đồng tình với dự thảo Kế hoạch xây dựng đề án, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị, trong đề cương cần có một phần riêng về các giải pháp tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong hoàn thiện, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch chi tiết xây dựng đề án.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doi-moi-hoan-thien-quy-trinh-xay-dung-phap-luat-a641911.html