Có một lần, tôi cùng vợ đi tìm mua sách ở hội chợ sách giảm giá. Trong gia đình nhỏ của mình, tôi là người đọc nhiều sách, đa dạng chủ đề và nội dung, từ văn chương, triết học, tâm lý, đến văn hóa, chính trị, tôn giáo, kinh tế. Còn vợ tôi thì ngược lại, rất ít khi đọc những loại sách mà tôi ham mê.
Buổi chiều hôm đó, sau khi chọn những đầu sách mà tôi muốn mua, thì cả hai cùng đến chỗ sách về y học và kỹ năng làm cha mẹ. Cũng là dịp kỷ niệm một tháng ngày cưới, nên tôi muốn tặng vợ bộ sách về kỹ năng này. Thực tình, từ trước đến giờ tôi chưa khi nào quan tâm đến dòng sách này. Nhưng đây là dòng sách bán ổn định, và nội dung thiết thực. Bởi nhu cầu thực tế của mỗi bà mẹ, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình. Đành rằng, riêng trong dòng sách này cũng có rất nhiều người viết.
Tôi phát hiện ra một “điểm mù” trong kiến thức, cũng như sự đọc của mình. Rõ ràng rằng, tôi là một người ham đọc sách, mê sách, nhưng những gì tôi tìm đọc đều thuộc thể loại tri thức trừu tượng, khó cảm khó nghĩ. Xét ở tính ứng dụng thực tế, thì những loại sách tôi đọc chẳng có tính chất ứng dụng cụ thể nào hết. Không giống như những dòng sách về sức khỏe, y học, và chăm con. Đó là những tri thức có tính ứng dụng thực tiễn cao, người đọc dễ vận dụng vào cuộc sống.
Đọc triết học để khám phá tư tưởng, nhưng liệu có áp dụng được những gì đã đọc vào trong cuộc sống hay không? Đọc văn chương để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật, nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân, chứ nào có hỗ trợ được điều gì cho vợ, gia đình?
Đọc sách kinh tế để biết học thuyết này, mô hình nọ, nhưng nào có ứng dụng vào việc kiếm tiền? Đọc sách tâm lý để hiểu về tâm lý con người nói chung, nhưng trong cuộc sống thực, có những tình huống mình ứng xử còn vụng về hơn vợ (ít khi nào đọc sách)?…
Vậy hóa ra, tất cả những tri thức mà tôi hấp thụ trước đây, chẳng hữu ích một tí nào? Biết về tôn giáo làm gì, khi mình không phải là một người theo Đạo? Vợ tôi thích nấu ăn, và sách về nấu ăn sẽ rất hữu ích với vợ. Đấy, vợ thực tế, chỉ đọc những sách nào có tính ứng dụng. Còn tôi mãi mơ mộng đâu đâu!…
Vợ thỏ thẻ cùng tôi: Chồng nên đọc và viết những loại sách kỹ năng này, dễ bán.
Nhưng hỡi ôi, tôi không phải là chuyên gia tâm lý, bác sĩ, hay một đầu bếp. Tôi là một nhà thơ, một người viết văn chương. Làm sao tôi có thể viết những đầu sách như thế? Tôi làm gì có tư cách phát ngôn, có chuyên môn, để viết.
Sau cuộc đi mua sách hôm đó, tôi phát hiện ra một lỗ hổng tri thức. Nhưng là con người, thì làm sao cái gì cũng biết, cái gì cũng giỏi được đây? Cuối cùng, tôi chọn những đầu sách đã mua cho vợ, đọc thêm, như một nguồn tham khảo thêm một dòng tri thức khác, ngoài chuyên môn của mình. Cuối cùng thì, một người cần đọc sách theo định hướng mà mình thấy cần thiết, không thể nào cái gì cũng đọc.
Và sách, thì có năm bảy loại, mỗi thể loại sách lại có một vai trò khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội. Văn chương, triết học, kinh tế, tâm lý, không phải là dòng sách đọc để ứng dụng ngay vào một công việc cụ thể. Mà thông qua sự am hiểu về những loại tri thức này, cho ta một tầm mức hiểu biết, để cho sự nhận định về cuộc sống, cũng như có sự chọn lựa tốt hơn, cho chính mình. Tri thức, mỗi loại hình đều có giá trị khác nhau, ta đâu thể đánh đồng tất cả!
Tri thức văn chương giúp ta phân biệt được nhân nghĩa, tri thức triết học giúp ta nhìn thấu được lẽ sinh tồn, tri thức kinh tế giúp ta thấy được xu hướng vận động chung của đời sống kinh tế – xã hội, tri thức tâm lý giúp ta hiểu về con người hơn! Tất cả những loại tri thức mang tính trừu tượng này, tuy không giúp ta nấu bữa ăn ngon, hay thay tã cho con khéo, nhưng nó giúp ta nhìn nhận thực tiễn cuộc sống một cách có chiều sâu hơn. Đó cũng là sự hữu ích thiết thực vậy!
Nhìn chung, giữa biển trời tri thức bao la, và sách thì dường như vô số, ta không thể dành cả đời chỉ để đọc sách. Mà nếu dành cả đời để đọc sách, ta cũng không thể nào đọc hết được tất cả.
Vậy nên, việc định hướng trong sự đọc rất là quan trọng. Như việc muốn nuôi dạy con tốt, đúng theo nguyên tắc khoa học, thì ta nên tìm hiểu những đầu sách liên quan đến nuôi dạy con. Muốn học hỏi nấu ăn, thì ta đọc sách dạy nấu ăn. Và muốn tìm kiếm những loại tri thức khác, nhằm thỏa mãn nhu cầu của cá nhân, thì ta tự tìm kiếm, tự kiến tạo nên thế giới tri thức của riêng mình vậy.
Việc đọc sách có định hướng, giúp ta có sự sàng lọc về những thể loại sách nhất định, để tập trung vào những loại sách với những nội dung ta quan tâm. Nếu là một người nuôi khát vọng trở thành nhà văn, thì không thể không đọc sách văn chương, triết học, tâm lý. Ngoài sách mang tính phổ biến đại chúng, ứng dụng tri thức vào thực tiễn, thì về mặt chuyên môn, có những đầu sách ta không thể không đọc.
Một người, dù làm ở bất cứ lĩnh vực gì, bất cứ công việc gì, thì việc đọc sách có định hướng cũng đều tốt. Bởi, nếu ta không định hướng cho sự đọc của mình, thì ta sẽ bỏ mất nhiều cơ hội để được đọc những cuốn sách cần thiết, và lại vô tình mất thời gian đọc những cuốn sách không thực sự cần.
Để có được sự định hướng tốt trong việc chọn sách và đọc sách, ngoài nhu cầu của bản thân, thì sự hiểu biết mang tính nền tảng cũng rất quan trọng. Có được kiến thức nền tảng tốt, thì sự định hướng sự đọc của ta cũng sẽ tốt hơn.
Bạn có nghĩ như vậy không? Đọc sách cần phải có “định hướng”?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doc-sach-can-phai-co-dinh-huong-a659855.html