noel giáng sinh vui vẻ
Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024
spot_img
More
    Trang chủVăn hóaĐộc đáo Lễ Pơ thi của người Jrai

    Độc đáo Lễ Pơ thi của người Jrai

    Khi những hạt lúa vàng ươm chất đầy kho cũng là lúc đồng bào Jrai ở Gia Lai tổ chức lễ Pơ thi, nét văn hoá đặc trưng của người địa phương nơi đại ngàn nắng gió.

    Nét văn hoá đặc sắc

    Rơm rạ ngã một màu vàng óng, chất thành từng đống cao ngoài đồng báo hiệu một vụ mùa vừa khép lại. Nhà nhà lúa chất đầy kho, người dân lòng phấn khởi tận hưởng thành quả lao động sau bao ngày lao động mệt nhọc. Với người đồng bao Jrai ở Tây Nguyên đây là thời điểm thích hợp trong năm để tổ chức nghi lễ Pơ thi (bỏ mạ) nét văn hoá đặc trưng của người địa phương.

    Pơ thi là nghi lễ lớn nhất của dân làng người Jrai để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với Yàng (trời) và cũng giải phóng những ràng buộc giữa người sống với người chết. Lễ Pơ thi được tổ chức 3 ngày, 3 đêm, người làng tạm gác lại công việc thường ngày, phụ giúp và cùng chung vui với gia chủ để tạo ra một nghi lễ hoành tráng ấm cúng.

    Thật tình cờ, trong một chuyến công tác chúng tôi có dịp được tham gia nghi lễ Pơ thi của người Jrai, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Lễ Pơ thi lần này có 8 gia đình trong làng Kép 1 cùng nhau bỏ mả.

    Văn hoá - Độc đáo Lễ Pơ thi của người Jrai

    Pơ Thi nét văn hoá đặc sắc của người Jrai.

    Từ sáng sớm người làng đã tụ họp đông đủ, mỗi người chia nhau một công việc để phụ giúp gia chủ. Trò chuyện với chúng tôi ông Rơ Chăm Viuh, 50 tuổi cho biết, mẹ ông mất đã gần 20 năm nay nhưng do không có điều kiện nên đến nay mới có thể làm lễ bỏ mả. Năm nay, được mùa gia đình đã chuẩn bị 1 con trâu, 1 con gà, cơm lam… để mẹ mang theo về với ông bà, tổ tiên.

    Đam miệt mài phân công công việc cho đam thanh niên trong làng thấy chúng tôi tò mò, Già làng Rơ Chăm A Nhơm chia sẻ, theo quan niệm của người Jrai, khi người chết đi vẫn để lại hồn ma, luôn ở bên gia đình. Khi đó người sống đi đâu, hồn ma sẽ đi theo đến đó. Người sống ăn gì, hồn ma sẽ ăn nấy. Bởi vậy, trong mỗi bữa cơm người Jrai vẫn chuẩn bị sẵn một phần thức ăn cho người đã khuất. Mỗi sáng, khi gà vừa cất tiếng gáy, dân làng bắt đầu đi gùi nước. Người sống lại mang cơm nóng, nước mát để lên phần mộ của người chết. Họ ngồi cạnh mộ khóc thương, kể những câu chuyện, niềm vui hay nỗi buồn của gia đình cho người chết nghe.

    Buổi chiều, khi mặt trời dần lặn sau ngọn núi, người sống từ rẫy trở về lại mang cơm ra phần mộ cho người khuất ăn. Mọi việc cứ tiếp diễn cho đến khi thực hiện lễ Pơ thi để linh hồn họ siêu thoát, tách biệt giữa người sống và người chết. Sau lễ Pơ thi mọi ràng buộc, mối liên hệ với người chết coi như chấm dứt, nhà mả này cũng sẽ bỏ đi. Khi đó gia đình sẽ không qua lại thăm nuôi mả nữa và dân làng lại bắt đầu chôn cất người chết ở khu khác.

    Văn hoá - Độc đáo Lễ Pơ thi của người Jrai (Hình 2).

    Người làng tập trung đông đủ, nấu nướng chuẩn bị nghi lễ.

    Giữ gìn và phát huy

    Theo ông Rơ Châm Puih, Trưởng làng Kép 1, người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm lễ bỏ mả. Nghi lễ này thường kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm.

    Đêm đầu tiên, người dân trong làng đổ về khu nhà mồ với những ché rượu đầy ắp. Thanh niên trong dòng họ bắt đầu thắp lên những ánh lửa với tiếng cồng chiêng ngân vang. Khi nghe âm thanh trầm bổng những làng khác cũng kéo nhau đến, bởi với họ, ngày buồn vì người chết đã qua, Pơ thi là ngày vui của cả làng, cả xã. Thế rồi tất cả mọi người quây quần bên ché rượu, nhảy điệu xoang dưới ánh lửa bập bùng.

    Ngày thứ hai, sau khi già làng làm lễ xong, người thân vào nhà mồ khóc than lần cuối với người đã chết. Dưới tán cây đa che mái nhà mồ cả dân làng quây quần bên 8 gia đình để sinh hoạt cộng đồng. Những điệu múa xoang uyển chuyển bên tiếng cồng chiêng tiễn biệt người chết về với Yàng. Xuyên suốt lễ hội, những ché rượu cần cứ vơi lại đầy níu chân người đi.

    Văn hoá - Độc đáo Lễ Pơ thi của người Jrai (Hình 3).

    Người làng thực hiện các nghi lễ trong lễ Pơ Thi.

    Lúc này thanh niên trai tráng trong làng rủ nhau đến nơi có nguồn nước bôi bùn, đất lên người, đeo mặt nạ được làm từ bẹ chuối sao cho kinh dị để càng giống với các Pram (hồn ma). Khi hai Pram xuất hiện sẽ mở ra cầu nối cuối cùng dẫn đưa người chết vĩnh viễn về với cõi Atâu (cõi chết). Đó là 2 chàng trai mạnh khỏe, thân thể được hóa trang bằng bùn đất, lá cây và mang mặt nạ. Giữa âm thanh vang vọng, dồn dập của chiêng trống họ xuất hiện trong sự reo hò của dân làng. Sau một vòng đi quanh nhà mồ cùng đội xoang và chiêng, họ nhanh chóng biến mất như những hồn ma. Nghi lễ này tượng trưng cho các Pram đi theo bảo vệ và dẫn dắt Atâu về với Yàng.

    Đêm thứ ba của lễ hội cũng là “đêm trắng” ở khu nhà mồ. Đây là đêm cuối cùng bên người chết nên tất cả mọi người sẽ thức cho đến sáng.

    Rơ Châm H’Vưng (25 tuổi), đây là lần đầu tiên được hòa mình vào lễ hội truyền thống lớn nhất, tiêu biểu nhất của người Jrai. H’Vưng còn được tham gia chuẩn bị các món ăn truyền thống cho buổi lễ: như cơm lam, lá cây, chuối tươi, nấu cháo…

    Nhanh tay đưa các vật dụng cần thiết vào nhà mồ, H’Vưng cho biết: “Từ nhỏ em đã được nghe cha mẹ kể nhiều về phong tục bỏ mả của dân tộc mình. Hôm nay, được tận mắt chứng kiến và tự tay chuẩn bị lễ cúng em thấy rất vui và cảm thấy tự hào vì làng Kép còn giữ được lễ hội độc đáo như vậy. Em và các bạn sẽ nâng cao trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa. Đây cũng là dịp em giới thiệu với bạn bè gần xa về nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình”.

    Ông Rơ Châm Hyũp, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Mơ Nông cho hay, lễ Pơ thi của người Jrai là nét văn hoá truyền thống mà bà con đã gìn giữ qua nhiều thế hệ. Lễ hội được các làng lần lượt tổ chức với nhiều nét văn hoá truyền thống, cùng ẩm thực độc đáo, như: đánh chiêng, múa xoang, tạc tượng nhà mồ… Những năm qua, Đảng uỷ xã đã chỉ đạo chính quyền, đoàn thể tuyên truyền dân làng cùng chung tay giữ gìn nét đẹp văn hoá, tổ chức lễ hội ý nghĩa, tiết kiệm. Lực lượng công an cũng ngày đêm túc trực nhằm đảm bảo an ninh trong những ngày diễn ra lễ Pơ thi.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU