Là doanh nghiệp có thị phần lớn về sản xuất phân ure, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ – mã: DPM) quý IV/2023 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.382 tỷ đồng – giảm hơn 500 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng doanh thu tài chính và việc tiết giảm chi phí hoạt động không đủ bù đắp cho phần lợi nhuận suy giảm dẫn đến lãi sau thuế của Đạm Phú Mỹ còn vỏn vẹn 107 tỷ đồng, giảm gần 95% so với quý IV/2022.
Tính chung cả năm 2023, công ty đạt 13.569 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 5.000 tỷ đồng so với năm trước đó, chỉ đạt 78% kế hoạch đã đề ra. Lợi nhuận sau thuế cả năm 2023 của Đạm Phú Mỹ giảm hơn 90% còn 543 tỷ đồng. Con số này cũng chỉ tương đương 24,1% chỉ tiêu đã đề ra.
Tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau – mã: DCM) cũng tương tự với Đạm Phú Mỹ. Năm 2023, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu 12.602 tỷ đồng, giảm 21% so với mức kỷ lục năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.108 tỷ đồng, giảm 74% so với năm 2022.
Trong năm qua, tổng sản lượng tiêu thụ phân bón các loại của Đạm Cà Mau đạt hơn 1,3 triệu tấn sản phẩm, tăng 20% so với năm 2022, trong đó ure chiếm tỉ trọng lớn nhất với 866.000 tấn. Công ty còn thâm nhập và phát triển thị trường NPK với sản lượng tiêu thụ tăng 92%.
Là “ông lớn” ngành hoá chất, Hoá chất Đức Giang (mã: DGC) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2023 đạt 2.388 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế 746 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ, cũng là mức thấp nhất 9 quý. Cả năm 2023, Hóa chất Đức Giang ghi nhận 9.748 tỷ đồng doanh thu thuần và 3.350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 33% và 46% so với kết quả cao kỷ lục năm liền trước.
Doanh nghiệp lý giải kết quả kinh doanh đi xuống chủ yếu do giá bán trên thị trường giảm, khiến doanh thu mặt hàng chủ lực phốt pho vàng và H3PO4 giảm 38%; doanh thu axit phosphoric giảm 28%; doanh thu phân bón các loại giảm 12%.
Công ty Cổ phần DAP – Vinachem (mã: DDV) ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2023 hơn 835 tỷ đồng, tăng 3,45%; lãi sau thuế gần 62,5 tỷ đồng, gấp 8,8 lần cùng kỳ quý IV/2022.
Theo giải trình từ phía công ty, lý do lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước là vì trong quý IV, sản lượng DAP tiêu thụ là hơn 61.600 tấn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy sản lượng tiêu thụ tăng, nhưng giá bán bình quân kỳ này lại giảm với số tiền hơn 2 triệu đồng/tấn, tương ứng mức giảm tỉ lệ 13,5% so với cùng kỳ năm trước.
Dù kết quả khả quan trong quý IV nhưng do kết quả thấp của các quý đầu năm lũy kế cả năm 2023, DAP – Vinachem đạt doanh thu 3.209 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 70 tỷ đồng, giảm lần lượt 2% và hơn 80% so với cùng kỳ năm trước. Là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây của doanh nghiệp này.
Năm 2023, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 3.244 tỷ đồng và lãi sau thuế 92,2 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 99% chỉ tiêu doanh thu và 70,5% mục tiêu lãi sau thuế.
Một doanh nghiệp cũng chuyên sản xuất phân ure là Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc – mã: DHB). Khoản lãi đột biến của quý IV/2023 giúp Đạm Hà Bắc báo lãi cả năm 2023 ở mức 860,8 tỷ đồng; doanh thu thuần đạt 4.413,4 tỷ đồng, giảm lần lượt 51% và 31% so với năm 2022. Đánh dấu năm thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này có lãi kể từ năm 2021.
Đáng chú ý, khoản lỗ luỹ kế khổng lồ của Đạm Hà Bắc qua các năm đã giảm đáng kể. Tại ngày 31/12/2023, Đạm Hà Bắc còn lỗ lũy kế 2.108 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu từ âm 252 tỷ đồng lên mức dương 614 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, vẫn có những doanh nghiệp báo lợi nhuận ròng cả năm tăng trưởng so với 2022, nhưng đây là những đơn vị quy mô nhỏ.
Trong đó có thể kể đến như Công ty Cổ phần Công ty Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao (mã: LAS) báo lãi ròng tăng 68% lên 149 tỷ đồng, Phân bón Miền Nam (mã: SFG) lãi tăng 26% lên 57 tỷ đồng, Phân bón Bình Điền (mã: BFC) tăng 5% lên 148 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ siết chặt quản lý các công nợ, quản lý và điều tiết các chi phí hoạt động.
Trong báo cáo triển vọng 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định giá phân bón thế giới năm 2024 có thể tăng nhẹ so với năm 2023 do nguồn cung thắt chặt.
Tại thị trường trong nước, nhu cầu tiêu thụ phân bón năm 2024 được dự báo tăng chậm so với năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ nội địa kỳ vọng tăng vào quý IV/2023 và quý I/2024 khi bước vào vụ Đông Xuân, song vụ mùa năm nay đến trễ, bắt đầu cuối tháng 11.
Theo dự báo của Hiệp hội Phân bón Thế giới, tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ phân bón trên thế giới sẽ chậm lại trong trung hạn, từ mức 4% trong năm tài chính 2023 xuống 1,3% trong năm tài chính 2027.
VCBS cho rằng giá khí đầu vào là biến số khó dự báo khi giá dầu biến động và tỉ trọng phân bổ các nguồn khí tác động lớn đến biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nganh-phan-bon-qua-thoi-hoang-kim-a650803.html