Theo số liệu từ báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,54 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; giảm 1,2 triệu USD so với tháng 3.
Tính tổng 4 tháng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 15,66 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 2,51 tỷ USD, giảm 37,7%. Trong nhóm hàng nông sản, nổi bật lên là mặt hàng gạo có giá trị xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 54,5%.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2023 ước đạt 526 USD/tấn, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tháng 4/2023, giá xuất khẩu gạo từ Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 2 năm. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 495 – 500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021.
Mặc dù thị trường ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực nhưng nhìn chung các doanh nghiệp ngành gạo đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận quý I/2023 tăng trưởng khiêm tốn, thậm chí có doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.
Hụt hơi ngay trong quý đầu năm
Công ty Cổ phần Lộc Trời (UPCoM: LTG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.452 tỷ đồng trong quý I/2023, tăng 5% so với cùng kỳ.
Trong đó doanh thu từ lương thực đóng góp nhiều nhất với với 67%, tương đương 1.675 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật đạt 619 tỷ đồng, mảng hạt giống đạt 112 tỷ đồng.
Do biên độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn biên độ tăng của doanh thu dẫn đến lợi nhuận gộp của Lộc Trời lao dốc từ 552 tỷ đồng vào quý I/2022 xuống còn 272 tỷ đồng vào quý I/2023, tức giảm gần 51%.
Với mức tăng hơn 256%, doanh thu hoạt động tài chính của Tập đoàn Lộc Trời đạt 62 tỷ đồng trong quý đầu năm 2023. Tuy nhiên, chi phí tài chính cũng theo đó mà tăng gần gấp đôi, chạm mốc 147 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Lộc Trời báo lỗ 81 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi với 184 tỷ đồng. Đây là số lỗ lớn nhất tính từ thời điểm năm 2016 tới nay của công ty. Trước đó vào năm 2022, Lộc Trời đã có bức tranh kinh doanh rất tươi sáng với mức doanh thu kỷ lục 11.690 tỷ đồng và 412 tỷ đồng tiền lãi.
Từng được mệnh danh là “vua gạo” An Giang, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex – HoSE: AGM) kinh doanh ngày càng sa sút. Theo đó, quý I/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 159 tỷ đồng, giảm mạnh 84% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, Angimex báo lỗ sau thuế 17,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 10 tỷ đồng. Công ty cho biết, nguyên nhân chính làm kết quả kinh doanh quý I/2023 lỗ là do doanh thu giảm nhưng công ty gánh vác các khoản định phí lãi vay, chi phí quản lý.
Chi phí “đè” lợi nhuận
Với bức tranh kinh doanh trong quý I/2023 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR), mặc dù doanh thu giảm nhưng công ty vẫn kinh doanh có lãi.
Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 897 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Trong quý, dù giá vốn hàng bán có tiết giảm nhưng lợi nhuận gộp của Gạo Trung An vẫn đi lùi hơn 21% xuống còn 65,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu tài chính quý I/2023 của Trung An giảm mạnh nhưng chi phí tài chính lại phát sinh thêm 142% so với cùng kỳ, ở mức 34 tỷ đồng. Tăng chủ yếu đến từ chi phí lãi vay.
Ngoài ra, các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều có sự cắt giảm so với quý I/2022; giảm từ 48,7 tỷ đồng xuống còn 24,4 tỷ đồng, tương đương giảm gần 50%.
Từng mang lại cho Gạo Trung An 4 tỷ đồng vào quý I/2022 nhưng đến quý I/2023 khoản lợi nhuận khác lại giảm không phanh xuống chỉ còn 310 triệu đồng.
Sau khi trừ các chi phí, Trung An báo lãi 8,5 tỷ đồng, “bốc hơi” tới 68% so với cùng kỳ. Giải trình về sự sụt giảm này, Trung An cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chi phí lãi vay kỳ này cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, Trung An đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 110 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, công ty mới chỉ hoàn thành hơn 7% mục tiêu về lợi nhuận.
Thách thức chờ ngành gạo
Theo nhận định của Chứng khoán VNDirect, năm 2023 đang mở ra nhiều cơ hội cho hạt gạo Việt Nam, nhưng cũng có nhiều thách thức đang đón chờ, đặc biệt là vấn đề cạnh tranh với Thái Lan.
Trong khi sản lượng lúa của Việt Nam dự kiến giảm trong năm nay thì Thái Lan có thể có một mùa thu hoạch bội thu. Niên vụ 2022-2023, Thái Lan dự kiến sản xuất khoảng 20,2 triệu tấn gạo, tăng từ 19 triệu tấn của niên vụ trước.
Ngoài vấn đề cạnh tranh với Thái Lan, VNDirect cũng chỉ rủi ro về việc Ấn Độ hủy bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo sẽ gây áp lực cạnh tranh cho gạo Việt Nam và làm giảm giá gạo xuất khẩu.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa cơ cấu cây trồng và xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa; giá phân bón tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân, điều này cũng có thể dẫn đến giảm diện tích trồng lúa khi họ chuyển sang các loại cây trồng khác.
Theo dự báo của Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi.
Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%. Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.
Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại Philippines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.
Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm vừa qua với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-nganh-gao-hut-hoi-du-gia-ban-lien-tuc-tang-a607799.html