noel giáng sinh vui vẻ
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngTài chínhDoanh nghiệp được “thở” nhờ chính sách giãn, hoãn nợ

    Doanh nghiệp được “thở” nhờ chính sách giãn, hoãn nợ

    Với Thông tư 02, các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận những khoản vay mới, đồng thời tháo gỡ khó khăn về vốn nhằm tạo vòng quay sản xuất kinh doanh liên tục.

    Không để cục máu đông nợ xấu tồn đọng

    Cuối tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn.

    Sau một thời gian thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã có phản hồi tích cực về Thông tư mới này của Ngân hàng Nhà nước. Trong cuộc trao đổi với Người Đưa Tin, ông Mạc Quốc Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp.Hà Nội cho hay, việc giãn, hoãn các khoản vay cũ rất quan trọng trong tình hình hiện tại, giúp cho doanh nghiệp giảm được một số chi phí kinh doanh, không bị nhảy nhóm nợ ở những khoản vay mới, mức độ xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ tăng lên.

    Ngoài ra, quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng được ổn định hơn để giải quyết được những bài toán liên quan đến hàng tồn kho, từ đó, mức tăng trưởng lợi nhuận cũng sẽ khả quan hơn.

    “Trong khó khăn chung của toàn thị trường, Thông tư 02 này sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp từ xi măng, sắt thép, gỗ, điện lực, cũng như ngành được đánh giá là “chủ lực” của nền kinh tế là bất động sản”, ông Quốc Anh nhận định.

    Cũng theo ông Quốc Anh, nhờ Thông tư 02, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận những khoản vay mới dễ dàng hơn bởi những khoản nợ cũ của họ không bị nhảy nợ, chuyển thành nợ xấu.

    Tài chính - Ngân hàng - Doanh nghiệp được “thở” nhờ chính sách giãn, hoãn nợ

    Ông Mạc Quốc Anh – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hà Nội.

    Chính sách giãn, hoãn nợ sẽ phần nào giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn cả về mục tiêu ngắn hạn nhằm tạo vòng quay sản xuất – kinh doanh liên tục, đồng thời hướng tới tiếp cận được các nguồn vốn trung và dài hạn.

    “Nếu để cục máu đông nợ xấu tồn đọng và lan toả từ lĩnh vực bất động sản trái phiếu sang tài chính, tín dụng, thì hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã và sẽ tiếp tục lan rộng tới mọi doanh nghiệp thuộc lĩnh vực khác. Điều này khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách”, ông Quốc Anh nói.

    Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Trong bối cảnh niềm tin bị ảnh hưởng, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo.

    Chính vì vậy, các chính sách giãn, hoãn nợ kể trên của Ngân hàng Nhà nước, đồng bộ với các giải pháp tháo gỡ thị trường vốn của Bộ Tài chính được cho là kịp thời.

    Tuy nhiên, theo ông Quốc Anh, để các chính sách này thực sự đi vào thực tiễn và có tác dụng giải toả ách tắc của nền kinh tế, đòi hỏi cần thực thi nhiều giải pháp đồng bộ về tài khoá – tiền tệ, cũng như nâng cao minh bạch thị trường, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cùng từng ngành, doanh nghiệp.

    Cần thêm giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp

    Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, ngoài Thông tư 02, nên có một giải pháp khác nhằm tháo gỡ khó khăn hiện tại của ngành này. Về thời gian có hiệu lực của Thông tư 02, ông Mạc Quốc Anh kỳ vọng Thông tư này sẽ kéo dài thời gian có hiệu lực hơn để duy trì khả năng phục hồi của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

    Trao đổi với Người Đưa Tin, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, quy định mới tốt cho các doanh nghiệp lẫn thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều món nợ quá hạn trước đây có thể chỉ mới giải quyết được khoảng 50%. Bởi khoản vay của doanh nghiệp từ ngân hàng chỉ chiếm khoảng 1/4 nợ vay, trong khi 3/4 là nợ trái phiếu. Vì vậy, để giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, cần phải thêm giải pháp cho trái phiếu doanh nghiệp.

    Do đó, vị đại diện này kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn được vay tái cấu trúc các khoản nợ trái phiếu sắp đến hạn với khoản vay có thể xem xét không vượt quá 70% giá trị trái phiếu đã phát hành. Đồng thời cho phép các trái chủ được cầm cố trái phiếu để vay tiền ở ngân hàng với 70% giá trị.

    Bên cạnh đó, ngân hàng cần nới room cho vay bởi hiện doanh nghiệp vẫn đang rất khó tiếp cận vốn. Về dài hạn, Nhà nước cần tháo gỡ về mặt pháp lý thật nhanh cho doanh nghiệp, cho dự án để làm sao sớm có sản phẩm đưa ra thị trường để có dòng tiền. Khi có dòng tiền thì mọi khó khăn của doanh nghiệp sẽ được giải quyết.

    Tài chính - Ngân hàng - Doanh nghiệp được “thở” nhờ chính sách giãn, hoãn nợ (Hình 2).

    Thông tư 02 được ban hành giúp doanh nghiệp có cơ hội phục hồi.

    “Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất cho vay thực chất hơn và quan trọng hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Trong đó có doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn. Cần cho phép áp dụng tương tự cơ chế thí điểm chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, để các doanh nghiệp được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản theo nhu cầu”, vị này đề xuất.

    Đại diện Tập đoàn Novaland cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên cho phép các doanh nghiệp bất động sản được phép tái cơ cấu, gia hạn, ân hạn các khoản nợ đến hạn trong 3 năm và không bị chuyển nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất, gia hạn kỳ hạn trái phiếu cho các doanh nghiệp bất động sản thời hạn 3 năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU