noel giáng sinh vui vẻ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img
More
    Trang chủThị trườngDoanh nghiệpDoanh nghiệp cà phê nếm đủ vị đắng - ngọt trong năm...

    Doanh nghiệp cà phê nếm đủ vị đắng – ngọt trong năm 2023

    Kết thúc năm 2023, doanh nghiệp cà phê ghi nhận 2 chiều kinh doanh trái ngược, một bên tăng trưởng rõ rệt, bên còn lại thì chìm sâu trong thua lỗ.

    Kinh doanh khởi sắc 

    Là một doanh nghiệp cà phê lớn, nổi tiếng với các sản phẩm cà phê hòa tan, Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa (HoSE: VCF) ghi nhận tình hình kinh doanh tương đối khả quan với khoản lợi nhuận tăng vọt nhờ tiết giảm hiệu quả các khoản chi phí.

    Cụ thể, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 811 tỷ đồng trong quý IV/2023, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 143 tỷ đồng, tăng 33%. 

    Giải trình về kết quả này, VinaCafé Biên Hòa thông tin, lợi nhuận thuần từ sản xuất kinh doanh trước thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 21% lên 153 tỷ đồng, chủ yếu do tăng trưởng doanh số của ngành hàng cà phê hoà tan và nước tăng lực vị cà phê cùng với tiết giảm hiệu quả chi phí đầu vào.

    Bên cạnh đó, công ty cho biết thu nhập thuần từ hoạt động tài chính tăng 223%, do tối ưu hóa dòng tiền cho hoạt động đầu tư.

    Luỹ kế cả năm, VinaCafé Biên Hòa ghi nhận 2.352 tỷ đồng doanh thu,  tăng 6% so với năm 2022. Trong năm, doanh thu tài chính của công ty tăng hơn 2 lần lên 90 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2023, doanh các khoản chi phí của VinaCafé Biên Hòa đều tiết giảm mạnh, trong đó, chi phí tài chính giảm gần 90% xuống còn 9,8 tỷ đồng. 

    Nhờ vậy, sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi 450 tỷ đồng tăng 41% so với thực hiện năm 2022. Kết quả trên đã giúp công ty hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra.

    Tại Công ty Cổ phần Cà phê Thắng Lợi (UPCoM: CFV) vừa công bố tình hình kinh doanh quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 74 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng lợi nhuận gộp trong quý của công ty vẫn tăng 38% lên 10,4 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Cà phê Thắng Lợi ghi nhận giảm 46% xuống còn 1,7 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp, các khoản chi phí còn lại đều phát sinh so với quý IV/2022. Trong đó chi phí tài chính tăng mạnh nhất với 93% lên 2,9 tỷ đồng.

    Kết quả lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 của Cà phê Thắng Lợi đạt 2,2 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

    Lũy kế năm 2023, Cà phê Thắng Lợi ghi nhận 456 tỷ đồng doanh thu đi ngang so với cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lãi năm 2023 đạt 3,5 triệu đồng, tăng 2,7 lần so với năm trước.

    Năm 2023, Cà phê Thắng Lợi lên kế hoạch doanh thu đạt 371 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,3 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, công ty đã hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra.

    Vị đắng cà phê

    Trái lại với mảng sáng của các doanh nghiệp cà phê trên, Công ty Cổ phần Cà phê PETEC (UPCoM: PCF) vừa công bố cáo tài chính quý IV/2023 với số lỗ cải thiện so với cùng kỳ năm trước dù doanh thu sụt giảm. Cụ thể, quý này, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 34,4 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán nên lợi nhuận gộp trong kỳ tăng 47% lên 2,8 tỷ đồng.

    Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của Cà phê PETEC sụt giảm mạnh từ 2,6 tỷ đồng xuống còn 227 triệu đồng, trong đó, chi phí lãi vay chiếm 97 triệu đồng. Tuy nhiên, cụ thể về các khoản chi phí chưa được công bố cụ thể.

    Bên cạnh đó, phí quản lý doanh nghiệp cũng tiết giảm chỉ còn 1,2 tỷ đồng trong khi chi phí bán hàng phát sinh thêm 40% lên 1,9 tỷ đồng.

    Sau khi trừ các chi phí, Cà phê PETEC lỗ 569 triệu đồng, giảm đáng kể so với số lỗ 2,7 tỷ đồng so với quý IV/2022.

    Lũy kế năm 2023, doanh thu của Cà phê PETEC đạt 204 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Dù doanh thu giảm nhưng nhờ tiết giảm giá vốn và chi phí tài chính nên sau khi trừ các chi phí, công ty có lãi 206 triệu đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 2,1 tỷ đồng vào năm 2022.

    Kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2017, Cà phê PETEC kinh doanh không mấy khả quan, với nhiều năm thua lỗ hoặc báo lãi mỏng dính. Hệ quả là tính đến ngày 31/12/2023, công ty đang lỗ lũy kế hơn 23,3 tỷ đồng.

    Theo báo cáo tài chính mới công bố, quý IV 2023, dù doanh thu tăng trưởng nhưng nhờ giá cà phê neo đậu ở mức cao nhưng kết quả Công ty Cổ phần Cà phê Gia Lai (Gia Lai Coffee; UPCoM: FGL) vẫn chìm trong cảnh thua lỗ.

    Cụ thể, quý IV/2023, doanh thu thuần của Gia Lai Coffee đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ; nguyên nhân là do giá cà phê nhân xô tăng cao. Dù giá vốn hàng bán giảm nhưng vẫn cao hơn doanh thu nên kỳ này công ty lỗ gộp 76 triệu đồng.

    Kết quả, sau khi trừ các chi phí, công ty cà phê này ghi nhận lỗ 2,9 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoản lỗ 16,5 tỷ đồng vào quý IV/2022.

    Lũy kế năm 2023, doanh thu thuần của Gia Lai Coffee đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ. Có thể thấy, hầu hết doanh thu của công ty đều đến từ kết quả kinh doanh trong quý IV, 3 quý đầu năm hầu như không phát sinh doanh thu.

    Do kinh doanh dưới giá vốn nên năm 2023 Gia Lai Coffee báo lỗ 12,3 tỷ đồng. Dù vậy so với khoản lỗ 24,8 tỷ đồng vào năm 2022, kết quả kinh doanh năm vừa qua của công ty đã có chuyển biến tích cực hơn. Việc kinh doanh dưới giá vốn dường như không còn xa lạ vì từ năm 2017, công ty đã có 6 lần lặp lại lịch sử doanh thu không đủ trả giá vốn.

    Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo năm 2024, ngành cà phê Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ giá cà phê robusta sẽ duy trì ở mức cao, thậm chí có thể lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. 

    Năm 2024, có nhiều thông tin trái chiều tác động đến giá cà phê toàn cầu. Quý I/2024, giá cà phê robusta và arabica được dự báo sẽ duy trì ở mức cao do lo ngại nguồn cung thiếu hụt, tồn kho thấp nhất trong 12 năm trở lại đây USDA ước tính sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023-2024 dự báo tăng 300.000 bao so với niên vụ trước lên 27,5 triệu bao, với gần 95% trong số đó là cà phê robusta. 

    Tuy nhiên, tổng nguồn cung của Việt Nam vẫn thấp hơn niên vụ trước do lượng tồn kho trong niên vụ 2022-2023 chuyển sang chỉ đạt 390.000 bao, giảm mạnh từ mức 3,58 triệu bao của niên vụ 2021-2022. Do đó, xuất khẩu cà phê nhân của Việt Nam được dự báo sẽ giảm 2,4 triệu bao xuống còn 23 triệu bao. Tồn kho cuối niên vụ 2023-2024 dự kiến vẫn ở mức thấp là 359.000 tấn.

    ĐỌC THÊM
    - Advertisment -spot_img

    ĐƯỢC ĐỌC NHIỀU