Ngày 11/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức “Hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn” dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Trần Thanh Nam.
Đưa sinh viên ra ngoài giảng đường
Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: “Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu và mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp”.
Theo Bộ trưởng, trường học là nơi dạy kiến thức, kỹ năng, thái độ sống, còn doanh nghiệp đến trường học để dạy cho học sinh, sinh viên biết ước mơ. Hợp tác với doanh nghiệp giúp đưa phương pháp luận về tư duy kinh tế, tư duy thị trường đến giảng đường, để hiểu rằng, đào tạo cuối cùng để trang bị kỹ năng cho học sinh, sinh viên sau khi ra trường.
Lấy kinh nghiệm từ các doanh nghiệp nước ngoài, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh doanh nghiệp cần ưu tiên đào tạo, xem đó như là một trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm với thế hệ tương lai của đất nước.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất, cần đổi mới đào tạo nhân lực với tư duy mở, dưới sự đồng hành của các doanh nghiệp. Cần đưa sinh viên ra ngoài giảng đường, đến các trang trại, phân xưởng, nhà máy của các doanh nghiệp. Hoạt động này không chỉ để tham quan, cảm nhận đời sống, hoạt động kinh tế mà còn viết lên một giấc mơ cho sinh viên.
Từ đó, Tư lệnh ngành Nông nghiệp bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp cảm nhận những gì mình đang làm là rất lớn lao, đó là trách nhiệm tạo ra giá trị của doanh nghiệp.
“Doanh nhân phải theo đuổi lợi nhuận. Nhưng nếu nói lợi nhuận là mục tiêu duy nhất thì theo tôi không phải. Doanh nghiệp có trách nhiệm tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội. Trên con đường tạo ra giá trị đó, sẽ thu lại những lợi ích cho mình”, Bộ trưởng nói.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ mong muốn, các trường học, cơ sở đào tạo hãy mở rộng hợp tác đào tạo vì kiến thức thay đổi rất nhanh, chỉ doanh nghiệp hoạt động kinh tế mới có khả năng cập nhật kiến thức thị trường nhanh nhạy.
Báo cáo về thúc đẩy hợp tác, liên kết nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, ông Ngô Hồng Giang – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay trên cả nước có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo các chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản và thuỷ lợi. Bộ NN&PTNT có 4 cơ sở đào tạo đại học và 28 trường cao đẳng.
Theo ông Giang, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại, thách thức.
“Năm 2022, tỉ lệ trên chiếm chưa đến 2% trong tổng số khoảng 520.000 sinh viên nhập học trên toàn quốc và có xu hướng tiếp tục giảm. Trong đó, một số ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản truyền thống có rất ít hoặc thậm chí không có sinh viên đăng ký theo học”, ông Giang cho biết.
Lý giải nguyên nhân, ông Giang cho hay, một phần do thu nhập của lao động trong ngành nông, lâm và thuỷ sản còn thấp, chỉ bằng khoảng 50% so với các ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ảnh hưởng đến tâm lý đề cao những ngành phi nông nghiệp để có điều kiện lập nghiệp ở khu vực thành thị và những nơi có điều kiện làm việc tốt hơn.
Yếu tố khiến đầu tư vào nông nghiệp bị hạn chế
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Trung Anh – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển bền vững Tập đoàn PAN, hiện nay, việc đào tạo nhân lực còn gặp một số khó khăn như nguồn lực phân bố chưa đồng đều, các tỉnh xa thiếu nguồn lao động không có chuyên môn.
Bên cạnh đó, ông Trung Anh còn đề cập đến thực tế thiếu chuyên ngành kỹ thuật, hội chợ việc làm ít có hồ sơ sinh viên phỏng vấn. Hiện nay nhiều bạn sinh viên còn thiếu niềm đam mê với nghề nghiệp như ngại đi xa, vất vả, xa nhà, đặc biệt với đặc thù ngành nông nghiệp.
Trước thực tế trên, đại diện tập đoàn PAN kiến nghị Chính phủ và Bộ NN&PTNT có những chính sách đầu tư hơn nữa về nguồn nhân lực, những chính sách đào tạo từ xa.
Đồng thời, đại diện Tập đoàn PAN cũng đề xuất: “Phần hợp tác với các chuyên gia trong ngành, nhà trường có thể mời các chuyên gia tại doanh nghiệp. Thông qua các buổi trao đổi, sinh viên có thể hiểu rõ hơn về văn hóa doanh nghiệp cũng như những kỹ năng cần trang bị khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường”.
Chia sẻ bên lề sự kiện với Người Đưa Tin, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn ThaiBinh Seed nói rằng: “Suy nghĩ đầu tiên của tôi khi đến sự kiện lần này là tại sao hoạt động hợp tác, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn không diễn ra sớm hơn”.
Theo ông Báo, đây là hoạt động rất cần thiết, gắn đào tạo và người sử dụng sản phẩm đào tạo, chính là các doanh nghiệp. Với những chuyên ngành đặc thù như nông nghiệp, chủ yếu lao động do doanh nghiệp sử dụng. Chính vì vậy, đào tạo phải gắn với thị trường.
Chia sẻ về những bất cập hiện nay, Chủ tịch HĐQT ThaiBinh Seed cho biết, nhiều sinh viên đào tạo xong ra trường, kiến thức rất chung chung, không sát với thực tế. Điều này dẫn đến thực trạng sau tuyển dụng doanh nghiệp phải đào tạo lại, gây ra tình tạng tốn thời gian.
Ngoài ra, kiến thức thực tiễn không nhiều nên quan hệ giao tiếp, những kỹ năng mềm yếu cũng là thực trạng tồn tại hiện nay. Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, nếu như đào tạo không gắn với nhu cầu của thực tiễn thì sẽ hạn chế tác dụng của người lao động khi về làm việc tại doanh nghiệp.
Đề cập đến vấn đề sinh viên ra trường không thể tiếp cận được việc làm, ông Trần Mạnh Báo bày tỏ: “Nông nghiệp là một ngành sản xuất của nền kinh tế, gắn liền với tự nhiên. Nói đến nông nghiệp thì sản xuất là chính, sau đó mới đến thương mại. Do đó, môi trường kinh doanh nông nghiệp vất vả trong sản xuất, rủi ro và lợi nhuận không cao, vòng quay vốn dài. Đó là những yếu tố khiến việc đầu tư vào nông nghiệp bị hạn chế”.
Đồng thời, ông Báo cũng chỉ ra, nhận thức của thế hệ trẻ hiện tại không muốn vào ngành nông nghiệp do những khó khăn kể trên. Điều này cũng ảnh hưởng đến nguồn nhân lực ngành nông nghiệp.
“Thế nhưng, ngành nông nghiệp là một lợi thế của đất nước và đây là lợi thế thì chúng ta phải khai thác. Vấn đề là làm thế nào để truyền thông và làm thế nào để cho các bạn trẻ, đặc biệt là con em của nông dân đi theo con đường thế hệ trước để mưu sinh chứ không phải chỉ tạo ra cái để ăn”, Chủ tịch Trần Mạnh Báo chia sẻ.
Muốn được điều đó, theo ông Báo cần phải có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, điều này không chỉ đơn giản là hỗ trợ kinh phí hay học bổng mà là tiếp nhận, giúp đỡ, đào tạo thực tập, tuyển dụng và truyền cảm hứng đến học sinh, sinh viên ngành nông nghiệp.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dn-can-uu-tien-dao-tao-xem-do-la-trach-nhiem-voi-the-he-tuong-lai-a616592.html