Tất cả các thiết kế, từ những chiếc váy lấy cảm hứng từ sari cho đến những bộ trang phục bằng lụa đầy màu sắc, đã được đưa ra trình diễn trước Gateway of India (cổng chào Ấn Độ) dưới sự dẫn dắt của nữ giám đốc sáng tạo đầu tiên của Dior, Maria Grazia Chiuri.
Buổi trình diễn thời trang mang tính bước ngoặt này là một động thái đánh dấu vai trò lâu đời của Ấn Độ trong việc sản xuất thời trang cao cấp châu Âu, cũng như sức mạnh ngày càng tăng của người tiêu dùng xa xỉ nước này.
Những người thợ vô danh
Dior gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2006 với một cửa hàng ở New Delhi. Từ đó đến nay, thương hiệu thời trang xa xỉ của Pháp mới chỉ mở thêm một cửa hàng nữa ở nước này. Tuy nhiên, nhưng mối quan hệ của hãng với đất nước này vượt xa lĩnh vực thương mại.
Cũng giống như nhiều nhà mốt sang trọng khác, Dior tìm đến các nghệ nhân Ấn Độ vì kỹ năng thủ công đặc biệt của họ. Nhiều đồ thêu và hàng dệt may được đưa trên sàn diễn của Dior tại Mumbai được thực hiện bởi Chanakya International, một xưởng thêu đã hợp tác với bà Chiuri trong gần 3 thập kỷ qua.
Dior cũng đã hợp tác với trường thủ công Chanakaya, một học viện phi lợi nhuận do Chankaya International điều hành để tạo ra đường băng khác nhau, bao gồm 22 tấm thảm khổng lồ cho buổi trình diễn Haute Couture Xuân-Hè 2022.
Mối quan hệ của các nghệ nhân Ấn Độ với thời trang cao cấp của Pháp đã có từ thế kỷ 17, khi các thợ may từ các triều đình châu Âu tìm nguồn hàng dệt may từ tiểu lục địa.
Ấn Độ đóng một vai trò khá quan trọng trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp xa xỉ, vì rất nhiều sản phẩm được gia công tại nước này.
“Trong quá trình sản xuất, một bộ quần áo còn ở Ấn Độ lâu hơn ở châu Âu, vì quá trình dệt và trang trí chiếm rất nhiều thời gian, theo ông Rahul Mishra, nhà thiết kế Ấn Độ đầu tiên được mời trình diễn bộ sưu tập đường băng trong mùa Haute Couture ở Paris.
Tuy nhiên, các loại vải do Ấn Độ sản xuất thường sẽ được đưa sang châu Âu cho những công đoạn tiếp theo, do đó và được dán nhãn “sản xuất tại châu Âu” (made in Europe).
“Rất nhiều bạn bè của tôi đang điều hành các công ty thêu thùa hợp tác chặt chẽ với các nhà mốt sang trọng, nhưng các thương hiệu sẽ không tiết lộ điều đó. Những người trong ngành luôn biết về sự đóng góp của Ấn Độ, nhưng người tiêu dùng lại không biết điều đó”, theo bà Anaita Shroff Adajania, nhà tạo mẫu hàng đầu và cựu giám đốc thời trang của tạp chí Vogue Ấn Độ.
“Tôi xem buổi biểu diễn này như một lời tri ân tới Ấn Độ”, bà Adajania chia sẻ.
Thị trường tiềm năng
Đây không phải là lần đầu tiên Dior trình diễn bộ sưu tập của mình tại một địa điểm chưa được khai thác với kiến trúc mang tính biểu tượng làm nền cho đường băng của mình.
Giám đốc nghệ thuật Kim Jones đã tiết lộ bộ sưu tập mùa thu dành cho nam giới vào năm ngoái với Kim tự tháp Giza sau lưng, làm nổi bật tham vọng đảm bảo lợi nhuận trong tương lai của LVMH, khi thế hệ tiếp theo của gia đình tỷ phú giàu nhất thế giới Bernard Arnault đảm nhận nhiều vai trò then chốt hơn trong đế chế này.
Quyết định bổ sung Ấn Độ vào lịch trình theo mùa của Dior cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của thương hiệu này đối với quốc gia Nam Á.
Bước đi này cũng cho thấy khả năng Dior sẽ thu hút những người mua bình dân ở quốc gia 1,4 tỷ dân vào đế chế LVMH với đa dạng các sản phẩm từ mỹ phẩm, nước hoa đến túi xách.
“Đó là một thị trường tiềm năng chưa được khai thác với tầng lớp trung lưu đang gia tăng và số lượng triệu phú ngày càng nhiều”, theo bà Deborah Aitken, nhà phân tích cấp cao về hàng hóa xa xỉ tại Bloomberg Intelligence. Quốc gia này hiện có 119 tỷ phú, với khoảng 70 triệu phú mới mỗi ngày trong giai đoạn 2018-2022, theo Oxfam.
Theo công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, số lượng người siêu giàu (từ 30 triệu USD trở lên) ở Ấn Độ đã tăng 11% từ năm 2020 đến năm 2021, và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Trong khi cả thế giới đang lao đao vì suy thoái, nền kinh tế Ấn Độ đang đi ngược xu hướng. Công ty tư vấn toàn cầu EY dự đoán Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế trị giá 26 nghìn tỷ USD vào năm 2047, với thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần lên 15.000 USD.
Từ chỗ là những nhà sản xuất, người Ấn Độ giờ đây là những người mặc và nắm giữ thời trang xa xỉ. Buổi trình diễn của Dior và quan hệ đối tác lâu dài với xưởng may Chanakya là ví dụ điển hình để các thương hiệu quốc tế noi theo và tận dụng cơ hội ở quốc gia Nam Á.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, CNN, Vouge Business)
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dior-mo-loi-vao-phan-khuc-thoi-trang-xa-xi-an-do-a601206.html