Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 33/2023/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo Nghị quyết, UBTVQH quyết nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) theo quy trình tại một kỳ họp.
Cùng với đó, bổ sung vào chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2023) và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2023) các dự án luật là: Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
UBTVQH cũng phân công cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án luật được bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), cơ quan trình là Chính phủ; Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), cơ quan trình là Chính phủ; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì thẩm tra; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia thẩm tra.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đã ký ban hành Nghị quyết số 31/2023/UBTVQH15 quy định, hướng dẫn một số điều khoản của nội quy kỳ họp Quốc hội, theo Nghị quyết, trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường kèm theo hồ sơ, tài liệu nếu nội dung đề xuất thuộc trách nhiệm chuẩn bị của mình đến UBTVQH trước 7 ngày tính đến ngày đề xuất tổ chức kỳ họp bất thường, trừ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác nhân sự.
Trường hợp đại biểu Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường, đại biểu Quốc hội gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến UBTVQH. Văn bản yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường có thể do một hoặc nhiều đại biểu Quốc hội cùng yêu cầu, ký tên.
UBTVQH chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp các yêu cầu của đại biểu Quốc hội trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất trước đó đến trước 8 ngày tính đến ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo;
UBTVQH xem xét, triệu tập kỳ họp bất thường khi có ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu về cùng nội dung.
Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì dự kiến nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp bất thường để báo cáo Quốc hội.
Link bài gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dieu-chinh-chuong-trinh-xay-dung-luat-phap-lenh-nam-2023-a598900.html